(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2018, các nghệ sỹ, VĐV Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình lên đỉnh vinh quang, góp phần khẳng định vị thế của xứ Thanh. Nhân dịp đầu xuân, cùng Báo VH&ĐS lắng nghe chia sẻ của những tài năng này để cùng hy vọng về thành công mới hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu năm gặp gỡ nghệ sỹ, VĐV tiêu biểu

Năm 2018, các nghệ sỹ, VĐV Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình lên đỉnh vinh quang, góp phần khẳng định vị thế của xứ Thanh. Nhân dịp đầu xuân, cùng Báo VH&ĐS lắng nghe chia sẻ của những tài năng này để cùng hy vọng về thành công mới hơn.

Sống hết mình với sân khấu kịch

Bao nhiêu năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp là bấy nhiêu năm tôi được "sống" với nghề, cống hiến hết sức và khẳng định mình qua những vai diễn - diễn viên kịch Nguyễn Thị Hồng, Đoàn kịch (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa), chia sẻ.

Diễn viên Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ trái sang), vai Tấm trong vở "Tấm Cám".

Vốn đam mê ca hát từ nhỏ, lại sinh ra ở vùng đất có duyên nghệ thuật chèo ở Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc), nên từ một cô học sinh từng tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, năm 2009 Hồng đã đặt cho mình mục tiêu cao hơn khi quyết định thi tuyển vào lớp Trung cấp diễn viên kịch điện ảnh Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa).

Đến năm 2012, sau khi tốt nghiệp Hồng được đầu quân vào Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn. Từ điểm xuất phát là những vai diễn phụ, đến nay dần khẳng định tên tuổi với những vai diễn chính ấn tượng. Khán giả nhớ tới cô không chỉ ở tài năng diễn xuất mà còn ở chất giọng mượt có phần đanh thép, dễ đi vào lòng người. Chất giọng ấy không chỉ diễn ở nhà hát phục vụ cho bà con nhân dân, các em thiếu nhi, học sinh... mà từng còn lên tận vùng cao phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.

Không thể phủ nhận rằng, khi các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang phải nỗ lực "lấy lòng" khán giả trẻ, các nghệ sỹ phải nỗ lực vượt qua khó khăn trong công việc cũng như đời sống thì chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao chị chọn kịch. Nói về điều này, chị tâm sự: "Hầu như loại hình nghệ thuật nào cũng có khó khăn riêng, nhưng với kịch thì mình có đam mê. Những nghệ sỹ đi trước đều có thể vượt qua để đạt thành công nhất định thì mình cũng sẽ cố gắng như thế".

"Vai diễn đầu tiên của mình là một vai quần chúng không có lời thoại và cả không thấy... mặt. Từ đó, mình hiểu chỉ có cách duy nhất để phát triển nghề nghiệp đó là phải cố gắng chứng minh cho đạo diễn thấy mình có thể làm được, và còn phải cố gắng hơn nữa vì khán giả" - chị Hồng chia sẻ.

Hiện nay, không chỉ riêng Hồng mà các nghệ sĩ đều ý thức phải cố gắng giữ khán giả ở lại với chương trình, bởi khán giả có quá nhiều lựa chọn xem các chương trình mình yêu thích, từ sân khấu, ca nhạc, cho đến các show truyền hình thực tế đình đám. Và đây là áp lực rất lớn cho các nghệ sĩ nói chung, trong đó có mình. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của các nghệ sĩ tham gia đóng kịch, họ miệt mài tập luyện không kể thời gian với mong muốn tạo ra một sản phẩm tốt, hay một vở kịch truyền hình có chất lượng để phục vụ khán giả.

Trải qua thời gian gắn bó với nghề, Hồng nhận thấy một điều, dù đi đâu, làm gì thì niềm đam mê sân khấu luôn hiện hữu và cháy bỏng trong lòng. Và giờ đây, khi nhắc đến diễn viên Hồng của Đoàn kịch (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa), người ta luôn thấy chị hóa thân vào các vai như Tấm, trong vở “Tấm Cám”, vai Thu trong vở “Tổ quốc gọi”...

