(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong 12 con giáp của lịch truyền thống phương Đông, con lợn (cùng với gà và chó) là vật nuôi khá gắn bó, thân thuộc, gần gũi với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con lợn trong dòng chảy văn hóa truyền thống

Trong 12 con giáp của lịch truyền thống phương Đông, con lợn (cùng với gà và chó) là vật nuôi khá gắn bó, thân thuộc, gần gũi với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Chẳng rõ chú lợn chính thức là “bạn đồng hành” với cuộc sống người dân quê từ bao giờ, chỉ biết cách đây hàng triệu năm, lợn rừng đã được thuần dưỡng. Có lẽ hiếm loài vật nào lại bị con người “nhục mạ”, “khinh rẻ” do những hiểu lầm như... lợn. Lợn thường được gán cho những gì thật xấu xa, đáng trách: ngu ngốc, bẩn thỉu, phàm ăn, lười nhác... Và còn nhiều nữa. Không ít người từng nhìn nhận: trâu biết kéo cày, gà báo thức, chó giữ nhà, còn lợn thì ăn và ngủ. Ấy thế nhưng, tìm về dòng chảy văn hoá truyền thống, con lợn lại có một vị trí hoàn toàn khác. Hình như, lợn bị mang tiếng “oan”?

Thật vậy, nếu lần giở tập sách hơn 3.000 trang khổ lớn “Kho tàng tục ngữ người Việt” (2 tập) của nhóm soạn giả Nguyễn Xuân Kính, người đọc không khó để nhận ra: Hơn 60 đơn vị câu được dành cho những chú lợn. Đương nhiên, so với hàng vạn câu tục ngữ khác, tỷ lệ này chưa phải nhiều; song có lẽ nó cũng đủ giúp chúng ta biết nhiều điều.

Trước hết, lợn là loài vật gắn với giàu sang, phú quý - mang ý nghĩa “bộ mặt kinh tế” của mỗi gia đình. Tục ngữ xưa thường khẳng định: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khấm khá nuôi heo”; “Muốn giàu nuôi lợn nái, muốn hại nuôi bồ câu”; “Muốn no trồng mầu, muốn giàu nuôi heo, muốn nghèo đánh bạc”; “Giàu nuôi lợn nái, nghèo khó nuôi chó cái gà con”... Với những người cầm tinh con lợn thì: “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Như vậy, con lợn đã trở thành biểu tượng, ước mơ của các bậc tiền nhân về một cuộc sống sung túc, đủ đầy suốt hàng “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Ai không thấy xôn xao, náo nức trước hình ảnh “thịt treo trong nhà” mỗi độ Tết đến, Xuân về, hay “Ngày Tết đã đến sau lưng/ Con chó thời mừng, con lợn thời lo”?.

Do gắn bó với cuộc sống của người nông dân suốt trường kỳ lịch sử, chúng ta còn đây cả một kho kinh nghiệm về việc chọn giống, nuôi lợn. Và những kinh nghiệm này chắc chắn chưa mất đi ý nghĩa bởi ở thời hiện đại, thịt lợn vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu, chăn nuôi lợn là phương thức xóa đói giảm nghèo có hiệu quả ở nông thôn Việt Nam: “Nhất răng cưa, nhì thưa vú”; “Tai lá mít, đít lồng bàn/ Giống ấy đắt mấy quan tiền cũng mua”; “Tai to mõm bẹ lưng dài/ Mông dày vai rộng là loài dễ nuôi”; “Thưa lông nở hầu, đầu to mõm bẹ, lang nhẹ vắt thân, chân đi cả bàn, vú trườn lườn sa, thêm ba khoanh trần”... Khái quát hơn thì: “Thưa lông, mọng da, mõm giỏ”; “Lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chõm”. Còn đây nữa: “Vành mồm, trắng mắt, to tai/ Hễ thưa lông bụng, móng hài cũng mua”...

Vượt lên trên tính hiện thực vốn có, qua hình ảnh lợn, còn ẩn hiện nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn/ Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng” là nhằm nói đến sự xuống cấp về giáo dục, đạo đức trong gia đình. “Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng” khẳng định về một tập tục xưa. “Giản dị” hơn thì có: “Nuôi heo lấy mỡ, nuôi đứa ở đỡ chân tay”; “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Ít ai biết, lợn còn gắn với sự thật không cần giấu giếm: “Toạc móng heo, treo móng chó”; điều nghịch lý trớ trêu: “Lợn lành thành lợn què”, “Cám treo để heo nhịn đói”. Lợn mang ý nghĩa một “thước đo” tin cậy: “Chủ ở nhà, lợn gà no bụng”; “Đàn ông cửa nhà, đàn bà gà lợn”; quan niệm thẩm mỹ: “Lợn chuồng chái, gái cửa buồng” (lợn chuồng chái thì nhỏ cũng trông to hơn, gái thấp thoáng cửa buồng thì nhìn mới đẹp). Thậm chí: “Đàn bà không biết nuôi heo, đàn bà nhác”. “Đáng sợ” hơn cả là “Con lợn mắt trắng thời nuôi/ Những người mắt trắng đánh hoài đuổi đi”; “Voi đú, chó đú, lợn sề nhảy cẫng”...

Lợn trong tranh Kim Hoàng.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc đến con lợn trong dòng chảy văn hóa truyền thống mà lại bỏ qua những khắc họa về nó bằng ngôn ngữ và nghệ thuật. Có câu chuyện về Mạnh Tử xưa mượn lợn để nói điều tín nghĩa. Cổ thư có ghi Mạnh Tử lúc nhỏ, thấy nhà hàng xóm giết lợn liền hỏi mẹ: “Nhà hàng xóm giết lợn để làm gì?”. Bà mẹ trả lời: “Để cho con ăn”. Liền sau đó bà hối hận đã lỡ lời nên nói tiếp: “Khi ta mang thai, đã dạy con từ trong bụng, ngồi phải ngay, ăn phải chính đáng... Nay con ta biết đi mà nói dối con tức là không giữ chữ Tín, ta phải mua thịt lợn nhà hàng xóm cho con ăn”.

Cũng không thể không đề cập đến ở đây hình tượng văn học Trư Bát Giới từng được ngòi bút tài hoa của Ngô Thừa Ân gửi lại cùng hậu thế. Đây là nhân vật tổng hoà cả thần, người và lợn vào một tính cách.

Còn với Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta thì trong những ngày bị giam trên đất Bắc, dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, cảnh lính gác khiêng lợn cùng đi đã trở thành niềm khắc khoải khôn nguôi về tự do, độc lập: “Khiêng lợn lính đi cùng một lối/ Ta thì người dắt, lợn người khiêng/ Con người coi rẻ hơn con lợn/ Người có còn đau được chủ quyền”... Sâu sắc, ý nghĩa biết mấy những vần thơ từ hơn 60 năm trước!

Con lợn đi vào dòng tranh Đông Hồ truyền thống qua nét vẽ tài hoa lợn ăn ráy với cái khoáy âm dương ấm no, hòa hợp. Một biểu tượng của no đủ, thanh bình còn đọng lại mãi. Ta hiểu vì sao tấc lòng Hoàng Cầm đã như muốn ngân lên, ngân lên mãi mãi: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Hà Đan


Hà Đan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]