(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt từ ngàn xưa, nhằm chuẩn bị tâm thế và cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Vậy nhưng, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ quay trở lại với những diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm đầu năm khiến cho mùa lễ hội không thể rộn ràng như thường lệ. Song, một số người vẫn đi lễ, và phần đa đều có ý thức bảo đảm an toàn phòng dịch...

Đi lễ mùa COVID-19 thứ 2

Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt từ ngàn xưa, nhằm chuẩn bị tâm thế và cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Vậy nhưng, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ quay trở lại với những diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm đầu năm khiến cho mùa lễ hội không thể rộn ràng như thường lệ. Song, một số người vẫn đi lễ, và phần đa đều có ý thức bảo đảm an toàn phòng dịch...

Đi lễ mùa COVID-19 thứ 2

Nhiều người dân đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong mùa lễ năm nay. Ảnh: Đăng Văn

Bảo đảm an toàn phòng dịch

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khiến con người phải thay đổi thói quen và cả những nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Mùa lễ hội đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh cũng đi vào trạng thái phòng, chống dịch bệnh xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ ngày 5-2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 462/SVHTTDL-NSVHGĐ quyết định về việc tạm dừng các hoạt động lễ hội, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng loạt các lễ hội truyền thống đã dừng tổ chức, như: lễ hội đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội đền Cửa Đạt (Thường Xuân)...

Di tích quốc gia đặc biệt Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) gồm các di tích: núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên... được biết đến là điểm dừng chân trong hành trình “lên rừng xuống biển” của không chỉ người dân xứ Thanh. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, sau giao thừa Tết Tân Sửu, ban quản lý di tích đã thực hiện đóng cửa không đón khách. Việc đón khách trở lại được bắt đầu từ ngày mùng 4 tết và thực hiện nghiêm quy định “5k” của Bộ Y tế. Bà Cao Thị Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn, cho biết: “So với cùng thời điểm những năm chưa có dịch, lượng khách về Di tích quốc gia đặc biệt Sầm Sơn đầu năm nay giảm khoảng 70%”.

Tương tự, danh thắng chùa Thông - động Hồ Công trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc là điểm đến hấp dẫn du khách về dâng hương vãn cảnh mỗi dịp đầu xuân. Tại đây còn có lễ hội “Mở cổng trời” diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng, thu hút rất đông Nhân dân, phật tử cùng khách thập phương tham gia. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống tại đây năm nay đã không diễn ra như lệ thường. Cùng việc thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Sư cô Thích Đàm Hải, trụ trì chùa Thông chia sẻ: “Sau 26 năm gắn bó và làm trụ trì chùa Thông thì đây là năm đầu tiên vào dịp đầu xuân di tích lại vắng khách ghé thăm đến vậy. Do không tổ chức lễ hội truyền thống nên lượng khách đến chùa đi lễ dịp đầu xuân so với cùng thời điểm những năm chưa có dịch bệnh giảm đến 90%”. Điều này có nghĩa, người dân đã nhận thức được trách nhiệm, cùng chung sức, đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống

Để vượt qua đại dịch COVID-19, việc phải thay đổi một số thói quen, nhu cầu trong cuộc sống thực sự là điều cần thiết với mỗi người. Từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, ban quản lý di tích, cơ sở tín ngưỡng đã có không ít sự tiết chế, thay đổi, nhưng không phải là “cắt đứt” nhu cầu. Người dân vẫn cứ đi lễ, được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh theo những cách khác nhau. Và nếu nhìn ở chiều hướng tích cực, sự “giãn cách” để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng là cơ hội để tự thân mỗi người nhìn lại việc tham gia lễ hội. Thế nên, câu chuyện người dân tham gia lễ hội đang dần thay đổi tích cực. Những nghi lễ cầu cúng, lễ vật dâng lên bậc thánh thần đến lời nguyện cầu cũng khác xưa, văn minh và tiết kiệm. Đền, chùa mùa COVID-19 đã vắng tiếng “khấn to như họp chợ”, nhốn nháo, xô bồ, bừa bộn rác thải... Tuy vậy, vẫn còn hình ảnh năm bảy người túm năm tụm ba khấn vái, lác đác có người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách... Rõ ràng, tâm lý chủ quan của một số người tham gia lễ hội vẫn còn.

Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và tính cộng đồng được hiểu như yếu tố không thể thay đổi của lễ hội truyền thống, biểu thị cho sức mạnh, tinh thần dân tộc. Vậy nhưng, nhớ lại hình ảnh tranh, cướp “lộc” ở không hiếm lễ hội lớn, nhỏ xảy ra những năm về trước, liệu có thể nói đó là nét đẹp truyền thống? Rồi câu chuyện lãng phí, phân tầng giàu nghèo, sự ganh đua, quan niệm “kim tiền”... khiến cho nhiều lễ hội trở nên méo mó, che lấp giá trị vốn có. Và khi giá trị vật chất “lên ngôi” sẽ thật khó tránh khỏi việc ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội bị ảnh hưởng.

Trao đổi về những bất cập, hạn chế của nhiều lễ hội, TS Hoàng Bá Tường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho rằng: “Bên cạnh nguyên do từ ý thức người dân thì còn cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, di tích diễn ra lễ hội. Trong đó, việc để “những mối lợi” chi phối là nguyên nhân làm mất đi giá trị thực sự của tín ngưỡng tâm linh trong lễ hội hiện nay. Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng, đó sẽ không thể là câu chuyện của việc chỉ kêu gọi người dân nâng cao ý thức”.

Rồi đây đại dịch COVID-19 đi qua, cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường. Lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng tâm linh cũng quay lại như vốn dĩ. Và khi ấy, những hình ảnh phản cảm, tồn tại hạn chế ở nhiều lễ hội “tạm lắng” trong khoảng thời gian chống dịch COVID-19 liệu có tiếp tục “sống lại”? Lễ hội là của Nhân dân, được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân. Bảo tồn, phát huy giá trị, nét đẹp lễ hội sẽ không thể thực hiện nếu tách rời khỏi người dân, cộng đồng. Vậy nên sự định hướng, vào cuộc cần thiết của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp trong việc ngăn chặn hành vi phản cảm, trục lợi lễ hội, tâm linh là điều cần thiết.

Nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử Phan Bảo: “Nhiều người hiện nay đi lễ, đi chùa, đền mà không tìm hiểu. Việc cầu xin tài lộc chỉ nên thực hiện ở cửa thánh (đền, phủ), còn đến chùa là để cho tâm thanh tịnh, an nhiên. Nếu hiểu đạo phật thì không nên đến chùa để cầu xin, bày tỏ ham muốn vật chất”.

An Yên


An Yên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]