(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể là bảo vật hay chưa được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia thì mỗi tấm bia đều mang trong mình những giá trị lịch sử. Thanh Hóa là tỉnh có số lượng văn bia lớn, tuy nhiên mỗi tấm bia lại mang số phận khác nhau. Để bia đá không mòn liệu có phải là bài toán khó?

Để trăm năm bia đá không mòn

Có thể là bảo vật hay chưa được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia thì mỗi tấm bia đều mang trong mình những giá trị lịch sử. Thanh Hóa là tỉnh có số lượng văn bia lớn, tuy nhiên mỗi tấm bia lại mang số phận khác nhau. Để bia đá không mòn liệu có phải là bài toán khó?

Để trăm năm bia đá không mòn

Hai tấm bia đá uy nghiêm ở lăng mộ Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa.

Gần đây nhất trong lần về xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) tìm tư liệu viết bài, tôi được ông Lê Bá Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã đưa đến nhà ông Lê Trọng Kim hiện đang là nơi thờ Đức Thánh Trần trên nền đất cũ của Đền thờ Trần Hưng Đạo thuộc thôn Vân Lộ, xã Thọ Nguyên trước đây. Theo Quyết định số 195 ngày 8-6-1996 của Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL) đây là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cần bảo vệ. Những năm 1960, đền bị phá để lấy vật liệu xây trường học. Tuy nhiên gia đình ông Kim vẫn giữ lại toàn bộ đồ thờ chuông, lọ hoa, bát hương, đôi hạc... cùng 2 sắc phong, 3 cái ấn, 2 cái chuông và rất nhiều đồ quý khác, rồi dựng căn nhà nhỏ trên đất đền làm nơi thờ Đức Thánh Trần. Ông dẫn chúng tôi ra cửa ngay sát đường giới thiệu 2 tấm bia: “Đầu tháng 3-2022, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh cũng có về khảo sát, chụp hình, dịch bia đá... Hiện gia đình cũng chưa biết nội dung của 2 tấm bia này, chỉ biết là nó quý lắm. Chúng tôi đang chờ kết quả để gia đình có phương án trong việc trùng tu và bảo tồn di tích”.

Trước đó, chúng tôi có gặp ông Nhữ Cao Sơn - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nhữ Bá Sỹ. Câu chuyện về thầy giáo Nhữ Bá Sỹ có lẽ nhiều người đã biết và càng biết nhiều hơn khi được đọc văn bia “Nhữ Đạm Trai tiên sinh bi” do Thượng thư Bộ Lễ Hoàng Vỹ soạn năm 1898. Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Ba Đình, xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) ông Nhữ Cao Sơn chùng giọng: “Cả một đời cụ tài hoa là thế nhưng tiếc thay đến nay chưa có nơi thờ tự khang trang”. Cũng bởi ngôi nhà quá nhỏ, nên gia đình ông phải dựng tạm tấm bia này ở ngoài hiên. Hằng năm, gia đình ông có nhiều đoàn khách, đặc biệt là các em học sinh Trường THCS Nhữ Bá Sỹ tới thăm, thắp hương viếng cụ. Tuy nhiên do một phần nguồn kinh phí có hạn, địa phương chưa có kế hoạch để bảo tồn phát huy giá trị di tích và bia ký, nên bàn thờ và bia khắc ghi công trạng của cụ vẫn đặt “tạm” để chờ.

Nhắc đến chùa Vân Hoàn ở xã Nga Phượng (Nga Sơn), không thể không nhắc tới 11 văn bia khắc vào vách đá. Theo hoa văn trên các bia đá, chùa được dựng vào thời nhà Lý (khoảng thế kỷ XII - XIV). Nay chùa chỉ còn lại 3 bài ký do danh nho Phạm Sư Mạnh, Tiến sĩ Ninh Tốn (1743 - 1790), và chúa Trịnh Sâm viết. Dù được công nhận di tích thì nhóm bia đá này vẫn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi thời tiết và khí hậu. Ông Trịnh Văn Hải, công chức văn hóa xã Nga Phượng cho biết: Điều lo lắng nhất là trăm năm bia đá cũng mòn, những tấm bia ký còn lại là minh chứng về chùa thiêng trên đất thiêng. Nhưng nếu không có kế hoạch giữ gìn, nhóm bia đá chùa này sẽ ngày càng bị xuống cấp.

Để trăm năm bia đá không mònMột trong số bia đá chùa Vân Hoàn ở xã Nga Phượng (Nga Sơn) đang bị xuống cấp và bị mòn theo thời gian.

Về làng Ngọc Vực, xã Yên Thịnh (Yên Định) đến thăm đền thờ và bia ký Hà Tông Huân hôm nay đã khang trang hơn. Nhưng có mấy ai biết trước đây, con cháu dòng họ Hà đã mang tấm bia quý ra ao đặt làm bàn giặt. Cũng vì sử dụng không đúng mục đích mà nhiều dòng chữ ở chân bia đã bị mờ. Đến nay, sau mỗi lần kể lại con cháu dòng họ đều cùng cảm giác tiếc nuối. Nếu thực sự hiểu biết thì chắc chắn họ sẽ trân trọng và tìm cách giữ gìn di tích của cha ông để lại.

