(vhds.baothanhhoa.vn) - Tín ngưỡng và mê tín, những tưởng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, nhưng để phân biệt rạch ròi thì dường như vẫn là chuyện không dễ. Đôi khi, lằn ranh để phân định tín ngưỡng với mê tín cũng thật mong manh, làm khó ngay cả người làm công tác quản lý. Dẫu vậy, đầu xuân năm mới, theo thói quen, nhà nhà, người người lại theo chân nhau hòa trong niềm tin tín ngưỡng nơi hệ thống di tích tâm linh. Và chuyện tín ngưỡng - mê tín, dù không mới nhưng có lẽ chưa bao giờ là cũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu xuân, chuyện tín ngưỡng và mê tín

Tín ngưỡng và mê tín, những tưởng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, nhưng để phân biệt rạch ròi thì dường như vẫn là chuyện không dễ. Đôi khi, lằn ranh để phân định tín ngưỡng với mê tín cũng thật mong manh, làm khó ngay cả người làm công tác quản lý. Dẫu vậy, đầu xuân năm mới, theo thói quen, nhà nhà, người người lại theo chân nhau hòa trong niềm tin tín ngưỡng nơi hệ thống di tích tâm linh. Và chuyện tín ngưỡng - mê tín, dù không mới nhưng có lẽ chưa bao giờ là cũ.

Bắt đầu một năm mới, như một nét văn hóa đẹp ngày xuân, mỗi người thường tìm đến các điểm di tích thờ tự đền, chùa, phủ... gửi gắm niềm tin vào đấng tối linh và tiền nhân, cầu mong điều tốt đẹp cho gia đình và người thân. Đó cũng là ước nguyện chính đáng. Và từ niềm tin tâm linh bất diệt được nối dài từ quá khứ đến hiện tại và tiếp tục ở tương lai, trở thành tín ngưỡng tốt đẹp của người Việt nói chung tự cả hàng ngàn năm qua.

Vậy nhưng, khi niềm tin tín ngưỡng tốt đẹp bị biến tướng hay lợi dụng nhằm những mục đích khác thì có lẽ cũng là lúc sự mê tín “lên ngôi”. Dù cho, không ít sự mê tín trục lợi được cẩn thận khoác lên mình chiếc áo mầu sắc tự do tín ngưỡng. Đơn giản, đó có thể là câu chuyện dâng sao giải hạn tại nhiều điểm di tích đền, chùa hiện nay. Đặc biệt, ngay cả khi quan niệm của đạo Phật không hề nhắc đến chuyện dâng sao giải hạn, nhưng hiện hoạt động này lại hầu như vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa điểm thờ tự Phật giáo.

Sự hiểu biết sẽ giúp con người giảm đi sự mê tín, tin vào các thế lực siêu nhiên một cách hoang đường, mù quáng.

Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Trong đó có sao tốt, sao xấu. Gặp sao tốt thì “mời” về còn sao xấu thì dâng để giải đi, để bản thân và gia đình được bình an, may mắn, hạn xấu qua đi. Quan niệm dâng sao giải hạn được giải thích bởi, trước thiên nhiên rộng lớn, con người luôn cảm thấy nhỏ bé và bất an. Vì vậy, việc cúng các vị thần sao cũng chỉ là một trong rất nhiều cách để cầu mong tránh khỏi tai ương, bất trắc. Mong ước đó cũng là điều dễ hiểu khi mà vũ trụ bao la, con người ta còn quá nhiều điều chưa thể lí giải.

Còn giáo lý nhà Phật chủ trương dạy con người ta hiểu về quy luật nhân - quả, gieo nhân nào thì gặp quả ấy, mọi việc tốt xấu trong cuộc sống đều là nhân và quả do ta gieo trồng nên mới gặt hái được. Dù nhân, quả có thể nhìn thấy ngay trước mắt nhưng cũng có thể là chuyện rất lâu sau đấy. Bởi vậy, đạo Phật chủ trương khuyên con người ta sống thiện, sống tốt, đó chính là “con đường sáng” giúp mỗi người giải thoát khỏi bế tắc hay khổ đau, an nhiên sống tốt cõi người.

Vậy nhưng, phần nhiều điểm di tích chùa hiện nay lại vẫn tổ chức nhận “dâng sao giải hạn” cho người dân. Nếu ai đó nói rằng hãy “điểm tên” những ngôi chùa cụ thể thì có thể khẳng định rằng đó là chuyện không cần thiết. Bởi, chỉ cần bạn đến bất kỳ một điểm chùa nào cũng dễ dàng bắt gặp hoạt động này. Sẽ có những tấm bảng lớn ghi tuổi mỗi người trong năm, nam ứng với sao gì, nữ ứng với sao gì và kèm ở dưới thậm chí còn lí giải cả sự tốt xấu của các sao ra sao. Cùng với đó, sẽ có những ban tại nhà chùa tiếp nhận việc đăng kí “giải sao” với các mức phí khác nhau, tùy sao tốt, xấu. Chùa càng lớn, nổi tiếng nhiều thì chi phí giải sao cũng có thể cao hơn so với các ngôi chùa bé, ít khách. Nhưng điều đáng nói hơn là nghi lễ một buổi dâng sao giải hạn. Hàng trăm, hàng ngàn người có mặt và cả vắng mặt được nhà chùa đọc tên, đọc sao chiếu mệnh cùng những cầu khấn vội vã trăm người như một... chỉ như vậy, người ta tin tưởng rằng sao xấu chiếu mệnh mình năm đó đã được giải?

