(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi thực hiện dự án tu bổ sông Ngọc trong Khu di tích Lam Kinh năm 2004, chúng tôi đã phát hiện vết tích cây cầu gỗ. Hiện vật là bốn cây gỗ có đục các lỗ mộng và chúng được vớt lên, ngâm tẩm hóa chất để bảo quản. Tôi muốn bàn về những hiện vật cổ nhằm góp phần đưa ra một đề xuất phục dựng lại cây cầu gỗ rất có giá trị lịch sử và thực tiễn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần sớm phục dựng cầu gỗ ở sông Ngọc

Khi thực hiện dự án tu bổ sông Ngọc trong Khu di tích Lam Kinh năm 2004, chúng tôi đã phát hiện vết tích cây cầu gỗ. Hiện vật là bốn cây gỗ có đục các lỗ mộng và chúng được vớt lên, ngâm tẩm hóa chất để bảo quản. Tôi muốn bàn về những hiện vật cổ nhằm góp phần đưa ra một đề xuất phục dựng lại cây cầu gỗ rất có giá trị lịch sử và thực tiễn này.

Khu thành điện Lam Kinh được tiền nhân xây dựng trên một khoảng không gian gồm những đồi bát úp khá thoải, trong đó Đồi Dầu cao hơn hẳn nhưng cũng chỉ nổi lên khoảng 30 mét so với xung quanh. Đồi Dầu cũng được chọn làm “hậu chẩm”, làm điểm tựa để bố trí lăng Lê Thái Tổ và khu thành điện Lam Kinh. Để vào khu trung tâm này phải qua sông Ngọc, một cảnh quan mang đậm nét phong thủy, đồng thời cũng mang lại nguồn sinh khí cho khu thành điện. Sông Ngọc thực chất là một con lạch bắt nguồn từ Hồ Tây, chảy qua trước mặt khu thành điện, dẫn nước về phía đông. Người xưa rất khéo dùng con lạch này rồi “gọt giũa” thành con sông thơ mộng chảy trước mặt một khu vực điện, miếu rộng lớn hàng chục héc ta. Đoạn qua trước mặt thành Lam Kinh dài khoảng 400 mét, người ta cho rải sỏi cuội xuống lòng sông. Khi dòng nước trong chảy lơ thơ trên đám sỏi cuội, khung cảnh sẽ đẹp đến nao lòng.

Nhà sử học Phan Huy Chú xưa đã mô tả mảng sỏi cuội này là “rất đẹp, không ai dám lấy trộm”. Khi chúng tôi bóc phần đất bồi ở lòng sông khoảng một mét thì phần sỏi cuội cổ lộ diện. Chúng là những viên to tròn khác nhau, có viên trong, viên đục nhưng đẹp thật. Cụ Phan Huy Chú chắc đã trực tiếp mục sở thị nhiều lần nên mới cảm nhận được như vậy(!?). Khi bóc tiếp lớp đất bồi đến gần Hồ Tây, đột nhiên, nhóm thợ phát hiện thấy có những thân cây gỗ nằm chắn ngang lòng sông, chúng tôi cho dừng lại và mời các cơ quan chức năng đến, đánh giá và đo các kích thước liên quan. Sau khi đã ghi nhận đầy đủ các thông số trên thực địa, tổ công tác cho mang các cây gỗ lên, rửa sạch rồi UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho mời Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đến xử lý hóa chất để bảo quản theo quy trình do nhóm chuyên gia thực hiện. Tại hiện trường, vị trí phát hiện 4 cây gỗ được đánh dấu bằng cọc bê tông ở hai bờ sông. Nếu nối thẳng đường đi bộ dọc bờ Hồ Tây đến bờ sông Ngọc sẽ thấy nơi chôn bốn cây gỗ chúng tôi đã phát hiện như nói trên.

Quy trình xử lý hóa chất do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đưa ra theo nguyên lý cơ bản là cho các hợp chất vô cơ dạng lỏng, không phân hủy, ngấm sâu vào từng lỗ rỗng của thớ gỗ, làm cho toàn bộ thân gỗ được “đặc” lại và kết cấu gỗ không bị xuống cấp thêm. Phải xử lý hai lần, lần sau cách lần trước khoảng một năm. Khi nhìn các cây gỗ đang trưng bày ở Nhà trưng bày Lam Kinh, tôi thấy mặc dù mới xử lý hóa chất được một lần nhưng các thớ gỗ cũng tương đối đông đặc.

Nhìn cấu tạo các lỗ đục còn lại có thể phỏng đoán đây là bốn bệ đỡ một cấu kiện lớn phía trên và chúng có chức năng chịu lực như hệ thống móng cầu. Bốn thanh móng này được giằng ngang với nhau, tạo ra một hệ thống bệ đỡ liên kết theo mặt phẳng để tăng độ chắc chắn khi chịu lực. Với hệ thống móng cầu bằng các cây gỗ đặt ngang trong lòng sông, với vị trí chỗ sông Ngọc giáp Hồ Tây, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là cây cầu chỉ dành cho người đi bộ vào khu thành điện, dòng người ở đây không đông như cầu Bạch và cầu không chịu tải trọng quá lớn. Các lỗ đục theo mặt thẳng đứng cho ta phỏng đoán hình dáng cầu phía trên như dáng cầu Thê Húc ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tiền nhân chắc chắn sẽ sử dụng dạng cầu hình vòm để vừa đẹp vừa chịu lực tốt. Hơn nữa, đây là vị trí gần Hồ Tây nên hình dáng cầu chỉ dành cho đi bộ như vậy sẽ thú vị hơn. Một lần, tôi đưa ra những nhận định này với phó Cục trưởng Cục Di sản Nguyễn Quốc Hùng, anh ấy cũng cho rằng có cơ sở.