Đam mê vẫn “cháy”, tôi vẫn bước tiếp

32 tuổi đời, 10 năm tuổi nghề, diễn viên tuồng Tống Như Đạt là một trong những tài năng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa khi anh luôn dành giải cao tại các cuộc thi. Năm 2017, anh đã giành tấm HCV danh giá với vai Hoàng Phi Hổ trong trích đoạn “Hoàng Phi Hổ lăn trướng” tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng - chèo toàn quốc.

Sinh ra trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, Tống Như Đạt lại đi theo nghệ thuật tuồng, một bộ môn khó chiếm được tình cảm của người xem. Nhưng 10 năm qua, bền bỉ, kiên trì với con đường đã chọn như anh đã từng chia sẻ: “Tôi chưa lúc nào nghĩ sẽ rời bỏ tuồng, vì nó đã ngấm vào máu thịt tôi từ nhỏ. Vẫn biết loại hình nghệ thuật này khó chiều được khán giả và kể cả người diễn viên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi gắn bó, nhưng tôi vẫn say, vẫn đam mê”.

Đam mê đến mức quên ăn, quên ngủ, quên cả cái khổ về vật chất khi thu nhập từ nghề thấp, nhà vẫn ở thuê và Đạt thì vẫn bước đi với tuồng như tri âm, tri kỷ... Anh được đánh giá là một nghệ sĩ có chất giọng vang, khoẻ, có khả năng phát triển tốt trong các vai chính và luôn có duyên hoá thân vào vai vua, vai tướng như tướng quân Lê Lai trong "Thuận Thiên Bảo Kiếm", vua Lê Hoàn trong Lễ hội Lê Hoàn; vua Quang Trung tại Lễ hội đền Sòng...

Nói về vai diễn Hoàng Phi Hổ trong trích đoạn “Hoàng phi Hổ lăn trướng”, Tống Như Đạt cho biết, anh đã phải tập luyện trong vòng 3 tháng và đây là một vai diễn khó, đòi hỏi về sự luyến láy hơi giọng, về cách xử lý sân khấu mà với tuồng thì chỉ cần một cái đưa tay là đã phải có hồn. Vậy nên anh đã trăn trở, lo lắng, lăn lộn với nhân vật mang tên Hoàng Phi Hổ. Và để cái đích cuối cùng là có một trích đoạn “Hoàng Phi Hổ lăn trướng” đầy thuyết phục, người vào vai Hoàng Phi Hổ cũng đã nhận được HCV. Đó là một một thành tích đáng nể của Tống Như Đạt.

“Tôi vẫn muốn tiếp tục được làm việc, được cống hiến với bộ môn nghệ thuật này. Đường đi dẫu khó nhưng đam mê vẫn cháy thì tôi vẫn bước tiếp...” - anh Tống Như Đạt tâm sự.

Tôi đang có niềm tin rất lớn...

Với vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, kiêm Trưởng đoàn Dân ca dân vũ, trong hơn 1 năm qua kể từ khi đoàn được thành lập, NSUT Vũ Thị Hảo đã góp phần vào sự thành công cho đoàn, đặc biệt là buổi trình diễn mang tên “Sắc màu xứ Thanh” ra mắt mới đây đã được hội đồng thẩm định đánh giá cao, mở ra nhiều hy vọng về một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ với toàn đơn vị.

Ngay cả với Vũ Thị Hảo, như chị đã từng chia sẻ thì bản thân là một diễn viên tuồng nên khi đối diện với dân ca dân vũ cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chị nói: "Tôi rất trăn trở và lo lắng, bởi đây là một thể loại mới và tôi chưa có nhiều hiểu biết, mà cái đặc sắc nhất của thể loại này đó là phải mang nét đặc trưng, đậm sắc thái của văn hoá xứ Thanh, là dân ca Đông Anh hay trò Xuân Phả... Hơn nữa, cái khó là về nhân lực thì lại lấy con người từ 3 đoàn: tuồng, chèo, cải lương, có nghĩa các em không có chuyên môn sâu cho dân ca dân vũ nhưng cho đến lúc này, tôi phải rất phục các em vì các em quá nhiệt tình, quá giỏi".

