(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuất thân trong gia đình “danh gia thế phiệt”, là con trai của thầy dạy ba vua - Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, nhưng khác với cha mình, Đăng Quận công Nguyễn Khải lại lựa chọn cung kiếm để lập thân và làm đến chức Thượng thư Bộ Binh, trở thành bậc “Quốc lão tham dự triều chính”. Với làng Kim Bôi (thuộc Tứ Bôn - nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), ông còn là vị Thành hoàng làng “Thượng đẳng phúc thần” được Nhân dân tôn thờ.

Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải “Tiên phong đi mọi chốn”

Xuất thân trong gia đình “danh gia thế phiệt”, là con trai của thầy dạy ba vua - Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, nhưng khác với cha mình, Đăng Quận công Nguyễn Khải lại lựa chọn cung kiếm để lập thân và làm đến chức Thượng thư Bộ Binh, trở thành bậc “Quốc lão tham dự triều chính”. Với làng Kim Bôi (thuộc Tứ Bôn - nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), ông còn là vị Thành hoàng làng “Thượng đẳng phúc thần” được Nhân dân tôn thờ.

Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải “Tiên phong đi mọi chốn”Di tích lịch sử văn hóa đền thờ, bia ký Đăng Quận công Nguyễn Khải.

“Tiên phong đi mọi chốn... giúp nhà Lê củng cố gốc nước”

Lịch sử phong kiến dân tộc đã chứng minh, vương triều muốn được vững mạnh, ngoài “Vua sáng” thì luôn cần có “Tôi hiền”. Nhà Hậu Lê sau thời gian thịnh trị đã không tránh khỏi sự suy yếu, biến loạn. Giai đoạn Lê trung hưng nhà Mạc tiếm quyền ở phía Bắc, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh khiến đất nước chia cắt “ba bè bảy mối”. Uy tín của các vua Lê giảm sút, thực quyền không trọn vẹn. Trong tình cảnh ấy, mong muốn củng cố - giành lại quyền lực vẫn luôn là khát vọng thôi thúc đấng quân vương. Một trong số những danh tướng xứ Thanh tài năng xuất chúng được sử liệu nhắc đến với những đóng góp to lớn cho triều đình nhà Lê lúc bấy giờ chính là Đăng Quận công Nguyễn Khải.

Ông là con trai thứ hai của Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi. Theo văn bia khắc tại đền thờ Nguyễn Văn Nghi, từ nhỏ Nguyễn Khải có tướng mạo khác thường, dáng vẻ tuấn tú, ngày đêm chăm chỉ học hành, lớn lên lấy đường kiếm cung làm nên sự nghiệp, dốc lòng phụng sự triều đình.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư" viết: “Tháng 12 năm Hoàng Định thứ 2 (1602) sai Đăng Quận công Nguyễn Khải đem quân đi dẹp các địa phương ở Sơn Nam, Kinh Bắc, đến tháng 2 năm sau mới trở về... Tháng 3 ngày 10 niên hiệu Đức Long thứ 4 (1634) có nguyệt thực, cho bọn Lễ Bộ Thượng thư Nguyễn Thực, Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải đến lấy danh nghĩa là quốc lão tham dự triều chính”.

Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư” về công lao huân nghiệp, ông đeo ấn: “Tiên phong đi mọi chốn, một lòng trung thành giúp nhà Lê củng cố gốc nước”. Dưới thời vua Lê Kính tông, ông được phong “Hiệp mưu dương võ công thần, Trung quân Đô đốc phủ, phó tướng Đăng quận công” rồi thăng lên “Thái bảo, Binh bộ Thượng thư”; đến thời vua Lê Thần tông (1619 - 1643), ông giữ cương vị Thái phó, Binh bộ Thượng thư và là bậc “Quốc lão tham dự triều chính”.

Còn theo sách “Võ tướng Thanh Hóa” (NXB Quân đội Nhân dân) thì Đăng Quận công Nguyễn Khải đã có công trải qua nhiều trận đánh, để bảo vệ kinh thành Vạn Lại. Ông xung trận trước tiên, nêu gương sáng cho binh sĩ.

Không chỉ sự nghiệp đánh trận vẻ vang, Đăng Quận công Nguyễn Khải còn được ngợi ca “Công đức lớn lao, phúc đức về sau thật cao dày”. Đó là khi ông trấn thủ vùng đất Sơn Nam, kinh lược vùng Sơn Tây đã mở đường thuận lợi giúp dân yên ổn nghề nghiệp.

