(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngay từ khi thành lập Thư viện tỉnh (tháng 3/1956) công tác nhân lực đã được các cấp quan tâm, coi trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nguồn nhân lực Thư viện tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới

(VH&ĐS) Ngay từ khi thành lập Thư viện tỉnh (tháng 3/1956) công tác nhân lực đã được các cấp quan tâm, coi trọng.

Để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15/02/1971, Ủy ban Hành chính tỉnh ban hành Quyết định chuyển Thư viện đại chúng Thanh Hóa lên Thư viện Khoa học Tổng hợp. Từ đây, Thư viện tỉnh là đơn vị sự nghiệp thuộc Ty Văn hóa, có con dấu riêng và được thành lập các bộ phận trực thuộc. Với chức năng, nhiệm vụ mới, Thư viện Khoa học Tổng hợp đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và đa dạng lĩnh vực đào tạo.

Bởi thế, từ năm 1970 - 1973 Ty Văn hóa đã tăng cường cho Thư viện thêm 07 cán bộ đại học và 01 cán bộ trung cấp và đến năm 1973 Thư viện tỉnh có 09 cán bộ có trình độ đại học và 05 cán bộ có trình độ trung cấp. Đây là đội ngũ cán bộ khá mạnh so với các Thư viện tỉnh ở miền Bắc khi đó. Năm 1975, ông Đỗ Hữu Thích - Giám đốc Thư viện đã được Nhà nước cử đi đào tạo Tiến sĩ tại Liên Xô (nay là Cộng hòa liên bang Nga) và là người có học vị cao nhất về thư viện của Thư viện Thanh Hóa, đã đóng góp nhiều bài học về lý luận và thực tiễn từ Liên Xô cho sự phát triển của Thư viện tỉnh nhà.

Có thể nói, từ thư viện đại chúng đi lên Thư viện Khoa học Tổng hợp là cột mốc không thể nào quên trong tiến trình phát triển của Thư viện Thanh Hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của cách mạng, gốc có vững thì cây mới mạnh”. Nhận thức điều đó, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, để tăng cường chất lượng cán bộ thư viện trong toàn tỉnh, Thư viện KHTH đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật chiêu sinh đào tạo chính quy lớp Trung cấp Thư viện đầu tiên, cung cấp cán bộ có chuyên môn cho các thư viện huyện, thị, các trường chuyên nghiệp và các ngành trong tỉnh. Việc làm này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện và phong trào đọc sách báo trong tỉnh, hình thành mạng lưới thư viện từ tỉnh đến các huyện, thị xã và các trường chuyên nghiệp trong tỉnh.

Từ kết quả của việc đào tạo trung cấp thư viện, nhờ sự thuyết phục, liên kết với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội của Thư viện Khoa học Tổng hợp, sau 3 năm, riêng Thư viện đã cử đi tào tạo được 16 cán bộ có trình độ đại học. Với sự khởi đầu thành công, thư viện đã cử thêm 09 cán bộ đi đào tạo khóa 1994 - 1998, nâng tổng số cán bộ lên 25/26 có trình độ đại học. Cũng nhờ chủ trương này, gần 200 cán bộ thư viện huyện, thị và các trường đã có trình độ đại học, tạo nên bước phát triển mới về chất lượng của mạng lưới thư viện công cộng và trường học Thanh Hóa.

Theo quy luật, có cán bộ giỏi mới có phong trào mạnh và có phong trào mạnh mới chọn được cán bộ có năng lực tốt. Trong 60 năm qua, Thư viện Thanh Hóa đã bồi dưỡng và cung cấp nhiều cán bộ ưu tú cho tỉnh và Trung ương. Tiêu biểu là: Tiến sĩ Đỗ Hữu Thích - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin (1985-1994), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo (1994- 2000); Cử nhân Phạm Thế Khang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (1994 -1996), Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa - Thông tin (tháng 6/1996 - 6/2000), Giám đốc Thư viện Quốc gia (tháng 6/2000 - 10/2009), Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam (từ năm 2011 đến nay); Cử nhân Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa (từ năm 2015 đến nay).

Một trong những hoạt động của Thư viện tỉnh.

Thư viện tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 44 cán bộ trong đó có 09 nam; 35 nữ; có 06 phòng chức năng. Về trình độ chuyên môn: Có 41 cán bộ cử nhân trong đó có 13 cán bộ cử nhân thông tin thư viện; 05 thạc sĩ còn lại là cử nhân ngành sư phạm, ngoại ngữ, tài chính, tin học, lịch sử, khoa học xã hội nhân văn. Trình độ tin học: 100% cán bộ sử dụng thành thạo máy tính, trong đó có 03 đại học công nghệ thông tin. Trình độ lý luận chính trị: 03 cán bộ có trình độ lý luận cao cấp; 01 trung cấp lý luận; 12 đồng chí đã qua lớp quản lý Nhà nước.

