(vhds.baothanhhoa.vn) - Trần Xuân Soạn quê ở thôn Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa). Ông sinh năm 1849 trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ không được học hành nhiều. Đến tuổi tráng niên ông đi lính thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong quân ngũ, nhờ có sức khỏe và mưu lược, lại có công lớn trong việc tiêu diệt tiểu phỉ ở ngoài Bắc, nên Trần Xuân Soạn được thăng chức rất nhanh, từ một suất đội hiệp quản lên chức Lãnh binh, rồi làm đến Đề đốc tỉnh Nam Định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đề đốc Trần Xuân Soạn với phong trào Cần Vương chống Pháp

Trần Xuân Soạn quê ở thôn Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa). Ông sinh năm 1849 trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ không được học hành nhiều. Đến tuổi tráng niên ông đi lính thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong quân ngũ, nhờ có sức khỏe và mưu lược, lại có công lớn trong việc tiêu diệt tiểu phỉ ở ngoài Bắc, nên Trần Xuân Soạn được thăng chức rất nhanh, từ một suất đội hiệp quản lên chức Lãnh binh, rồi làm đến Đề đốc tỉnh Nam Định.

Sau khi Hàm Nghi lên ngôi Vua, năm 1885, Trần Xuân Soạn được phái kháng chiến trong triều đưa về Huế giữ chức Đề đốc kinh thành, cùng với Tôn Thất Thuyết lo việc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây ông đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tấn công các căn cứ chiếm đóng của giặc Pháp ở kinh thành Huế. Đặc biệt là cuộc đánh úp đêm mồng 4 rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885. Cuộc tấn công không thành, ông đã cùng Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi ra Bắc dựa vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài.

Tại Quảng Trị, ngày 13 tháng 7 năm 1885, Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương lần thứ nhất kêu gọi toàn dân đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu nước. Ở Sơn Phòng Âu Sơn (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), ngày 19 tháng 9 năm 1885 Vua hàm nghi ra chiếu Cần Vương lần thứ hai. Nhận thấy vị trí chiến lược của tỉnh Thanh Hóa trong phong trào chống Pháp, Vua Hàm Nghi, trong lời hịch cứu nước đã nói: "Khi nào trừ khử được chúng (chỉ giặc Pháp) thì đến gặp Trẫm sẽ đóng đô tại tỉnh Thanhh Hóa. Đây là một địa điểm quý".

Trong thời gian này, Trần Xuân Soạn được Vua Hàm nghi và Tôn Thất Thuyết cử giữ chức tả quân đô thống, phái về tổ chức phong trào văn thân ở Thanh Hóa để tập hợp lực lượng và trực tiếp chỉ đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Về đến quê nhà, ông đã hoạt động ở nhiều vùng, Trần Xuân Soạn đã tìm gặp những sĩ phu yêu nước lãnh đạo phong trào như Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt (Hậu Lộc), Tống Duy Tân (Vĩnh Lộc), Hà Văn Mao (Bá Thước), Cầm Bá Thước (Thường Xuân) bàn kế hoạch tập hợp các cuộc khởi nghĩa, thống nhất sự chỉ đạo cũng như phối hợp lực lượng nghĩa quân. Dưới sự chỉ đạo của Trần Xuân Soạn, các nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương, đã họp bàn và đưa ra một số chủ trương lớn như tổ chức hưởng binh (chế độ quân dịch) ở các xã, huyện tổ chức theo cơ ngũ, đồng thời cổ vũ động viên tinh thần tham gia chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa.

Với tài năng, uy tín của mình, đầu năm 1886, ông được Tôn Thất Thuyết ủy nhiệm, phụ trách phong trào ở Thanh Hóa. Ông đã phong chức tước cho các văn thân, sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và đẩy mạnh tổ chức lực lượng.

Trên hết là các tán lý quân vụ, phân ra mỗi huyện có một hoặc hai tán tương quân vụ ở ngay các xã, các tổng. Trong các tán tương quân vụ thì chọn lại một số tham tán, khi có việc thì giúp đỡ tán lý. Bên cạnh đó còn có các đề đốc khác, như quản cơ, lãnh binh trực tiếp chỉ đạo chiến đấu, các đốc vận, có nhiệm vụ tiếp tế hậu cần cho nghĩa quân.

"Nghĩa quân gọi là Tráng được tổ chức thành cơ phải có từ 200 người trở lên ở mỗi huyện và lấy tên huyện để gọi".

Vào giữa năm 1886 trước yêu cầu của phong trào chống Pháp diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên toàn tỉnh, những nhà lãnh đạo phong trào ở Thanh Hóa đã triệu tập cuộc hội nghị tại thôn Bồng Trung (huyện Vĩnh Lộc) với hai nội dung quan trọng.

Hội nghị đã thống nhất cả về mặt tổ chức và lãnh đạo lực lượng kháng chiến trong phạm vi toàn tỉnh. Vừa khẩn trương xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài.