Trong vai trò của người lãnh đạo, chị Vũ Thị Hảo đã rất thận trọng cho từng bước đi của mình. Ngay trong lần tập duyệt cho buổi ra mắt, chị đã luôn chủ động trong mọi tình huống. Chị nhớ lại: "Vào thời điểm ấy, NSND Hoàng Hải là tổng đạo diễn của chương trình “sắc màu xứ Thanh” và tôi thì lúc nào cũng “bám” lấy thầy vì tôi sợ nếu lơi là một chút là hỏng ngay. Tôi cũng phân nhiệm vụ cho hai phó trưởng đoàn để phụ trách phần nhạc và múa còn bản thân thì không có ngày nào là tôi không lên sàn tập cùng các em"...

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng sự khởi đầu này đã có hiệu ứng. Và Vũ Thị Hảo vẫn đang tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cố gắng đảm nhận tốt hơn vai trò của mình. “Sự ra đời của đoàn dân ca dân vũ là hướng đi đúng và trúng để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị văn hoá truyền thống và tôi có niềm tin rất lớn, thể loại này sẽ còn được phát triển mạnh hơn nữa và chắc chắn sẽ thành công...”. Trưởng đoàn dân ca dân vũ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Vũ Thị Hảo chia sẻ.

Chuyện về kình ngư tài năng đặc biệt nhất của thể thao Thanh Hóa

Ngân Thị Nhiên có lẽ là vận động viên đặc biệt nhất trong lịch sử của thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt không chỉ vì VĐV này sinh ra ở vùng cao Mường Lát, mà còn là sự nỗ lực, nghị lực phi thường khi chuyển từ bộ môn bơi sang lặn nhưng vẫn có HCV và phá kỷ lục Quốc gia.

VĐV Ngân Thị Nhiên (ở giữa) giành HCV, phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 200m chân vịt đôi tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII.

Còn nhớ cách đây gần 9 năm trở về trước, Ngân Thị Nhiên được biết đến như là một tài năng bơi lội trẻ của Thanh Hóa. Cô gái sinh năm 1998 ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát đã yêu thích bơi lội từ nhỏ và dòng sông Mã chính là nơi để VĐV này hiện thực hóa niềm đam mê của mình. "Em đã tự tập nín thở lâu, tập bơi theo các anh chị lớn hơn và dần dần tự thử sức mình trên dòng sông Mã quê hương" - Ngân Thị Nhiên chia sẻ.

Nhận thấy tài năng từ Ngân Thị Nhiên, bộ môn Bơi lội Thanh Hóa đã sớm đưa VĐV này về huấn luyện. Điều đặc biệt nhất đó là, VĐV này đã thể hiện được thế mạnh ở các cự ly bơi trung bình và dài, dù có thân hình khá nhỏ nhắn, tưởng chừng như không phù hợp với một VĐV bơi. Sau một thời gian được rèn giũa, Nhiên đã xuất sắc giành được những tấm HCV đầu tiên tại giải trẻ vô địch quốc gia khi mới 12 tuổi. Sau đó, em được xếp vào nhóm VĐV trọng điểm của bộ môn và của thể thao Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau khi chuyển từ đội trẻ lên đội tuyển của tỉnh, dù đã cố gắng hết mình nhưng các cự ly bơi sở trường của Ngân Thị Nhiên vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các trung tâm mạnh như TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Quảng Bình, Long An... Cùng với những khó khăn, thiếu thốn của bơi lội Thanh Hóa, thành tích ở đấu trường quốc gia của Nhiên cũng giảm dần.

Những tưởng cái tên Ngân Thị Nhiên đã chìm vào lãng quên thì sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII, em được chuyển sang môn lặn. Nhiều người đã trêu đùa khá hài hước rằng: Nhiên “bơi không được chuyển sang lặn”. Tuy vậy, đây thực sự là bước ngoặt lớn đối với VĐV này. Việc điều chuyển đã có sự tính toán của bộ môn khi không muốn lãng phí một tài năng. Ngân Thị Nhiên nhanh chóng thích nghi và tiếp tục nỗ lực hết mình.

Sự quyết tâm, kiên trì và nỗ lực phi thường của Nhiên đã được đền đáp với thành tích giành HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Thanh Hóa tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đồng thời phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 200m chân vịt đôi với thành tích 1 phút 48 giây 01 (kỷ lục cũ 1 phút 50 giây 10). Chưa dừng lại ở đó, Nhiên còn giành thêm 1 HCB ở cự ly 100m chân vịt đôi, trở thành 1 trong những VĐV xuất sắc nhất của Thanh Hóa tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII.

