(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi ban tặng là vùng biển đẹp, khí hậu mát mẻ, ngư trường đánh bắt thủy hải sản rộng lớn. Đặc biệt, vùng ven biển nơi đây còn lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian biển đảo phong phú và đặc sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn văn hóa biển ở xứ Thanh

(VH&ĐS) Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi ban tặng là vùng biển đẹp, khí hậu mát mẻ, ngư trường đánh bắt thủy hải sản rộng lớn. Đặc biệt, vùng ven biển nơi đây còn lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian biển đảo phong phú và đặc sắc.

Vùng biển Thanh Hóa thuộc vịnh Bắc Bộ, có diện tích rộng 17.000 km2.Có vị trí địa lý, kinh tế rất thuận lợi, con đường xuyên Á ra biển Đông nối với đường hàng hải quốc tế. Đường bờ biển dài 102 km, trải qua 6 huyện thị: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như: Hòn Nẹ (huyện Hậu Lộc), Hòn Mê và Bán đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia). Đường bờ biển bị chia cắt bởi 6 cửa lạch: Lạch Bạng, Lạch Ghép, Lạch Hới, Lạch Trường, Lạch Trào, Lạch Sung và sự tiếp giáp xen kẽ giữa núi và biển đã tạo nên phong cảnh cửa sông - biển kỳ vĩ.

Trong kho tàng di sản văn hóa biển đảo Thanh Hóa có nhiều truyền thuyết, huyền tích về niềm mơ ước chinh phục biển khơi của cư dân ven biển. Tại vùng biển Nga Sơn gắn liền với huyền thoại Mai An Tiêm với khát vọng chinh phục khai hoang lấn biển. Tại cửa Hới (Sầm Sơn) xuất hiện huyền thoại thần Độc Cước với một nửa người theo những người dân chài đánh cá ngoài khơi, một nửa ở lại đất liền cùng người dân cày cấy, chống lại bọn quỷ biển; nữ thần bà Triều dạy dân dệt xăm xúc để cho "lưới dài, chài rộng". Tại cửa Lạch Bạng (Tĩnh Gia) là một điểm hội tụ văn hóa - lịch sử, từ đây nhìn về phía Nam không xa là đảo Biện Sơn còn chứa đựng giá trị huyền thoại về vua Hùng và Mỵ Châu - Trọng Thủy diễn ra bên giếng Ngọc; di tích và di vật của Quang Trung xây dựng căn cứ hải quân (1789), đền thờ Tôn Thất Cơ là một ngôi đền được nhân dân lập nên nhằm tưởng nhớ công lao một viên quan triều Nguyễn...

Hệ thống truyền thuyết ở vùng biển xứ Thanh còn lưu truyền lại nhiều câu chuyện như: ông Lau, Ông Nưa, ông Tần... ông Cõng đá, ông Khổng lồ gánh đất lấn biển.

Giá trị của di sản văn hóa biển Thanh Hóa được thể hiện trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân ven biển như: Lễ hội diễn xướng… những hình thức tế lễ, hát thờ thần, hát ca trong hội hè... Trong lễ hội gắn liền với các điệu dân ca dân vũ, trò chơi trò diễn đặc trưng như: hát tuồng, hò biển và hò sông nước; các trò chơi: đua thuyền, lắc thúng, câu mực, đan lưới...Cư dân ven biển xứ Thanh qua nhiều thế hệ đã sáng tạo và lưu giữ nhiều giá trị mang đậm dấu ấn văn hóa biển khơi.

Cũng như các vùng ven biển trong cả nước, ngư dân Thanh Hóa cùng theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, thờ phật, thờ thần tự nhiên (thờ Thủy thần, thờ Cá Ông, thờ Mẫu Thoải), thờ người có công lập làng giữ biển. Trong việc tín ngưỡng đã xuất hiện các lễ hội mang tính đặc trưng vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa như:

Lễ hội Cầu Ngư gắn liền với tục thờ thần cá Voi (thờ Cá Ông) là nét truyền thống lâu đời và quan trọng để cầu mong cho một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi về lộng an toàn của ngư dân. Nguồn gốc lễ hội không biết xuất phát tự bao giờ, nhưng có thể đó là tín ngưỡng do ngư dân trong vùng tiếp thu từ người Chăm.

Lễ hội đền Độc Cước gắn với thờ thần Độc Cước để cầu phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Ngôi đền được xây dựng từ thời Trần. "Tương truyền vua Thánh Tông cùng các tướng lĩnh trong một lần đi chống giặc ngoại xâm khi đi qua vụng biển xinh đẹp này thì trời đã quá khuya. Nhà vua cho thuyền neo đậu, nghỉ lại tại đây. Đêm yên tĩnh, chỉ có ánh trăng vàng như dát bạc phủ khắp mặt biển. Nhà Vua nằm mộng thấy có một vị thần bán thân tay cầm cây búa uy nghi vững trãi. Vị thần nói với nhà Vua: “Ta là thần Độc Cước cai quản vùng biển này, nay biết Vua tôi trên đường đi giết giặc ta muốn giúp một tay”. Quả nhiên, năm ấy nhà Trần đã đánh cho quân Nguyên Mông một trận tan tác.

Bên cạnh lễ hội đặc trưng, vùng ven biển Thanh Hóa còn các lễ hội khác như: Lễ Khao tàu (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia), lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy (thị xã Sầm Sơn), lễ hội Đền thờ tướng quân Hoàng Minh Tự (vùng biển Quảng Xương); lễ hội Từ Thức, lễ hội Mai An Tiêm (vùng biển Nga Sơn).

Trong không gian vùng ven biển Thanh Hóa, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa rất phong phú và đa dạng, đã làm nổi bật giá trị di sản văn hóa biển. Tiêu biểu như: Phủ Chèo, đền Thần Phù (Nga Sơn); Chùa Đồng, Nghè Thánh Cả, chùa Sùng Nghiêm (Hậu Lộc); đền thờ Trần Khát Chân, đền thờ Triệu Quang Phục (Hoằng Hóa); đền Bà Triều, đền Cô Tiên, đền Đề Lĩnh, đền thờ Tô Hiến Thành (Sầm Sơn); chùa Kênh, chùa Mậu Xương (Quảng Xương); Thành Ông Ninh, đền thờ Trần Quý Phi, di tích và di vật của Quang Trung xây dựng căn cứ hải quân (1789), núi Đót Tiên, đền Quang Trung, đền thờ Tôn Thất Cơ (Tĩnh Gia)…

Hiện nay, trong chiến lược phát triển du lịch biển đảo Việt Nam đến năm 2020 nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]