(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ thế kỷ XIX, Cửa Hà ngày nay được nhà Nguyễn gọi là cửa quan Hà Trường (ở Phong Ý, tổng Mông Sơn, huyện Cẩm Thủy), là nơi thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản từ miền núi xuống miền xuôi và ngược lại qua đường thủy. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây không chỉ là nơi giao thương trên bến dưới thuyền mà còn là địa điểm bốc dỡ hàng hóa chi viện cho các chiến trường.

Cửa Hà - chốn phong cảnh hữu tình

Từ thế kỷ XIX, Cửa Hà ngày nay được nhà Nguyễn gọi là cửa quan Hà Trường (ở Phong Ý, tổng Mông Sơn, huyện Cẩm Thủy), là nơi thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản từ miền núi xuống miền xuôi và ngược lại qua đường thủy. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây không chỉ là nơi giao thương trên bến dưới thuyền mà còn là địa điểm bốc dỡ hàng hóa chi viện cho các chiến trường.

Cửa Hà - chốn phong cảnh hữu tìnhBến Cửa Hà.

Phong cảnh hữu tình khiến bất cứ ai khi đến vùng đất Cẩm Thủy đều muốn dừng chân ở cửa quan Hà Trường mà ngày nay gọi là Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn). Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và sau này là “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã xếp Cửa Hà là danh thắng. Dãy núi Gấm với ngọn núi đá vôi cao 220m, vách đá dựng đứng, quanh năm soi bóng nước sông Mã hiền hòa xuôi về biển cả. Đỉnh núi trải dài nhấp nhô như hòa lẫn với mây trời. Vượt qua thác Ngốc, thác Sóng Ngàn... đến Cửa Hà, sông Mã được mở rộng ra, không còn chảy xiết, hung hãn mà lặng lẽ như một hồ nước lớn, nước xanh mướt mát. Ngay bên cạnh là đền Cửa Hà (Sơn Hà tự - Thung Chẹ) được xây dựng từ thế kỷ XV thờ các anh hùng liệt nữ có công giữ gìn vùng đất này, cũng là để thờ thần sông, thần núi, thờ các nghĩa sĩ của nghĩa quân Lam Sơn và thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tất cả hòa sắc tạo nên một bức tranh thủy mặc, không chỉ khiến ai cũng muốn ngắm nhìn mà còn giúp họ tĩnh lòng, nhẹ nhõm, muốn hòa cùng non nước mây trời.

Chả thế mà theo hồ sơ di tích, nhiều nhà thơ khi đến với nơi này đều chung một nỗi niềm xao xuyến, thi hứng dâng trào đã đề thơ: “Núi cao vời vợi nước trong xanh/ Cảnh cũ người nay thật hữu tình/ Những tưởng du chơi vườn bích ngọc/ Vung roi vó ngựa chốn mây xanh/ Vẳng vẳng nhạc thiều êm sáo trúc/ Rì rầm suối Ngọc khúc liên thanh/ Du lãm chốn này bao du khách/ Bồng lai tiên giới cảnh đâu bằng. (Cao Ngọc Lễ dịch nghĩa).

Nhà thơ Tố Hữu, năm 1986, trong một lần về Cẩm Thủy đứng trước cái mênh mông của sông Mã, cái chênh chao của núi Gấm cũng rung động mà viết:

"...Nắng vờn núi Gấm chênh chênh,

Sóng rờn sông Mã lượn quanh hàng đồi.

Thuyền chài thôi kiếp dạt trôi,

Thong dong bè nứa, quẫy đuôi cá lồng.

Đôi bờ xanh nõn ngô đông,

Chè nương lạc bãi, lúa đồng xum xuê.

Áo mầu vui mắt chợ quê,

Ai xa Cẩm Thủy, có về lại lên!".

Phong cảnh đẹp cũng là lý do mà từ xa xưa nơi này luôn là địa điểm thưởng lãm của khách thập phương, là nơi tụ họp đông người, trên bến dưới thuyền. Nơi đây, nhà Nguyễn vào giữa thế kỷ XIX đã đặt làm cửa quan Hà Trường nhằm thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản bằng đường thủy dọc sông Mã. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp còn cho mở bến phà để nối liền tỉnh lộ từ thị xã Thanh Hóa lên Phong Ý (Cẩm Thủy) và Hồi Xuân (Quan Hóa) không những kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông Mã, mà còn kiểm soát cả phương tiện vận chuyển hàng hóa trên trục quốc lộ. Từ đó một số trung tâm buôn bán đã hình thành như: phố Cẩm Phong, phố Vạc, chợ Màu, chợ Bãi... Thậm chí, nhiều quán hàng của Hoa kiều, Ấn kiều, và của các tiểu thương đến từ khắp nơi cũng đã mọc lên ở đây.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Cửa Hà được chọn làm căn cứ hậu phương. Nơi đây những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp là địa điểm bốc dỡ hàng hóa bằng đường thủy từ miền xuôi lên để tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ ra tiền tuyến, đến các mặt trận. Bến Cửa Hà tiếp nhận hàng trăm thuyền bè đưa hàng lên bờ chi viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên nam, nữ từ các vùng quê xa xôi hội tụ về đây, người gồng, người gánh, người đẩy xe thồ đi lại nườm nượp suốt ngày đêm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cửa Hà cũng là một địa chỉ trung chuyển hàng hóa từ đường thủy sang đường bộ.

Đến thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy), về Cửa Hà trong một ngày nắng, núi vẫn sừng sững, dòng nước trong văn vắt, nhưng các dấu tích xưa đã không còn. Giờ đây, cầu Cẩm Thủy kiên cố, hiện đại thay thế bến phà xưa là điểm dừng chân của nhiều du khách mỗi khi muốn ngắm toàn cảnh Cửa Hà. Theo ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy: “Từ khi được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2015, đến nay Cửa Hà vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng. Mặc dù UBND thị trấn Phong Sơn đã có tờ trình đề nghị UBND huyện và các sở, ngành liên quan về việc quy hoạch tổng thể khu di tích, nhưng do chưa bố trí được nguồn kinh phí nên đến thời điểm này, mọi việc vẫn đang chờ đợi”.

Với mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương, huyện Cẩm Thủy đã, đang đề ra nhiều giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế để tạo đà thúc đẩy du lịch phát triển. Riêng Cửa Hà cũng là một trong số các địa điểm sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào tour du lịch kết nối từ Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn) đi suối cá Cẩm Lương (xã Cẩm Lương)- chùa Rồng (xã Cẩm Thạch) và chùa Ngọc Châu (thị trấn Phong Sơn)... Hy vọng, một ngày không xa Cửa Hà sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng đối với mỗi du khách khi về với Cẩm Thủy.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]