(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), tuồng có tự bao giờ chắc không ai khẳng định được. Chỉ biết rằng, từ xưa, tuồng cổ đã được các nghệ nhân nơi đây lưu diễn nhiều nơi.

Để nghệ thuật tuồng cổ ở Hoằng Quỳ được duy trì

Ở xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), tuồng có tự bao giờ chắc không ai khẳng định được. Chỉ biết rằng, từ xưa, tuồng cổ đã được các nghệ nhân nơi đây lưu diễn nhiều nơi.

Để nghệ thuật tuồng cổ ở Hoằng Quỳ được duy trì

Các thành viên CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ - năm 2017. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 29-3-2012 có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người yêu nghệ thuật tuồng ở Hoằng Hóa, bởi đó là thời điểm Câu lạc bộ (CLB) Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ được thành lập với 24 thành viên. Sau 10 năm thành lập, số thành viên hiện tăng lên là 30 người ở 6 xã trong huyện. Dù vậy, ông Lê Đỗ Khải, Chủ nhiệm CLB bộc bạch: “Để nói về niềm vui thì nhiều lắm, không vui thì chúng tôi không tham gia, nhưng cũng còn quá nhiều khó khăn. Sau 10 năm tôi thấy điểm mạnh nhất là sự nhiệt tình, say mê của thành viên. Còn điều lo ngại nhất là người trẻ họ không thích bộ môn này. CLB giờ toàn người lớn tuổi, vì thế việc tập bài, tập làn điệu khá vất vả”.

Trước đây, lịch tập cố định một tháng tập trung một lần, còn những đợt tham gia hội làng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã, hay của huyện, thành viên lại tập trung tập luyện nhiều hơn. Nhưng từ khi có COVID-19, thời gian bị giãn dài ra là mỗi quý một lần. Vì thế, các “cụ bà”, “cụ ông” cũng phải tiếp cận công nghệ, tất cả các sinh hoạt văn nghệ đều được online. “Đáng nhẽ, hôm nay là ngày họp để bàn việc tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập CLB, nhưng phải hoãn vì trong làng phát sinh thêm nhiều trường hợp F0”, ông Khải cho biết.

Ông Hoàng Ngọc Kỷ, thôn Đại An, xã Hoằng Lương (Hoằng Hóa), là thành viên của CLB tuồng cổ xã Hoằng Quỳ, dù đã 70 tuổi nhưng niềm say mê được hát tuồng thì khó ai so kịp. Mỗi lần họp CLB là con cái phải chở ông đi, nếu không thì ông thuê taxi. Ông chia sẻ: “COVID-19 đã thay đổi toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi. Chúng tôi đành phải tập online, mở điện thoại lên rồi ca hát để ban chủ nhiệm theo dõi. Hát chay thôi, nhưng cũng phải tập”.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó chủ nhiệm CLB, cho biết: "Chúng tôi thường chia theo nhóm, căn cứ vào địa bàn sinh sống để thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Ví dụ, xã Hoằng Khê có 7 thành viên tham gia CLB, chúng tôi ấn định ngày kiểm tra của ban chủ nhiệm. Đúng ngày, đúng giờ các thành viên mở điện thoại liên lạc qua zalo, và ban chủ nhiệm theo dõi hát, từ đó có những góp ý đúng đắn. Đôi khi dù không phải buổi tập, nhưng chị em mới tập được bài nào cần tham khảo ý kiến của ban chủ nhiệm cũng có thể gọi và hát qua zalo”. Rồi ông khoe: “Chúng tôi mới mua một bộ thiết bị livestream để tiện sinh hoạt”.

So với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, ngoài việc thể hiện đúng làn điệu, ngôn ngữ, hay nghệ thuật hóa trang, thì từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng là rất quan trọng. Đơn cử như động tác vuốt râu, chèo cây, múa kiếm, chèo đò, cưỡi ngựa... diễn viên phải thể hiện đúng, câu hát, dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp. Vì thế mà một động tác cần nhiều thời gian tập, phải tập đi tập lại nhiều ngày. “Quan trọng là thế, nhưng tập online chúng tôi đều phải lơ đi, chủ yếu giữ gìn tinh thần của anh em trong CLB”, ông Lê Đỗ Khải, Chủ nhiệm CLB phân trần.

