(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Có thể khẳng định, trong những năm qua việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống tại các địa phương trong tỉnh luôn được ngành VH,TT&DL không ngừng đề cao và tôn vinh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân gian (Kỳ I): Khôi phục các trò diễn dân gian tưởng như “mất trắng”

(VH&ĐS) Có thể khẳng định, trong những năm qua việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống tại các địa phương trong tỉnh luôn được ngành VH,TT&DL không ngừng đề cao và tôn vinh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Tại các tụ điểm sinh hoạt văn hóa như thư viện, nhà văn hóa làng, tủ sách trường học thường xuyên mở cửa phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, khai thác thông tin và sinh hoạt văn hóa của người dân, qua đó tạo nên những chuyển biến vượt bậc trong việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân gian truyền thống.

Hoằng Hóa là một trong những địa phương đi đầu ở Thanh Hóa về việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của cha ông trong nhiều năm qua. Trưởng phòng VHTT huyện Hoằng Hóa Lê Thanh Cảnh cho biết: Với truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, độc đáo, cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh tại các di tích lịch sử, văn hóa, Hoằng Hóa luôn coi trọng việc tổ chức tốt các lễ hội văn hóa truyền thống, nhất là các trò chơi, trò diễn, các làn điệu dân ca, dân vũ... tại các làng văn hóa. Và những trò chơi, trò diễn này đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.

Để khôi phục và phát huy hiệu quả hoạt động của các trò chơi, trò diễn dân gian trên địa bàn huyện, từ nhiều năm nay huyện Hoằng Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/1trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/năm với mỗi trò chơi, trò diễn dân gian đã được khôi phục, duy trì hoạt động. Với cơ chế, chính sách này cùng với sự ủng hộ của địa phương, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và phát huy có hiệu quả. Trong đó, phải kể đến vật dân tộc (Hoằng Phong), đua thuyền (Hoằng Đạt), chèo chải (Hoằng Quý), múa Sanh Ngô (Hoằng Thắng), trống hội (Hoằng Phú), hát chầu văn (Hoằng Phượng)...

Cùng với huyện Hoằng Hóa, các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Ngọc Lặc, Lang Chánh... cũng có nhiều cách làm khá hiệu quả nhằmbảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian gắn với làng văn hóa. Chính vì sự quan tâm kịp thời đó mà nhiều trò chơi, trò diễn dân gian tưởng chừng như “mất trắng” nay đã được khôi phục gần như nguyên trạng như dân ca Đông Anh (Đông Sơn), trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò Chiềng (Yên Định), Tú Huần (Quảng Xương)...

Múa đèn Đông Anh được những người nông dân chân lấm tay bùn giữ gìn.

Cùng với việc khai thác triệt để vốn văn hóa dân gian trong lễ hội truyền thống thì việc thành lập các đội văn nghệ quần chúng tại các làng văn hóa cũng là một trong những cách làm rất có hiệu quả hiện nay. Những người trong đội văn nghệ là những hạt nhân tiêu biểu trong việc bảo tồn, gìn giữ và tham gia các hoạt động văn hóa như sinh hoạt CLB, liên hoan văn nghệ quần chúng, tham gia các hội thi, hội diễn, hội trại tại các làng văn hóa. Họ nỗ lực hết mình với hi vọng những giá trị văn hóa đó tiếp tục được giữ gìn, phát huy như một vốn văn hóa di sản ngàn năm. CLB tuồng Quỳ Chử, CLB chèo Hoằng Phượng... là một trong những điển hình. Có thể thấy từ trung du, miền biển đến với các huyện miền núi xa xôi, nhiều vốn văn hóa dân gian tiêu biểu như: Pồôn pôông của người Mường thu hút người tham gia bởi âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, chiêng, tiếng thào lài, tiếng trống... như cộng hưởng cùng tiếng reo vui, diễn xướng và câu hát của người tham gia. Cùng với đó là múa trống chiêng (dân tộc Thổ), cá sa sằng khàn (Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh), múa bát (Ngọc Lặc, Cẩm Thủy). Những trò diễn phong tục như cồng chiêng, séc bùa ở huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy cũng đã và đang được khôi phục và phát huy hiệu quả...

Mặc dù trong thời kỳ hội nhập hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào đã đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo vệ văn hóa dân gian trong các làng văn hóa. Tuy nhiên nếu biết khai thác triệt để vốn văn hóa dân gian trong lễ hội truyền thống và các phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu tại các làng văn hóa, sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để giúp cho mọi người hiểu, yêu và cùng nhau chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trong các làng văn hóa ngày càng có hiệu quả hơn nữa.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]