(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu so sánh về số lượng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), Thanh Hóa có lẽ chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội. Với hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 851 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích Quốc gia đặc biệt; 139 di tích cấp Quốc gia và 706 di tích cấp tỉnh) cùng với đó là hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi, trò diễn, lễ hội... của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên quê hương xứ Thanh. Đi cùng với niềm tự hào, đó còn là trách nhiệm nặng nề với hệ thống di sản mà tiền nhân đã nhọc công tạo dựng. Cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, mà Đảng bộ Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã lãnh đạo toàn ngành ra sức thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Nhìn từ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Sở VH,TT&DL

Nếu so sánh về số lượng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), Thanh Hóa có lẽ chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội. Với hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 851 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích Quốc gia đặc biệt; 139 di tích cấp Quốc gia và 706 di tích cấp tỉnh) cùng với đó là hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi, trò diễn, lễ hội... của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên quê hương xứ Thanh. Đi cùng với niềm tự hào, đó còn là trách nhiệm nặng nề với hệ thống di sản mà tiền nhân đã nhọc công tạo dựng. Cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, mà Đảng bộ Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã lãnh đạo toàn ngành ra sức thực hiện.

Lễ hội đền Bà Triệu đã được bảo tồn và phát huy giá trị. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích

Lễ hội Lam Kinh năm 2018 và kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra trong không khí vui tươi, hân hoan của đông đảo người dân và du khách tham gia. Bên cạnh những nghi lễ, hoạt động truyền thống, công trình Chính điện Lam Kinh sau thời gian thi công phục dựng nguyên trạng đã cơ bản hoàn thành đưa vào phục vụ khách tham quan, chiêm bái vào thời điểm này. Những du khách đã may mắn được vào chính điện tham quan hẳn không quên cảm xúc ngỡ ngàng, xúc động trước sự bề thế, nguy nga lộng lẫy mà rất đỗi trang nghiêm của công trình gỗ đồ sộ. Với tổng diện tích trên 1700m2, Chính điện Lam Kinh được phỏng dựng trên nền móng của 138 chân tảng tại vị trí nguyên gốc, đi cùng với đó là số lượng gỗ khổng lồ. Sau khi hoàn thành, Chính điện Lam Kinh được đánh giá là công trình cung điện có quy mô kiến trúc gỗ vĩ đại bậc nhất trong lịch sử kiến trúc gỗ Việt Nam, với ba lớp: ngoài cùng là Quang Đức điện (tiền điện); ở giữa là Sùng Hiếu điện (trung điện) và trong cùng là Diên Khánh điện (hậu điện) - nơi nhà vua ngự triều. Trên bệ tam cấp có ngai vàng, phía sau ngai vàng là bức chạm khắc gỗ đề tài cửu long chầu chúa... Bên trong Chính điện còn có những vật dụng nội thất (bàn nhang án; ngai vàng; án thư; long sàng...) giúp hậu thế phần nào mường tượng được cuộc sống sinh hoạt, làm việc của bậc đế vương xưa.

Đánh giá về Chính điện Lam Kinh, không chỉ người dân, du khách mà cả các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn cũng đồng thuận nhận định đây là công trình phục dựng gỗ vĩ đại, phức tạp hiếm có. Nó hiển hiện ở quy mô, cấu kiện, kiến trúc điêu khắc, mỹ thuật nhiều tầng lớp, đòi hỏi sự tinh xảo, cẩn trọng và tầm nhìn. Sau khi đưa vào sử dụng, Chính điện Lam Kinh không chỉ là điểm đến tâm linh, đó còn là điểm nhấn tham quan cho du khách khi về với Lam Kinh.

Và Chính điện Lam Kinh chỉ là một trong số nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp mà ngành VH,TT&DL được giao làm chủ đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020. Có thể kể đến: Lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng Phủ Trịnh; Nghè Vẹt; Tượng đài Anh hùng Nguyễn Thị Lợi; Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai; Trận địa đồi C4 Hàm Rồng; phục hồi Gia Miêu Lăng miếu Triệu Tường (giai đoạn 2)... Cơ bản các di tích trong quá trình trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đều được Đảng bộ Sở VH,TT&DL Thanh Hóa chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Bên cạnh việc làm chủ đầu tư trong các công trình trọng điểm của tỉnh, Đảng ủy Sở VH,TT&DL cũng chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích do địa phương quản lý với tổng nguồn kinh phí 5 năm gần 200 tỷ. Trong đó, riêng năm 2018 là 50 tỷ. Từ nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ đã góp phần “kích cầu” kịp thời cho các địa phương trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Để từ đó bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cha ông xưa.

