(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như với người Kinh, con dâu mới về nhà chồng, việc đầu tiên là thắp hương, khấn vái bàn thờ gia tiên, thì với người Mường, bếp lửa là nơi người dâu mới tiếp cận đầu tiên.

Bếp lửa - không gian thiêng của người Mường xứ Thanh

Nếu như với người Kinh, con dâu mới về nhà chồng, việc đầu tiên là thắp hương, khấn vái bàn thờ gia tiên, thì với người Mường, bếp lửa là nơi người dâu mới tiếp cận đầu tiên.

Bếp lửa - không gian thiêng của người Mường xứ Thanh

Đồng bào dân tộc Mường xã Thạch Lâm (Thạch Thành) còn lưu giữ truyền thống sinh hoạt bên bếp lửa nhà sàn.

Đối với người Mường, bếp lửa được xem là linh hồn của nhà sàn - nơi của sự đoàn tụ, duy trì, nuôi dưỡng, phát triển sự sống. Nhà sàn Mường truyền thống thường có hai bếp lửa đặt ở hai gian khác nhau, với vai trò khác nhau, phản ánh phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân. Bếp chính để chuẩn bị bữa cơm, cũng là nơi dành cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình ngồi sưởi khi mùa lạnh và sum họp ăn uống của cả nhà. Một bếp nhỏ hơn đặt ở gian ngoài cùng là bếp khách, dành cho đàn ông trong gia đình ngồi sưởi, đun nước uống hàng ngày và tiếp khách. Bếp này người phụ nữ trong gia đình ít khi được ngồi bên hoặc sử dụng, trừ phụ nữ cao tuổi như cụ, bà hay con gái út được yêu quý nhất.

Trò chuyện về bếp lửa trong không gian văn hóa của người Mường, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải - người con của xứ Mường Voong (Cẩm Thủy) cho biết, bếp lửa của người Mường xứ Thanh rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa. Trước hết, bếp lửa là “điểm hồng” của ngôi nhà, biểu trưng cho sự ấm áp, hạnh phúc, sum họp của mỗi gia đình. Đối với những gia đình bình thường, ngôi nhà sàn thường được bố trí 1 bếp ở khu vực phía trong, những gia đình có điều kiện khá giả sẽ làm 2 bếp (1 bếp lớn phía trong và 1 nhỏ hơn đặt ở gian tiếp khách). Khách đến nhà chơi được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Đặc biệt, bếp lửa của người Mường không bao giờ để nguội, tránh sự hiu quạnh, lãnh lẽo; mặt khác khi đêm xuống, ánh lửa trong ngôi nhà sẽ giúp xua đuổi thú dữ. Do đó, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên và như vậy, bếp luôn có hơi ấm.

Được biết, việc hình thành nên mỗi bếp lửa của người Mường cũng trải qua nhiều công đoạn. Khi làm nhà mới xong, người Mường sẽ chọn ngày đẹp để đắp bếp, khu vực đặt bếp được gia cố vững chắc. Ở dưới đáy bếp, người ta để bã sàng, xung quanh bếp là 4 tấm ván có chiều cao từ 30 - 40 cm, được đục đẽo để ghép lại với nhau, sau đó lấy đất đổ vào. Phần đất sau khi đổ vào còn dư, người Mường sẽ mang lại đổ về vị trí mà mình đã đào lên và đọc nhẩm “Của đất xin trả lại cho đất”. Phía trên bếp họ làm từ 1 đến 2 gác bếp để hong khô các vật dụng đan lát, bảo quản thức ăn và các loại hạt giống.

Cũng theo ông Cao Sơn Hải, công việc khai bếp, nổi lửa cũng rất quan trọng. Sau khi làm xong bếp, gia chủ phải mượn người có tuổi trong làng (khoảng 55 - 60 tuổi), khỏe mạnh, có cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhờ họ cắm 3 trụ bếp (hay còn gọi là 3 ông bếp), nhóm bếp và bắc bếp. Trong 3 trụ bếp này, sẽ có 1 trụ bếp gọi là trụ cái (ông núc cái), to và cao hơn 2 trụ còn lại một chút. Thủ tục cúng bếp mới cũng do người này làm lễ. Ngoài các vật dâng lễ như: xôi, gà, noọng rượu, trầu, cau...; người Mường còn lấy bẹ chuối, cắt thành hình con cá, nướng qua lửa bếp mới, sau đó dắt lên cột cái của ngôi nhà, để mong rằng bếp luôn đỏ lửa và có cá, mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nếu như với người Kinh, con dâu mới về nhà chồng, việc đầu tiên là thắp hương, khấn vái bàn thờ gia tiên, thì với người Mường, bếp lửa là nơi người dâu mới tiếp cận đầu tiên. Theo quan niệm người Mường, người phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình, mọi việc từ cơm nước cho đến khi sinh con, đẻ cái đều gắn liền với bếp lửa. Không chỉ mang ý nghĩa về sự trông cậy, chở che của “ông bếp” cho bản thân khi ở bên nhà chồng; mà còn là nơi sưởi ấm, cung cấp nguồn thức ăn, nước uống ấm nóng khi mới sinh con.

Đến nay, khi cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, những ngôi nhà sàn cũng dần được thay thế, bếp lửa và những phong tục của người Mường trước kia vì thế mà ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, cho đến nay, người Mường ở một số huyện như: Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thạch Thành... vẫn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống bên bếp lửa, đặc biệt là việc quây quần, đoàn tụ mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong tâm thức của mỗi người con xứ Mường vẫn luôn tự hào rằng “Bếp ở ngôi nhà sàn là trung tâm để nuôi dưỡng, phát triển sự sống cho chính người Mường”.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]