(vhds.baothanhhoa.vn) - Cưới vui tiết kiệm, tang không cỗ bàn rình rang là mục tiêu cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và đã tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả đáng kể trong đời sống. Nhiều hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, nếp sống văn minh được lan tỏa, bồi đắp...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Cưới vui tiết kiệm, tang không cỗ bàn rình rang là mục tiêu cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và đã tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả đáng kể trong đời sống. Nhiều hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, nếp sống văn minh được lan tỏa, bồi đắp...

Lãnh đạo huyện Mường Lát tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. (Ảnh: Minh Lý)

Cách đây nhiều năm, đám tang ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung thường là dịp nhiều gia chủ thuê đội nhạc tang với giá từ 3-5 triệu, cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như hiện tượng khóc mướn, lăn đường, rải tiền, vàng mã trên đường đi... rất tốn kém và không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhằm thay đổi thực trạng này, lãnh đạo xã đã bàn bạc, xây dựng quy chế và sau đó dự thảo được đưa xuống tận các thôn để họp dân, bàn bạc và đóng góp thêm những ý kiến sát với tình hình thực tế. Nhờ có chủ trương hợp lòng dân, nên đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung cho biết: Thay đổi thói quen lâu nay thì không phải đơn giản, ngày một ngày hai mà làm được. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì hàng năm ở các thôn đều xây dựng và chỉnh sửa quy ước, hương ước làng phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; lấy các nội quy làm cơ sở tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cùng với đó là nêu cao vai trò gương mẫu “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”... Khó khăn buổi đầu là vậy nhưng đến nay đã trở thành nếp sống mới trong mỗi người dân. Nhiều hộ đã sử dụng đĩa nhạc tang thay cho trống kèn; các hủ tục lạc hậu như khóc mướn, lăn đường không còn. Các đám tang đều do đại diện thôn, xóm phối hợp với các đoàn thể tổ chức. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã có một số gia đình lựa chọn theo hình thức hỏa táng, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường.

Nếp sống văn minh trong việc tang là điều cũng có thể nhận ra ở nhiều địa phương khác. Nhiều nơi đưa nội dung này vào hương ước, quy ước; tổ chức tuyên truyền, vận động đẩy lùi hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng với chính sách hỗ trợ tích cực... Kết quả là đã đẩy lùi hủ tục trừ tà, xem bói, khóc mướn, lăn đường, ăn uống linh đình... Các đám tang do hội người cao tuổi và trưởng làng phối hợp với các đoàn thể tổ chức. Trong tang lễ không mở loa đài, kèn trống quá công suất và quá giờ quy định. Việc hung táng, cải táng đảm bảo vệ sinh. Nhiều địa phương đã quy hoạch và xây dựng nghĩa trang, nhiều gia đình lựa chọn hỏa táng, điện táng.

Không chỉ việc tang, việc cưới theo nếp sống mới được nhiều địa phương quan tâm và đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Bà Lê Thị Thanh - Phó trưởng phòng VHTT TP Thanh Hóa, chia sẻ: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố trước đó gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn của đời người nên vẫn có tư tưởng phải tổ chức long trọng, tốn kém. Thêm nữa, tình trạng nhiều gia đình lấn chiếm lòng lề đường, ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, gây lãng phí, tốn kém về mặt kinh tế vẫn còn xảy ra. Thậm chí khi bị nhắc nhở, nhiều gia đình đã gây khó khăn và xảy ra xung đột ngay với cả đoàn kiểm tra... Tuy nhiên trong những năm qua cùng với thực hiện Chỉ thị 27, thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị 04 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, thành phố cũng đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp, không nề hà bất cứ một cá nhân nào, để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân...

Cùng chung quan điểm, ông Vi Văn Năm - Bí thư Đảng ủy xã Cán Khê, huyện Như Thanh cho biết: Với 4 dân tộc, gồm: Kinh (50%), Thái (24%) và Thổ cùng sinh sống trên địa bàn, nên mỗi dân tộc đều có một sắc màu văn hóa khác nhau. Để nhân dân thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục thách cưới cao, ăn uống linh đình... xã đã lấy trực tiếp ý kiến của người dân thông qua các buổi họp thôn để có được chủ trương sát với tình hình thực tế. Đến nay có nhiều gia đình tổ chức tiệc trà, cũng có gia đình chỉ tổ chức ăn uống trong 1 buổi. Ngay ở thôn 5, thôn 6có những hộ dân tổ chức tiệc trà buổi tối...

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhiều địa phương đi đầu trong thực hiện tốt “5 không”. Đó là, không hút thuốc lá, không đi chúc rượu và uống rượu say, không dựng rạp xuống lòng đường giao thông; không mở loa đài quá công suất, quá giờ quy định; không gây mất an ninh trật tự.

Mặc dù đã có những chuyển biến đáng kể, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vẫn còn những hạn chế, đó là ở một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên vẫn còn hình thức, một số cán bộ, đảng viên chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện...

Để tiếp tục triển khai hiệu quả tuyên truyền, vận động thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, thiết nghĩ cần tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện các giải pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]