Có thể khẳng định rằng, các cây gỗ có một số lỗ đục nằm trong lòng đất của sông Ngọc được phát hiện năm 2004 đã gợi mở cho hậu thế biết vấn đề tổ chức giao thông của tiền nhân ở khu thành điện Lam Kinh. Từ phát hiện này, chúng ta hiểu thêm sự rộng mở về không gian, phong phú về nội dung kiến trúc ở trung tâm khu di tích Lam Kinh.

Ngoài cầu Bạch, đường dẫn vào khu thành điện Lam Kinh còn có dấu tích của một cây cầu gỗ. (Ảnh: Trần Đàm)

Khu trung tâm Lam Kinh ngày nay là nơi tập trung rất đông người, nhất là những ngày lễ hội. Còn nhớ, lễ hội năm 2008 được tổ chức theo nghi thức quốc gia, hàng vạn người cùng đổ dồn về khu vực Sân Rồng, các Tòa Miếu, khu vực ven Hồ Tây. Lối vào duy nhất lúc ấy là cầu Bạch. Cầu Bạch có dạng hình vòm, lát mặt cầu bằng các phiến đá xẻ phẳng, gặp trời mưa thì toàn bộ mặt cầu trơn như đổ mỡ. Tại lễ hội năm ấy, cũng như rất nhiều hoạt động tế lễ khác, cầu Bạch luôn là nút người nêm chật cứng trong hàng giờ đồng hồ liền. Với tổ chức giao thông vào khu thành điện như hiện tại, chúng ta đã làm cho sự ách tắc giao thông tăng cao khi lễ hội, đồng thời làm du khách có cảm tưởng rằng Lam Kinh không rộng. Nếu có thêm một cây cầu vượt sông Ngọc nơi giáp với Hồ Tây, cảm giác về khu thành điện Lam Kinh sẽ trải rộng, giao thông khi lễ hội được giải tỏa.

Nếu chúng ta đi dọc sông Ngọc lên Hồ Tây sẽ thấy không gian rộng mở, thoáng đãng dần rồi đột khởi về phía hồ. Nếu nơi đây có một kiến trúc đẹp chắc chắn sẽ tạo ra một điểm ngắm cảnh mới, cảm nhận mới vẻ đẹp Hồ Tây mà lâu nay bị bó lại. Đồng thời nếu có công trình này, du khách sẽ có thêm một điểm xuất phát để thăm thú rừng ven Hồ Tây, mang lại sinh khí mới cho không gian khu di tích.

Trung tâm Khu di tích Lam Kinh là khu thành điện. Khu này được giới hạn bởi Hồ Tây và đường 15A cũ. Đoạn sông Ngọc từ đường 15A cũ đến Hồ Tây dài khoảng 400 mét và hiện có cầu theo đường 15A (tạm gọi là cầu hiện đại) và cầu Bạch. Nếu có thêm một cây cầu ở gần Hồ Tây, chúng ta sẽ có ba cây cầu với ba chức năng. Cây cầu hiện đại có chức năng cầu công vụ, các xe tải nặng và các xe lớn sẽ đi theo đường này vào trong để cứu hỏa, cứu nạn, vận chuyển nguyên liệu, vật liệu xây dựng và những thứ cồng kềnh, cầu này cũng có thể dùng thoát hiểm khi cần. Cầu Bạch là cầu trung tâm, mang chức năng lễ nghi và người đi bộ qua lại. Cầu gỗ gần Hồ Tây là cầu cảnh quan, có chức năng thu hút người đến Hồ Tây và cũng dùng thoát người khi lễ hội.

Từ khi phát hiện được bốn chân móng của một cây cầu cổ bằng gỗ nằm gần cửa vào sông Ngọc, cho phép chúng ta hình dung rõ ràng cách tổ chức giao thông khoa học của người xưa trong khu vực trung tâm Lam Kinh. Với những phân tích trên đây, chúng ta càng khẳng định việc phục dựng được cây cầu này rất có giá trị đối với công tác tu bổ phục hồi Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, mang lại giá trị sử dụng đáng kể khi chúng ta khai thác, phát huy giá trị di tích. Cây cầu đang còn hiện vật khảo cổ của bộ móng cầu, không khó để thiết kế phục dựng phần kết cấu phía trên cũng như toàn bộ công trình.

Tin rằng cây cầu gỗ nơi khởi nguồn sông Ngọc sớm được phục dựng. Tôi vững tin như vậy.

KTS Lê Hồng Cẩm

(Nguyên Trưởng BQL dự án Công trình Văn hóa Sở VH,TT&DL Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]