Cùng với hệ thống di tích thì các hiện vật lưu giữ cũng là sự khẳng định cho những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà người xưa đã nhọc nhằn góp nhặt, sáng tạo. Đến nay, Thanh Hóa đã có 8 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia (3 bảo vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và 5 bảo vật tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh). Hiện tại, Sở VHTT&DL đang trình hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét công nhận văn bia vua Lê Túc Tông là bảo vật Quốc gia. Các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Thanh Hóa không chỉ đáp ứng các tiêu chí về Bảo vật do Thủ tướng Chính phủ kí quyết định công nhận. Ở đó, còn là những tư liệu sử quý giá và bất biến (văn bia Vĩnh Lăng) để hậu thế nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Độc Cước đặc sắc trong không gian văn hóa của TP du lịch biển Sầm Sơn.

Bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa cha ông

Nhắc đến di sản văn hóa xứ Thanh, nếu chỉ kể tên hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê thôi sẽ là chưa đủ. Ở đó, còn là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, các trò chơi, trò diễn, diễn xướng, lễ hội... đang tồn tại, lưu giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân mỗi địa phương, góp phần làm nên nét đẹp văn hóa đặc sắc mà đa dạng của từng vùng miền. Nhận thức được điều đó, thời gian qua Đảng bộ Sở VH,TT&DL đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương. Đến nay, đã có 17/27 huyện, thị, thành phố hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể với 486 di sản được nhận diện.

Từ năm 2015 - 2020, Đảng ủy Sở VH,TT&DL đã lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc lập và hoàn thành hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa 11 di sản vào trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân); Lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc); Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn); Lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); Lễ hội Trò Chiềng (Yên Định); Lễ hội đền Độc Cước (Sầm Sơn); nghề Đúc đồng làng Chè (Thiệu Hóa); Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh); Xường giao duyên (Ngọc Lặc); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); Lễ hội Đền Mưng (Nông Cống).

Trong số 11 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của Thanh Hóa đã được đưa vào danh mục thì trò diễn Xuân Phả là di sản đầu tiên được công nhận (10/2016). Đó không chỉ là niềm vui, tự hào của người dân vùng đất hai vua mà còn cả xứ Thanh. Trò Xuân Phả được biết đến là những tích trò độc nhất vô nhị mô tả cảnh 5 quốc gia cổ đem lễ vật cùng tiết mục múa hát đặc sắc của họ đến chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa, biết vậy để ta hiểu hơn vị thế của các vương triều Đại Việt trong lịch sử. Trải qua hơn 1.000 năm với những thăng trầm, biến động và cả gián đoạn, đến nay trò diễn Xuân Phả đã cơ bản được phục dựng hoàn chỉnh, trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn trong đời sống nhân dân. Không chỉ biểu diễn trong các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh, trò Xuân Phả còn xuất hiện trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; festival Huế... Để rồi, nhắc đến trò Xuân Phả, người ta nhớ đến xứ Thanh và ngược lại, nhắc đến xứ Thanh là nhớ đến quê hương của trò Xuân Phả.

Sầm Sơn với những bước đi đúng đắn đang từng bước khẳng định vị thế của đô thị du lịch biển hàng đầu cả nước. Du khách khi về với Sầm Sơn không chỉ ấn tượng trước những tuyệt tác của bàn tay tạo hóa. Đó là bãi biển đẹp trải dài cát trắng, núi Trường Lệ thoai thoải vươn mình ra bờ biển lớn và ấp ôm trong đó biết bao huyền thoại. Ở đó, dưới chân núi Trường Lệ, ngay bên bờ biển còn có lễ hội đền Độc Cước đặc sắc và hấp dẫn. Trong không gian bờ biển náo nhiệt, cuộc sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của cư dân Sầm Sơn tự ngàn vạn năm qua được tái hiện sinh động. Cư dân Sầm Sơn bao đời nay vẫn hằng biết ơn thần Độc Cước đã không tiếc thân mình để bảo vệ người dân biển; hay Bà Triều đến và đi như món quà mà tạo hóa đã gửi xuống để dạy cho dân chài biết mưu sinh bám biển...Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của riêng Sầm Sơn.

Thực ra, các lễ hội, trò diễn không phải chỉ khi đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thì mới được nhìn nhận đúng mức. Trước khi trở thành di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) vẫn được duy trì với đầy đủ những lễ tục vốn có. Hay lễ hội Cầu Ngư của người dân biển Hậu Lộc vẫn diễn ra với tất cả niềm tin, cầu mong che chở mà ngư dân mong được mẹ biển khơi phù trợ... Tuy vậy, phải khẳng định, khi chính thức được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thì vị thế của di sản rõ ràng đã khác. Cùng với đó, trách nhiệm của người dân, cộng đồng nắm giữ di sản và chính quyền địa phương, phòng chuyên môn trong câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc. Và đó phải chăng chính là cách để ngành VH,TT&DL cùng các địa phương, người dân bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cha ông vững bền theo thời gian.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Sở VH,TT&DL, kết quả đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản mà toàn ngành đã đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, hoạt động lễ hội đôi khi chưa theo kịp sự phát triển của đời sống, sự kỳ vọng của người dân... Dẫu vậy, thẳng thắn nhìn ra những hạn chế cũng là cách để Đảng bộ Sở VH,TT&DL tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyên môn để từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quý giá của cha ông trong thời gian tới.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]