Ngoài chuyện dâng sao giải hạn thì ở nhiều điểm đền, phủ ngày nay cũng vô cùng sôi động bởi các nghi lễ cầu cúng, hóa giải bằng hình nhân, ngựa mã...khiến ai đó nếu mới lần đầu chứng kiến hẳn sẽ không khỏi choáng ngợp. Ghé thăm bất kì điểm di tích thờ Mẫu nổi tiếng ở xứ Thanh như đền Sòng, đền Chín Giếng; đền Ba Bông... ta cũng dễ dàng bắt gặp những buổi hầu dâng sôi động và nhộn nhịp. Đi kèm với đó là vô số những đồ mã tiền triệu (hình nhân, ngựa giấy...) xếp hàng dài được hóa sau đó. Và theo chia sẻ từ người trong giới thì có những buổi hầu chi phí hàng trăm triệu. Đương nhiên, không ít chi phí trong đó là do các “con nhang” có “căn, quả” đóng góp để thầy “giải” bớt vận xấu, hạn, nghiệp...Việc giải hạn không rõ đến đâu nhưng mắt thường dễ thấy không hiếm gia đình thậm chí phải vay mượn khó khăn mới có tiền để “gửi thầy” giải hạn! Để rồi, hạn vô hình chưa qua nhưng nợ nần hữu hình đã ở ngay trước mắt!

Điểm qua một vài hiện trạng như vậy để thấy rằng, phải chăng niềm tin tín ngưỡng của người Việt nói chung hiện nay đang có vấn đề? Như cách nói của Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam: “Một trong những bi kịch lớn của người Việt đầu thế kỷ XXI chính là “bi kịch tín ngưỡng”. Ông lí giải bằng việc hàng trăm, hàng ngàn lễ hội diễn ra trong dịp đầu năm, bên cạnh hoạt động tín ngưỡng thuần khiết, vui chơi lành mạnh bị tối giản ít nhiều thì không ít lễ hội hiện nay đã “nhuốm mầu sắc trục lợi”. Điều này đương nhiên mang đến sự “ăn nên làm ra” của nhiều điểm di tích.

Vậy nên dễ hiểu vì sao, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV hiện nay, dù Thủ tướng Chính phủ và các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương đã ra nhiều văn bản chỉ đạo về việc tạm dừng khai mạc, thu hẹp quy mô tổ chức hoạt động lễ hội ở các di tích, lễ hội song trong quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng, bên cạnh ý thức người dân thì không ít ban quản lí di tích, lễ hội vẫn chưa thực sự quyết liệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hành động cụ thể. Và nhiều người trong câu chuyện trà dư tửu hậu còn đùa rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của nhiều di tích, lễ hội.

Lý giải về câu chuyện “thương mại hóa tâm linh” hay “trục lợi tâm linh” ở nhiều di tích, lễ hội hiện nay, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trả lời trên Báo Nhân dân cho rằng: “Hai chữ “tâm linh” ở một góc độ, hiện tượng không nhỏ trong xã hội hiện nay đã trở thành “tấm áo khoác” quá rộng mà người ta bỏ vào trong đó tất cả những gì thiêng liêng, có giá trị nhưng cũng có cả sự mê tín và mê muội. Điều này dẫn đến việc người ta nhắc đến hai chữ “tâm linh” với tất cả sự thành kính nhưng lại không phân biệt rạch ròi được sự mê tín trong đó. Thậm chí có người còn lợi dụng hai chữ “tâm linh” để trục lợi, trong số đó không chỉ có những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng mà còn cả những người làm khoa học”.

Và cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì “Với những vấn đề liên quan văn hóa nói chung, cần phải có nghiên cứu kĩ càng dài hơi để đưa ra những chính sách quản lý phù hợp... Một trong những mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp là để phục vụ lợi ích của nhân dân theo hướng nhân văn, phù hợp với thời đại. Và quan trọng, trước hết truyền thông và giáo dục phải làm sao để người dân ngày càng nâng cao nhận thức, bồi đắp tri thức về khoa học kĩ thuật, hiểu biết và vững vàng để giảm đi sự mê tín, tin vào các thế lực siêu nhiên một cách hoang đường, mù quáng”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]