Để nghệ thuật tuồng cổ ở Hoằng Quỳ được duy trì

Ông Trịnh Minh Công, thành viên của tổ nhạc công CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ giới thiệu những nhạc cụ “nằm ngủ” quá lâu vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: KIỀU HUYỀN

Ngôi nhà của ông Trịnh Minh Công ở thôn Ích Hạ, xã Hoằng Quỳ, thành viên chủ lực của tổ nhạc công CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ từ lâu là địa chỉ quen thuộc cho những người say mê hát tuồng trong vùng, nhưng mấy năm nay nhạc cụ nằm im ắng, thi thoảng mới vang lên vài điệu. “Tổ nhạc công gồm 6 người với cây đàn bầu, ghi ta, ghi ta lõm, nguyệt, nguyệt lõm, nhị, líu, sáo... Mỗi khi các làng, xã kế bên tổ chức lễ đều phải nhờ chúng tôi đến hỗ trợ, biểu diễn phần nhạc trong lễ hội, lễ tế”. 20 năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ ông Công thấy mình nhàn rỗi như lúc này.

Chỉ tay về tấm phông treo giữa nhà, ông Công nói: “Năm 2017, chúng tôi tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày thành lập CLB tuồng của xã. Hôm biểu diễn đông đảo bà con đến xem, ủng hộ. Vui lắm khi nhiều người vẫn còn quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Cái phông này chuẩn bị được gỡ bỏ, thay vào đó là lễ kỷ niệm 10 năm. Một tháng nữa không biết tình hình dịch bệnh thế nào đây”.

Say mê kể từ những ngày bắt đầu, cho tới việc luyện tập khó khăn, ông Lê Đỗ Khải, Chủ nhiệm CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ bộc bạch: “Hát tuồng không chỉ là niềm vui, sự yêu thích của tôi cùng các thành viên trong CLB mà còn là trách nhiệm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Hiện nay CLB chỉ có một người duy nhất dưới 50 tuổi là cô Lê Thị Hải. Như tôi cũng 77 tuổi rồi, còn hầu hết ngấp nghé trên dưới 70, để duy trì được CLB đã khó, chứ đừng nói đến phát triển”. Tuy nhiên, quan điểm của ông Khải là: “Chúng tôi chỉ kêu gọi mọi người giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật tuồng, ai yêu thích thì tự nguyện tham gia. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp, chưa biết thì sẽ biết, biết ít thì học thêm cho biết nhiều rồi về làm nòng cốt cho CLB của mình. Chứ tôi không vận động. Bởi, giờ còn mấy ai ham mê như chúng tôi”.

Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, cho biết: “Để duy trì CLB phải khẳng định đó là sự nỗ lực của các thành viên. Về phía xã, ngoài hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí, chủ yếu vẫn là hỗ trợ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho CLB có hội trường biểu diễn. Hiện, mỗi năm CLB được hỗ trợ 10 triệu đồng”.

Ở Hoằng Quỳ từ lâu đã mặc định câu nói: “Phi Tuồng bất thành hội” (không có tuồng thì không thành lễ hội), đã có lễ hội làng là phải diễn tuồng. Vì vậy, bất kể sự kiện lễ hội nào cũng không thể thiếu tuồng. Cuộc sống hiện đại có thể khiến cho bất kể bộ môn nghệ thuật truyền thống nào trong đó có nghệ thuật tuồng bị mai một và rơi vào quên lãng, nhưng với người dân xã Hoằng Quỳ, giữ gìn tiếng hát tuồng vẫn là điều thiêng liêng. Còn tương lai thế nào, tùy thuộc vào sự trân trọng, niềm say mê của thế hệ kế tiếp với bộ môn nghệ thuật tuồng.

CHI ANH


CHI ANH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]