(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày 8/3, tại Trung tâm hội nghị 25B, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Phan Việt Nam đã tổ chức hội thảo Bảo tồn phát huy giá trị di tích đền thờ Phan Nhạc trên đất Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn phát huy giá trị di tích đền thờ Phan Nhạc trên đất Thanh Hóa

(VH&ĐS) Ngày 8/3, tại Trung tâm hội nghị 25B, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Phan Việt Nam đã tổ chức hội thảo Bảo tồn phát huy giá trị di tích đền thờ Phan Nhạc trên đất Thanh Hóa.

Quang cảnh Hội thảo Bảo tồn phát huy giá trị di tích đền thờ Phan Nhạc trên đất Thanh Hóa.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đại diện lãnh đạo Viện Sử học Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh...

Hội thảo đã tập trung làm rõ về quê hương và thần tích của Phan Nhạc- vị tướng xuất hiện từ thời Hùng Vương thứ 18, nhân vật có nguồn gốc lịch sử song thấm đẫm màu sắc huyền thoại.

Theo các căn cứ còn lưu lại, ông Phan Nhạc là người Hà Trung, Châu Ái (Thanh Hóa). Cha mẹ vốn giàu có, chăm lo làm điều nhân nghĩa song hiếm muộn con. Ngoài 40 tuổi, bà mẹ mới hạ sinh đứa trẻ có vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú và đặt tên Phan Nhạc. Lớn lên, với tài năng xuất chúng, ông cùng với Tản Viên Sơn thánh đã có công giúp vua Hùng đánh đuổi giặc Thục, được phong là Tây Nhạc Đại vương. Đồng thời được nhà vua ưu ái gả cháu gái là công chúa Hoa Dung làm vợ.

Khi thiên hạ thái bình, Phan Nhạc cùng vợ là công chúa Hoa Dung ngao du thiên hạ, đến vùng đất Phương Canh (nay là Hương Canh) xã Xuân Phương huyện Từ Liêm chỉ bảo người dân nuôi tằm, dệt vải, dạy dân lễ nghi... ông được người dân kính yêu gọi là Phan Ông Tây Nhạc. Và được suy tôn là ông tổ của dòng họ Phan Việt Nam.

Trải qua bốn triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Phan Nhạc đại vương đều được sắc phong Hộ quốc cứu dân, muôn đời hương hỏa. Hiện nay tại xã Xuân Phương ở hai thôn Thị Cấm và Hoè Thị đều có đền thờ tôn ngài là Thành hoàng. Vào ngày mùng 8/1 âm lịch, nhân dân tổ chức nấu cơm thi. Đây là tục ôn lại thời kỳ Phan Nhạc Tướng quân lựa chọn hậu cần phục vụ quân đội, vừa đi, vừa nấu cơm, tốc hành vào trận địa.

Theo tài liệu của các nhà khoa học, hiện nay trên cả nước có tất cả 70 nơi thờ Phan Nhạc Đại Vương.

Ở làng Thanh Đớn xã Hà Thanh (Hà Trung) hiện có ngôi đình Cơm Thi là nơi gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Nhạc. Hàng năm, từ ngày mùng 10 tháng Giêng, làng mở hội thổi cơm thi tại ngôi đình thiêng. Cùng với đó, ở hai xã Hà Bắc; Hà Tiến còn duy trì mỹ tục Đốt lửa đình liệu - một mỹ tục gắn liền với truyền thuyết về tướng quân Phan Nhạc Đại Vương.

Tại hội thảo, đã có tất cả 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử được trình bày và thông qua. Các bài tham luận dựa trên các tư liệu, thư tịch cổ... tập trung vào hai vấn đề chính: Luận về tên gọi, quê hương, thần tích của ngài Phan Nhạc và Bảo tồn, phát huy giá trị đền thờ Phan Nhạc Đại Vương ở Thanh Hóa. Trong đó, một số ý kiến cùng đề xuất đến việc xây dựng ngôi đền thờ ngài ở bản quán Hà Bắc (Hà Trung).

Thực tế, dù là nơi tướng quân Phan Nhạc sinh ra và mất đi song đến thời điểm hiện tại, có thể bởi các yếu tố thời gian, lịch sử thì đền thờ ông hiện chỉ còn là phế tích. Vì vậy, với công lao của ông trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cùng những gì ông để lại cho hậu thế nói chung và con cháu dòng họ Phan Việt Nam nói riêng thì việc xây dựng đền thờ ông nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều nhà khoa học có mặt tại hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung khẳng định huyện Hà Trung sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học, cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra những căn cứ xác thực để từ đó tôn vinh vị tướng thời Hùng Vương Phan Nhạc.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Hội KHLS Việt Nam sẽ có văn bản chính thức liên quan tới việc bảo tồn phát huy giá trị di tích đền thờ Phan Nhạc trên đất Thanh Hóa tới cơ quan các cấp của tỉnh.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]