Đây thực sự là một kỳ tích đặc biệt đối với cá nhân Ngân Thị Nhiên và là điều hiếm có trong lịch sử thể thao Thanh Hóa. Thành công trong năm 2018 đã mở ra con đường đến với đội tuyển lặn quốc gia đối với kình ngư này. Tranh thủ quãng thời gian khá ít ỏi để về Mường Lát đón tết cùng gia đình, Ngân Thị Nhiên cùng các đồng đội phải sớm trở lại tập luyện, chuẩn bị cho các giải đấu trong năm 2019 với mục tiêu giành thêm những tấm huy chương, chinh phục những thành tích mới và quan trọng nhất là luôn vượt lên chính mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Lực sỹ Phạm Tuấn Anh: Vũ khí đặc biệt của Thanh Hóa

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, khi Thanh Hoá đang có phần lép vế so với Đà Nẵng trong cuộc đua giành vị trí thứ 4, Phạm Tuấn Anh là người xuất sắc mang về 3 HCV ở các nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử, hạng cân 77kg.

Đại hội thể thao toàn quốc đã kết thúc được hơn một tháng nhưng khi được hỏi lại về cảm xúc khi giành chiến thắng, Tuấn Anh vẫn không giấu được niềm vui sướng tột độ: “Không phải tự nhiên mà thành công đâu, mà bởi 2 thầy trò đã rất quyết tâm. Niềm vui lúc đấy thì không thể nào diễn tả được”.

Tuấn Anh liên tục nhắc về người thầy của mình, HLV Nguyễn Hồng Phi - Trưởng bộ môn Cử tạ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hoá, người đã luôn bên cạnh, đặt niềm tin hết mình vào học trò.

“Thầy Phi đã rất sát sao và lo lắng cho mình, thầy đặt niềm tin vào mình rất nhiều. Vợ của thầy cũng đối xử với mình rất tốt, cô như là người mẹ thứ 2 của mình vậy” - Tuấn Anh chia sẻ.

Cử tạ là một trong những bộ môn của Thanh Hoá được tạo điều kiện tập huấn tại nước ngoài. Chàng lực sỹ sinh năm 1995 đã có thời gian 4 tháng xa nhà, tập huấn tại Trung Quốc để có sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội thể thao toàn quốc. Anh chia sẻ: “Mình được tập huấn lần đầu tiên tại Trung Quốc là vào năm 2014, khi đấy thì rất là bỡ ngỡ, vì mọi thứ đều hoàn toàn xa lạ.”

Tuy nhiên, với một VĐV chuyên nghiệp như Tuấn Anh thì việc làm quen với những thứ mới lạ không phải là quá khó. Tuấn Anh đã lấy khó khăn làm động lực để nỗ lực, tập trung cao hơn cho việc tập luyện. Một lợi thế lớn khi đi tập huấn nước ngoài là VĐV có được chế độ tập luyện cũng như ăn, ngủ, nghỉ rất khoa học, mỗi hoạt động tập luyện, ăn uống và điều trị chấn thương đều có những chuyên gia riêng.

“Quãng thời gian tập huấn cũng là lúc mình có thể tập trung hoàn toàn cho việc tập luyện, không phải lo nghĩ gì nhiều về những việc khác. Ở Trung Quốc giúp mình có trạng thái tâm lý tốt nhất” - Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Ở bộ môn Cử tạ, theo Tuấn Anh, tâm lý là yếu tố quan trọng nhất, chiếm tới 70% khả năng thành công. Lực sỹ của Thanh Hoá chia sẻ việc tập luyện và thi đấu khác nhau rất nhiều. Có những đêm trước khi thi đấu, anh còn mất ngủ vì quá hồi hộp. Anh đã phải tự rút ra rất nhiều bài học từ những sai lầm thì mới có được tâm lý tốt.

Việc được thi đấu nhiều tại các giải đấu lớn nhỏ cũng giúp Tuấn Anh trưởng thành hơn trước những áp lực. Với thành tích xuất sắc đã giành được ở năm 2018, năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm thành công hơn nữa đối với chàng lực sỹ này.

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]