Căn cứ định hướng của Bộ VH,TT&DL đối với thư viện công cộng trong giai đoạn 2016 - 2020: “Phát triển Thư viện Việt Nam trở thành Trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu hiệu phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân với nguồn lực thông tin phong phú, công nghệ hiện đại, các dịch vụ đa dạng, dễ dàng tiếp cận và hình thành đội ngũ cán bộ thư viện chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, hỗ trợ cho việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên”. (Tổng kết 5 năm hoạt động của hệ thống TVCC 2011 - 2015).

Căn cứ phương hướng phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020 và truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành của thư viện, Thư viện tỉnh cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ về lượng, mạnh về chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của đơn vị trong thời kỳ mới. Cụ thể những yêu cầu cần rèn luyện và vươn tới của cán bộ Thư viện Thanh Hóa là: lòng yêu nghề.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư cho thư viện một trụ sở khang trang, hiện đại và đồng bộ vào bậc nhất cả nước. Để phát huy công năng công trình, đáp ứng nhu cầu phát triển của thư viện, trước hết mỗi cán bộ cần có một lòng yêu nghề. Có lòng yêu nghề, từng cán bộ thư viện sẽ tìm thấy niềm vui từ những thành công, những kết quả trong công việc hằng ngày của chính mình. Nhờ sự giúp đỡ của thư viện, bạn đọc sẽ có những thành công trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học… đấy chính là niềm vui của cán bộ thư viện.

Hãy nghĩ về lời đánh giá xác đáng của Plêkhanốp (Nga) đầu thiên niên kỷ mới: “Mặc dù đã có sự thần kỳ của máy móc nhưng cho đến tận hôm nay, thư viện vẫn là nguồn lực chính cho mọi sự hiểu biết”. Nguồn lực thư viện chỉ được phát huy và đưa lại hiệu quả thông qua người cán bộ vốn đã được suy tôn là “linh hồn của công tác thư viện”.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, qua biết bao giai đoạn lịch sử với những khó khăn, gian khổ chồng chất, nhưng Thư viện Thanh Hóa luôn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Phải chăng những tấm lòng yêu nghề đã giúp cho các thế hệ cán bộ có đủ sức mạnh tinh thần, sự thông minh để tìm ra những cách làm hay trong điều kiện vật chất hạn chế, thích ứng với sự biến đổi của xã hội, góp phần đưa thư viện phát triển. Tình yêu nghề đã gắn kết các trái tim tạo nên tình cảm đoàn kết thân thương, trên dưới một lòng. Tình yêu nghề biến mỗi cán bộ trở thành một người thân của những người đến sử dụng thư viện mà duy nhất chỉ có thư viện mới gọi họ là "bạn" và tích cực đổi mới phong cách phục vụ, thân thiện, tận tình, thu hút ngày càng đông bạn đọc.

Trong điều kiện còn hạn chế về số lượng biên chế, cán bộ thư viện ngày nay đòi hỏi phải giỏi một việc, biết nhiều việc, có tri thức văn hóa nói chung, kỹ năng chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo, góp phần dù nhỏ nhất để chăm chút cho Thư viện tỉnh trở thành một địa chỉ quen lui tới hàng ngày của hàng nghìn bạn đọc. Dù làm bất cứ công việc nào thì lòng yêu nghề vẫn là nhân tố quan trọng hàng đầu và tạo nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách đi đến thành công.

Để phát triển sự nghiệp thư viện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, hiện nay rất cần những cán bộ có lòng yêu nghề, hết lòng vì nghề; phải có kiến thức toàn diện; phải có trình độ ngoại ngữ và tin học cần thiết; phải năng động, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu kỹ năng mới.

Phấn khởi tự hào về chặng đường hơn nửa thế kỷ đầy vinh quang của Thư viện tỉnh, mỗi cán bộ thế hệ hôm nay cần tự vượt lên chính mình, nhanh chóng tự học, tự rèn luyện để đáp ứng nhu cầu mới của bạn đọc. Với nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản lại được thử nghiệm trong không gian hiện đại của Thư viện Thanh Hóa, hứa hẹn sẽ góp phần xây dựng thành công thư viện theo mô hình: Tiên tiến, hiện đại, lấy điện tử hóa, tự động hóa làm nòng cốt, đẩy mạnh việc số hóa tài liệu, liên kết, chia sẻ nhằm gia tăng nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa đọc, củng cố mạnh mạng lưới thư viện công cộng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, năng động, sáng tạo nhằm phục vụ hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thực hiện xuất sắc vai trò trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục, khoa học của Thư viện tỉnh.

Đỗ Hữu Cương

Giám đốc Thư viện Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]