(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương được huyện Cẩm Thủy quan tâm thực hiện. Thông qua đó, đã tạo nền tảng và động lực thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, động lực để xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Thủy

Thời gian qua, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương được huyện Cẩm Thủy quan tâm thực hiện. Thông qua đó, đã tạo nền tảng và động lực thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, động lực để xây dựng nông thôn mới ở Cẩm ThủyHoạt động của CLB văn hóa cồng chiêng xã Cẩm Tâm đã góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Hơn 80% số hộ là người Mường, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, như trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn, nhạc cụ... Để những giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một theo thời gian, xã Cẩm Tâm đã có những việc làm thiết thực. Ví như thành lập Câu lạc bộ (CLB) văn hóa cồng chiêng, CLB trang phục dân tộc Mường, các thôn thành lập đội văn hóa, văn nghệ... Các CLB văn hóa, văn nghệ đã thu hút, tập hợp đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia tập luyện, biểu diễn. Những buổi sinh hoạt cộng đồng hay các ngày lễ lớn trong năm, các CLB văn hóa, văn nghệ có nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, góp phần duy trì nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã.

Ông Quách Tuấn Thưởng, Chủ nhiệm CLB văn hóa cồng chiêng xã Cẩm Tâm, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã Câm Tâm luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Khi đời sống tinh thần được nâng lên, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình được cấp ủy, chính quyền trân trọng, gìn giữ và phát huy sẽ là động lực để người dân sẵn sàng góp công sức, tiền của xây dựng thôn, làng ngày càng phát triển”.

Tại xã Cẩm Ngọc, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Xã đã chỉ đạo các thôn thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ. Thông qua các CLB này, xã đã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Mường, đồng thời tổ chức dàn dựng, biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, như: Hát sắc bùa, đánh cồng chiêng... Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, các nhà trường đã có những việc làm thiết thực, như thông qua những buổi ngoại khóa truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Mường, giới thiệu các sản phẩm, sinh hoạt văn hóa truyền thống như: dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc...

Ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc, cho biết: Hàng năm, xã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, thông qua việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp ở xã, thôn xóm, lồng ghép các phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư. Bên cạnh hoạt động văn hóa - văn nghệ, hoạt động thể dục - thể thao cũng góp phần bồi đắp những giá trị văn hóa các dân tộc. Nhiều môn thể thao dân tộc đã thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân như đẩy gậy, bắn nỏ... Hàng năm, vào những ngày lễ lớn các thôn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Cùng với Cẩm Tâm, Cẩm Ngọc, các xã trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, như khôi phục lại trang phục truyền thống của người Mường; thành lập các CLB văn hóa cồng chiêng; khôi phục kiến trúc nhà ở của người Mường; bảo tồn và phát huy chữ Nôm Dao; khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người Mường; nghề thêu của đồng bào dân tộc Dao; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Đến nay, Cẩm Thủy đã thành lập được 6 CLB cồng chiêng ở các xã: Cẩm Ngọc, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Tâm, Cẩm Thành, Cẩm Quý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Để những giá trị văn hóa của dân tộc Mường được bảo tồn và phát huy trong đời sống Nhân dân, huyện Cẩm Thủy chỉ đạo các xã tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống, phục dựng các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, huyện Cẩm Thủy cũng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao như: Nhảy sạp, ném còn, đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy... tạo sân chơi và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tạo cho các tầng lớp Nhân dân. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội...

Động lực xây dựng nông thôn mới

Qua tìm hiểu cho thấy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang là động lực quan trọng để huyện Cẩm Thủy đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Ông Bùi Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy), khẳng định: “Việc lưu giữ nhiều không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng những hoạt động văn hóa cộng đồng, đã cổ vũ đời sống tinh thần, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người dân. Qua đó, người dân nhận thấy mình là chủ thể trong xây dựng NTM và sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Cẩm Tâm đã huy động được 12 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của Nhân dân và hàng nghìn ngày công lao động. Diện mạo nông thôn của xã Cẩm Tâm có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, từ một xã có trên 40% là hộ nghèo, đến nay tỷ lệ này giảm xuống 1,75%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm; phấn đấu năm 2022 xã Cẩm Tâm về đích NTM”...

Hiện nay, huyện Cẩm Thủy có 6 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,16%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng; đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, 75% nhà văn hóa các thôn đạt chuẩn NTM; thành lập 119 CLB văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% số thôn đều xây dựng được hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Để các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục trở thành động lực cho chương trình xây dựng NTM, thời gian tới huyện Cẩm Thủy tập trung đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đó, huyện sẽ tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, phát huy văn hóa truyền thống, phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng, loại bỏ hủ tục lạc hậu, tăng cường đoàn kết cộng đồng, góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống, nâng cao nhận thức, hành động về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng xã trong cộng đồng và mỗi người dân.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]