(vhds.baothanhhoa.vn) - Được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2015, di tích lịch sử nghè làng Đông Lỗ (hay còn gọi là đền thờ Thành hoàng làng Đông Lỗ) ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong làng nói riêng và quanh vùng nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Cách làm hay ở Thiệu Long

Được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2015, di tích lịch sử nghè làng Đông Lỗ (hay còn gọi là đền thờ Thành hoàng làng Đông Lỗ) ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong làng nói riêng và quanh vùng nói chung.

Nghè làng Đông Lỗ ở Thiệu Long được bảo tồn và phát huy giá trị.

Đến hẹn lại lên, hàng năm đến ngày 21 tháng 11 âm lịch là thời điểm người dân làng Đông Lỗ lại náo nức trẩy hội. Với họ, hội làng còn vui hơn tết. Đây là dịp để mọi người tụ họp ở đây để tưởng nhớ đến vị Thành hoàng làng đã có công với nước, giúp dân và có nhiều linh ứng. Ngoài các kỳ lễ lớn được tổ chức trong năm, vào những ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhân dân trong làng đều đến nghè để thắp hương cầu mong được sự che chở, giúp đỡ của các vị thần Thành hoàng làng cho quốc thái dân an, gia đình gặp nhiều may mắn.

Cảm giác khi đến với Đông Lỗ lần đầu là sự gần gũi, ấm áp của một vùng quê thanh bình, yên ả, đắm mình trong không gian văn hóa làng xã với đời sống tín ngưỡng lâu đời được người dân giữ gìn nguyên vẹn. Và đến Thiệu Long, sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm di tích nghè Đông Lỗ. Nghè không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn ẩn chứa câu chuyện tâm linh huyền ảo. Toàn bộ công trình được xây dựng trên thế đất cao ráo quay mặt về hướng Bắc. Phóng tầm mắt xa phía trước là núi Tiên Nông, trước mặt có dòng sông Chày được bắt nguồn từ núi Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc chảy qua và đổ ra sông Mã ở cửa Phú Ninh, xã Định Công, huyện Yên Định.

Ghé thăm nghè Đông Lỗ, chúng tôi được người dân kể cho nghe câu chuyện về vị Thành hoàng làng đang được thờ phụng tại đây. Căn cứ vào sách “Thanh Hóa Chư thần lục” và bản dịch “Thần tích, thần sắc làng Đông Lỗ Cựu, tổng Mật Vật” đang lưu giữ tại di tích, thì nghè làng Đông Lỗ thờ 2 vị thần là “Cao Minh Quảng Đức tôn thần” và “Uy Minh Hoằng Đức tôn thần”. Đây là những người đã có công giúp nước, bảo vệ và che chở cho dân, có nhiều linh ứng được nhân dân tôn thờ và các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong.

Hiện nay tại di tích chưa tìm được tài liệu nào ghi chép về việc xây dựng nghè làng Đông Lỗ, chỉ còn lại thần tích, các đạo sắc phong được các triều đại tặng cho thần và giao cho địa phương thờ phụng. Bản thần tích có ghi việc sau khi ông mất, nhân dân làm tấu về triều, vua ban sắc phong cho dân ở 2 cung của trang Đông Lỗ trùng tu cung sở làm nơi thờ 2 ông. Nội dung của thần tích cũng chỉ ghi chép vào thời Lý nhưng không rõ niên hiệu nên chưa xác định được cụ thể niên đại của cung cũ - nơi thờ 2 ông. Tuy nhiên qua các đạo sắc phong được các triều đại phong kiến ban cho các vị thần từ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (năm 1710) cho đến niên hiệu Khải Định thứ 9 (năm 1924) có thể khẳng định nghè làng Đông Lỗ đã có từ thời Hậu Lê.

