(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều địa phương trên địa bàn trong tỉnh Thanh Hóa đang phải đối diện với tình trạng nhà văn hóa (NVH) thôn, phố không còn phù hợp sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Đây thực sự là một vấn đề khó khiến nhiều địa phương hết sức lúng túng và đang mong chờ một sự gỡ rối để sớm có một NVH đảm bảo hơn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân sau sáp nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về nhà văn hóa sau sáp nhập (Bài 1): Thừa nhưng vẫn... thiếu

Nhiều địa phương trên địa bàn trong tỉnh Thanh Hóa đang phải đối diện với tình trạng nhà văn hóa (NVH) thôn, phố không còn phù hợp sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Đây thực sự là một vấn đề khó khiến nhiều địa phương hết sức lúng túng và đang mong chờ một sự gỡ rối để sớm có một NVH đảm bảo hơn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân sau sáp nhập.

Có những NVH thôn được đầu tư lên đến tiền tỷ, đã đạt chuẩn nhưng vẫn bị “loại” sau sáp nhập. Có những NVH thôn được chọn làm nơi sinh hoạt cho thôn mới vẫn không đáp ứng được sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Vậy nên, đã có những NVH phải bỏ trống, có NVH phải “bắn” thêm mái tôn để đủ chỗ cho bà con ngồi...

NVH “cửa đóng then cài” sau sáp nhập?

Làm một phép tính đơn giản, trước sáp nhập nếu hai thôn đã có 2 NVH thì sau sáp nhập 2 thôn thành 1 sẽ phải cần một NVH phù hợp hơn cho thôn mới hội họp. Sự phù hợp được xét ở 2 góc độ, gồm diện tích NVH và khoảng cách đến nhà dân ở xa nhất. Do vậy, chỉ được phép lựa chọn “1 trong 2”, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một NVH được chọn và một NVH bị “loại” do không đáp ứng được sinh hoạt cộng đồng cho thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục sử dụng cả NVH thôn cũ và NVH thôn mới. Theo rà soát của UBND TP Thanh Hóa, trong số 87 NVH thừa sau sáp nhập, thì phần lớn được chuyển làm nơi sinh hoạt TDTT hoặc luân phiên nhau sử dụng cả NVH thôn cũ và NVH thôn mới... Tương tự, tại huyện Yên Định cũng có cách “ứng xử” như ở TP Thanh Hóa khi những NVH thừa đang được nhiều địa phương tiếp tục sử dụng cho sinh hoạt cụm dân cư.

Trước khi sáp nhập thôn, xã Yên Trung của huyện Yên Định có 12 thôn với 12 NVH đạt chuẩn, nhưng sau sáp nhập xã chỉ còn 6 thôn, tương đương sẽ giảm 6 NVH. Theo chia sẻ của ông Lữ Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã: Phần lớn các thôn mới vẫn đến NVH thôn cũ để chơi thể thao hoặc có thôn thì chia địa điểm họp, như tháng này họp ở NVH thôn mới, tháng sau lại họp ở NVH thôn cũ. Làm như vậy để có sự hài hòa, có đi có lại, tránh được sự so sánh của người dân...

Dù vậy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn có những địa phương, sau sáp nhập thôn, NVH đã “cửa đóng then cài”. Câu chuyện về NVH cũ ở xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa) là một ví dụ. Sau sáp nhập, xã Hoằng Long từ 6 thôn xuống còn 4 thôn, giảm 2 thôn, đồng nghĩa với việc sẽ dôi dư 2 NVH. Trong 2 NVH này, hiện có NVH thôn 2 (cũ) đang trong tình trạng đóng cửa.

NVH thôn 2 (cũ) xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa) đã đóng cửa sau sáp nhập thôn.

Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hoằng Long cho biết: “1 NVH chúng tôi đang cho CLB liên thế hệ mượn để sinh hoạt, còn 1 NVH đã đóng cửa. Quan điểm của xã là chỉ tập trung sinh hoạt cộng đồng về một điểm đó là NVH thôn mới để tránh sự chia rẽ, không đoàn kết trong dân”. Được biết, NVH thôn 2 (cũ) này trước đây đã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 50% và xã hỗ trợ 50%.

Còn tại xã Xuân Tân (Thọ Xuân), sau sáp nhập thôn thừa 3 NVH, trong đó có cả NVH nông thôn mới vừa được xây dựng năm 2017. Trong số 3 NVH thừa này thì đã có 2 NVH thôn cũ là Ngọc Quang 2 và Phong Mỹ 2 hiện đang đóng cửa bỏ trống, giao chìa khóa lại cho trưởng thôn mới để trông coi, bảo quản.

Không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân, những NVH thôn cũ, phần lớn tần suất sử dụng đã ít hơn so với trước sáp nhập, thậm chí có NVH đã bị đóng cửa như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, ngay cả đến NVH thôn mới cũng không thể đảm bảo cho những buổi họp của người dân sau sáp nhập.

Tạm thời giải khó cho NVH thôn mới

Quay trở lại với câu chuyện về NVH ở xã Hoằng Long (TP Thanh Hóa). Sau khi thôn 2 và thôn 3 sáp nhập lại để thành lập thôn 2 (mới) với tổng số hộ lên tới có số 294 thì NVH thôn 3 đã được chọn để làm nơi sinh hoạt cho người dân của 2 thôn. Nhưng NVH thôn 3 cũng chỉ đáp ứng 140 chỗ ngồi. Để đáp ứng đủ cho số đông người dân trong thôn đến sinh hoạt thì buộc phải kê ghế thêm ra ngoài hè. Đây cũng là cách khắc phục tạm thời của hầu hết các thôn sau khi sáp nhập trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi cũng đã tìm ra cách tháo gỡ để giải bài toán mở rộng diện tích NVH, điển hình là xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc). Sau khi sáp nhập 6 thôn để thành lập 3 thôn mới, với trung bình mỗi thôn có trên 300 hộ và tất nhiên, NVH được chọn cho 3 thôn mới này cũng không đảm bảo về diện tích cho người dân sinh hoạt. Hiện 3 thôn mới ở Vĩnh Tân đã đi đến thống nhất sẽ lắp thêm mái tôn để nâng diện tích NVH, với dự tính kinh phí khoảng 100 triệu đồng/NVH. Bí thư kiêm trưởng thôn Bồng Trung 2, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Người dân rất đồng thuận với việc đóng góp để làm thêm mái tôn cho có đủ chỗ để hội họp. Sang tuần là cả 3 thôn chúng tôi sẽ thực hiện việc này”.

Trong cái khó, đã có những cách khắc phục tạm thời, mà ở đó là tiếp tục duy trì những buổi sinh hoạt cộng đồng. Hơn thế nữa đó là nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đồng thuận của người dân khi đối diện với những tình huống khó.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]