Là người rất tâm huyết trong việc đưa bia Văn chỉ huyện Đông Sơn cũ (nay thuộc huyện Đông Sơn và một số xã của huyện Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa) thờ 47 vị đại khoa, tiêu biểu như Trạng nguyên Đào Tiêu, Lê Quát; Bảng nhãn Lê Văn Hưu..., ông Nguyễn Xuân Văn cho biết: Bia văn chỉ được dựng từ năm 1904, đến nay, sau nhiều lần di chuyển “vòng quanh” từ khu văn chỉ, sang chùa Hương Nghiêm, rồi lại quay về khu văn chỉ. Cùng với sự hảo tâm của nhiều người, sau một thời gian dài nằm chỏng chơ ở khu phế tích văn chỉ, tấm bia đã được ông Văn và một số người cho dựng lại, làm mái che trên nền cũ, (hiện ở thôn 4, xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa). Tuy vậy, sau rất nhiều lần bà con Nhân dân đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh, đến nay họ vẫn tiếp tục chờ và đợi.

Không phải tấm bia nào cũng “may mắn” được một số người quan tâm dựng lên và đề nghị xếp hạng di tích như bia Văn chỉ huyện Đông Sơn cũ. Từ sau câu chuyện các tấm bia ma nhai khắc trên vách đá ở chùa Quan Thánh (phường An Hưng, TP Thanh Hóa) bị tô vẽ lại, thậm chí bị khoan trực tiếp vào bia, khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Để bảo vệ được những tấm bia này, ông Phạm Tấn, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết: Trước khi xếp hạng bia thì điều bức thiết nhất hiện nay là phải có nhà che bia. Còn có quá nhiều tấm bia đang được để ngoài trời, theo thời gian bia đá cũng phải mòn. Dù hiện nay chúng ta đã có hầu hết các thác bản quan trọng, nhưng nếu không bảo vệ, những tấm bia chỉ là cái xác không hồn, bởi các con chữ đã mờ nhoẹt theo thời gian.

Còn TS. Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết: Để phát huy các giá trị của bia ký, việc sưu tầm là hết sức cần thiết vừa thuận tiện cho việc dịch và dập văn bia. Nếu không thu thập lại, đến một lúc nào đó do ý thức và sự hiểu biết của con người, những tấm bia bị hỏng chúng ta sẽ mất đi nguồn tư liệu quý, điều này gây khó khăn cho hậu thế trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa. Đặc biệt là các văn bia hiện đang ở trong các gia đình, dòng họ.

Chúng ta, lớp hậu thế ngày nay, vẫn còn nhớ câu chuyện về Lê Trung Nghĩa - người làng Tu, thôn Nhuệ thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn - nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa đã giữ đến chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công thời Lê Trung Hưng (hay còn gọi là Quận Mãn). Đích thân ông đã cho xây dựng khu mộ của mình trên đất quê hương, trong đó có 4 bia đá lớn bằng chữ Hán. Mỗi tấm cao khoảng 2 m, rộng 1,2 m, dày 0,15 m, diềm và trán bia có nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo, được liệt vào loại bia đá đẹp nhất nhì ở xứ Thanh. Bia ghi lại tiểu sử Mãn Quận công và tên các làng cúng tế, do Lê Quý Thuần, con trai Lê Quý Đôn soạn.

Ông Tạ Đức Đại (72 tuổi), hậu duệ đời thứ 21 của Tạ Tôn Đài cho biết: “Hiện nay con cháu họ Tạ chỉ còn có 3 hộ gia đình đang sinh sống ở thôn Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Hàng tháng, cứ ngày rằm mùng một, chúng tôi ra mộ cụ Tạ Tôn Đài quét dọn. Nếu không có nhiều đoàn nghiên cứu, nhiều người về gia đình tìm hiểu thân thế cụ, dập bia, lớp hậu duệ chúng tôi có lẽ còn chưa thực sự hiểu đúng giá trị lịch sử của di tích bia mộ và cuộc đời cụ Tạ Tôn Đài, một con người trí dũng song toàn một thuở phù Lê nên nghiệp lớn. Năm 2012, con cháu xa gần mới đóng góp dựng lại đền thờ và đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh”.

Quả thật, nguồn sử liệu gốc ngoài các bộ chính sử, văn bia chính là nguồn tài liệu hết sức có giá trị, bổ sung cho chính sử. Mỗi văn bia là một câu chuyện, một cuộc đời con người, là lịch sử một vùng đất, một giai đoạn xã hội, vì thế nếu hậu thế không có một thái độ ứng xử tốt, chắc chắn bia đá sẽ mòn, và chúng ta sẽ mất đi những câu chuyện, những tư liệu lịch sử quý giá.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]