Cũng như rất nhiều ngôi làng khác, ở nghè làng Đông Lỗ, những sắc phong được vua ban vẫn được các thế hệ con cháu coi trọng, gìn giữ cẩn thận, coi đó là báu vật. Những sắc phong đã được ép plastic, đóng khung nhôm kính và người dân treo trang trọng trên tường của nghè. Lấy khăn lau cẩn thận từng sắc phong, ông Lê Tuấn Vụ - người coi nghè Đông Lỗ - tự hào chỉ từng sắc phong và bản dịch để nói về công lao của 2 ông. Hiện nay ở đền còn lưu giữ rất nhiều sắc phong do các triều vua Việt Nam phong tặng cho 2 vị thần này. Trong đó có 10 đạo sắc thời Lê (từ năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đến năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) và các đạo sắc thời Nguyễn (từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Nội dung các đạo sắc phong thời Lê đều ban phong mỹ tự cho các vị thần, không ghi tên địa danh (3 đạo sắc ban cho Cao Minh Quảng Đức tôn thần và 7 đạo sắc ban cho Uy Minh Hoằng Đức tôn thần). Riêng các đạo sắc phong thời Nguyễn đều được ghi rõ các mỹ tự được ban và địa danh thờ tự. Trong 9 đạo sắc phong thời Nguyễn có 5 đạo sắc gồm 3 sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (năm 1844), 1 sắc niên hiệu Tự Đức thứ 3 (năm 1850) và 1 sắc niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887) đều chuẩn cho xã Đông Lỗ, huyện Thụy Nguyên phụng thờ hai vị thần như cũ. Ngoài ra còn 2 đạo sắc niên hiệu Thành Thái thứ 17 (năm 1905) đều chuẩn cho thôn Đa Lộc, huyện Thụy Nguyên (nay là làng Đa Lộc, xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa) phụng thờ và 2 đạo sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (năm 1924) chuẩn cho thôn Tự Cầu, phủ Thiệu Hóa phụng thờ. Như vậy việc thờ 2 vị thần Cao Minh Quảng Đức tôn thần và Uy Minh Hoằng Đức tôn thần đã có từ xưa. Qua khảo sát thực tế tại di tích, các tài liệu liên quan như Thần tích - thần sắc và sách Thanh Hóa chư thần lục cho thấy việc thờ 2 vị thần Cao Minh Quảng Đức tôn thần và uy Minh Hoằng Đức tôn thần đã có từ xưa.

Ông Nguyễn Hải Ngư - công chức văn hóa xã Thiệu Long, cho biết: Cũng như thực trạng của rất nhiều di tích khác, những năm 1958 - 1960 nghè làng Đông Lỗ bị phá để làm các công trình công cộng, chỉ còn lại phần nền. Đến năm 2014 từ nguồn ngân sách của Nhà nước và xã kêu gọi con em trong làng đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc, khách thập phương quyên góp, công đức xây dựng lại khuôn viên và xây dựng nghè làng trên nền đất cũ của di tích. Như vậy, nghè làng Đông Lỗ đã được xây dựng từ xưa nhưng đã bị phá dỡ, đến năm 2014 mới được phục dựng lại như hiện nay. Đến năm 2018 cùng với sự hỗ trợ của tỉnh 300 triệu đồng, ngân sách địa phương đã xây dựng thêm nhà sắm lễ, tường rào, điện, nước...

Nghè làng Đông Lỗ là di tích có giá trị về nhiều mặt. Về mặt lịch sử, đây là di tích đã được xây dựng, tồn tại và gắn liền với đời sống của nhân dân làng Đông Lỗ từ xưa và được nhân dân trùng phục dựng lại trên nền đất cũ. Về mặt văn hóa, từ xa xưa đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong làng nói riêng và quanh vùng nói chung, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt từ xưa tới nay. Về mặt mỹ thuật, thông qua kiến trúc mang phong cách của đền thờ truyền thống, cũng như các hiện vật tại di tích, đặc biệt là chất liệu giấy và các hoạt tiết hoa văn rồng mây rất tinh tế và rõ nét được trang trí trên các sắc phong giúp mọi người tìm hiểu, nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Mỗi vùng đất, mỗi miền quê đều mang trong mình những trầm tích văn hóa rất riêng, độc đáo. Chỉ có điều để bảo tồn và phát huy được giá trị của những di tích ấy thì không phải địa phương nào cũng làm được.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]