Sau khi đã họp bàn kế sách đánh Pháp, Hội nghị đã quyết định giao cho Hoàng Bất Đạt, Phạm Bành, Đinh Công Tráng chỉ đạo xây dựng căn cứ Ba Đình (xã Ba Đình, huyện Nga Sơn), nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và làm bàn đạp để đánh Pháp ở đồng bằng. Trần Xuân Soạn cùng với Hà Văn Mao xây dựng căn cứ Mã Cao.

Căn cứ Mã Cao được xây dựng từ giữa năm 1886, nằm trong hệ thống cứ điểm quân sự từ miền núi xuống miềnbiển của nghĩa quân Thanh Hóa trong phong trào Cần Vương chống Pháp.

Mã Cao là tên một làng nhỏ nằm cạnh sông Cầu Chày thuộc xã Đa Ngọc, tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định (nay là xã Yên Giang, huyện Yên Định). Căn cứ này cách huyện lỵ khoảng 11km về phía Tây, cách huyện lỵ Thọ Xuân 7km về phía Bắc. Có con sông Chu ngăn cách, lại có con sông Mã chắn ngang. Cũng như căn cứ Ba Đình, căn cứ Mã Cao vào cuối năm 1886 đã xây dựng xong mà địch không phát hiện được. Dựa vào địa thế hiểm yếu, căn cứ Mã Cao nằm sâu trong vùng đồi thấp. Tại đây, nghĩa quân đã xây dựng khu căn cứ gồm nhiều đồn bốt. Đồn lớn nhất và quan trọng nhất là đồn Bãi Xưa, đối diện với làng Mã Cao, cách làng 500 mét về phía Tây.

Như vậy căn cứ Mã Cao là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho việc cơ động lực lượng xuống đồng bằng hoặc rút lên miền núi khi cần thiết.

Tại Mã Cao, Trần Xuân Soạn cùng với Hà Văn Mao nhiều lần tấn công vào các đồn bốt của địch trên vùng miền núi trung du, làm cho giặc Pháp nhiều phen kinh hồn bạt vía.

Giặc Pháp phải thừa nhận rằng "Dưới sự thúc đẩy của Đề Soạn, cuộc phiến loạn (chỉ phong trào chống Pháp) đã tràn xuống đồng bằng và nhanh chóng thành một cuộc chiến tranh thực sự".

Với cương vị phụ trách phong trào Cần Vương Thanh Hóa, Trần Xuân Soạn đã có mặt hầu như khắp các vùng miền trong tỉnh. Cả khi căn cứ Ba Đình bị bao vây, ông đã tổ chức lực lượng nghĩa quân hoạt động gây rối bên ngoài làm phân tán lực lượng địch "chia lửa" cho căn cứ Ba Đình. Khi căn cứ Ba Đình bị tấn công, Phạm Bành và Đinh Công Tráng khẩn cấp bàn kế hoạch bí mật rút khỏi Ba Đình. Biện Pháp được triển khai ngay.

Khi Ba Đình nổ súng, Trần Xuân Soạn đã mở cuộc tấn công ngoại vi của địch, để chia sẻ lực lượng cho nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng.

Sau khi Ba Đình thất thủ, căn cứ Mã Cao bị vỡ, Trần Xuân Soạn cùng Hà Văn Mao phải lên Điền Lư (Bá Thước) xây dựng phong trào miền núi. Nhưng ở vùng miền núi cũng bị bọn Pháp đánh phá ác liệt, Trần Xuân Soạn tìm đường vào Nghệ An liên lạc với nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn nhưng không thành. Bấy giờ Trần Xuân Soạn quay lại Mường Kỷ (Bá Thước) cùng Cao Bá Điển, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước tiếp tục lãnh đạo nhân dân miền núi chống Pháp. Sau khi phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa suy yếu, ông sang Long Châu (Trung Quốc) tìm gặp Tôn Thất Thuyết nhằm tìm cách tiếp tục cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục của quốc sử quán triều Nguyễn chép: "Tỉnh Lạng Sơn báo: Lê Thuyết và Trần Xuân Soạn lẻn đến một dải Liên Thành, Bằng Tường nước Thanh nhập bọn cùng với Lương Tuân Tú và bọn Hoàng Văn Tường thuộc khách tỉnh ấy, cùng nhau tụ họp. Rồi lại báo Lê Thuyết ở nước Trung Hoa, giả làm quan nước Thanh, chiêu mộ binh dũng.

Thời gian ở Trung Quốc, Trần Xuân Soạn lúc ở Thiều Châu lúc ở Liễu Châu để bắt liên lạc với các nhà chí sĩ Việt Nam. Nhiều lần ông đã kéo về biên giới hoạt động. Giữa khi ấy Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt (tháng 8 - 1888). Biên giới Việt - Trung bị kẻ thù vây chặt, Trần Xuân Soạn đành ở lại Lang Châu, và mất ở đó vào năm Quý Hợi (1923), thọ 74 tuổi.

Để ghi nhớ công lao của vị lãnh tụ trong phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa, tên ông đã được đặt cho một đường phố và một trường phổ thông trung học TP Thanh Hóa anh hùng. Hiện nay đền thờ ông ở phường Đông Thọ - TP Thanh Hóa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Trịnh Thị Hà


Trịnh Thị Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]