“Thượng đẳng phúc thần”

của quê hương

Một trong những công lao to lớn của Đăng Quận công Nguyễn Khải với vùng đất Cổ Bôn chính là việc tự xuất tiền nhà, mua gỗ từ rừng sâu, mời thợ giỏi khắp nước về quê làm cầu cho người dân quê hương. Có đến tám chiếc cầu đã được làm nhờ công của ông.

Cầu Ngọc Khuê (Ngọc Khê) bắc qua sông Phồn Giang (kênh đào Nhà Lê) được ngợi ca là cây cầu lớn nhất, đẹp nhất vùng thời bấy giờ. “Cầu dựng mười ba nhịp, cong uốn như cầu vồng, đôi bên lan can, dưới triều đều bằng gỗ lim, mái lợp ngói lá sen vàng, chót vót hàng cột ngất trời xanh, chơi vơi dãy thềm đón trăng bạc... đi trên cầu chững chạc, bước trên đất phẳng lỳ, chân lùa mây biếc...” (theo “Phúc triền xã Cổ Bôn kiều bi" do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn nội dung). Cầu Ngọc Khê trước đó được biết đến là cây cầu qua lại chính của người dân trong vùng, được sửa sang nhiều lần, chính ông nội và cha Đăng Quận công Nguyễn Khải - Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi đã góp phần sửa sang, nhưng lâu ngày cũ nát, chỉ còn chiếc cột giữa dòng. Binh bộ Thượng thư Nguyễn Khải là người đã dốc tâm huyết, tiền của để làm nên cây cầu Ngọc Khê mới. Sau đó, lại làm thêm cầu Phúc Lai năm nhịp, cầu Hữu Nhung ba nhịp và cầu Mỹ Ngọc ba nhịp...

Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải “Tiên phong đi mọi chốn”Người dân địa phương mong muốn Di tích đền thờ, bia ký Đăng Quận công Nguyễn Khải sớm được trùng tu, tôn tạo.

Không chỉ làm cầu cho người dân quê hương, lúc còn sống, ngoài việc quân cơ, ông còn quan tâm, chăm lo đến miếu đường tiên tổ khi lấy ruộng của mình chia cho người dân cấy hái lấy sản vật lo việc giỗ chạp, tâm linh trong làng. Trong đó, dấu ấn lớn nhất chính là xây dựng đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi với những giá trị kiến trúc nghệ thuật hiếm có còn lưu giữ đến ngày nay.

Với tài năng xuất chúng, Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải đã có nhiều công lao, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Cùng với ân tình dành cho quê hương, nên khi mất (năm 1632) ông được triều đình sắc phong “Thượng đẳng Phúc thần” và dân làng tôn kính lập đền thờ phụng ngay tại quê, rồi được suy tôn làm Thành hoàng làng.

Đáng tiếc, ở thời điểm hiện tại, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ, bia ký Đăng Quận công Nguyễn Khải đã xuống cấp nặng nề. Ngoại trừ văn bia và một số tượng đá còn được lưu giữ, đền thờ uy nghi, bề thế một thuở vì nhiều tác động giờ đây đã không còn. Bà Nguyễn Thị Tuyết, người trông coi di tích bày tỏ: “Là hậu thế, vì tấm lòng tôn kính dành cho ngài Quận công nên tôi nhận nhiệm vụ trông coi, quét dọn và hương khói cho ngài. Phải hàng ngày chứng kiến di tích thờ vị Phúc thần của làng xuống cấp trầm trọng, thật sự rất đau lòng. Chỉ mong có sự quan tâm của các cấp, ngành và tấm lòng hảo tâm khắp xa gần để cùng với dân làng đóng góp kinh phí tôn tạo di tích xứng tầm công lao tiền nhân”.

Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết: “Vì nhiều nguyên do, Di tích lịch sử văn hóa đền thờ bia ký Đăng Quận công Nguyễn Khải cách đây nhiều thập kỷ đã bị tàn phá nặng nề. Di tích hiện nay cũng do người dân “dựng” tạm năm 1990 để thờ phụng. Việc tôn tạo di tích cần đến nguồn kinh phí rất lớn, cần sự chung tay vào cuộc của Nhà nước và Nhân dân".

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]