(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghè Đại Bái tọa lạc trên thửa đất bằng phẳng, cao ráo, nhìn về hướng Nam, thuộc thôn Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa - một huyện nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, trên hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Chu: phía Bắc giáp huyện Yên Định; phía Tây giáp huyện Thọ Xuân; phía Nam và Tây Nam giáp các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn; phía Đông - Đông Nam giáp huyện Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Huyện Thiệu Hóa hiện có 28 xã và 1 thị trấn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nghè Đại Bái

Nghè Đại Bái tọa lạc trên thửa đất bằng phẳng, cao ráo, nhìn về hướng Nam, thuộc thôn Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa - một huyện nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, trên hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Chu: phía Bắc giáp huyện Yên Định; phía Tây giáp huyện Thọ Xuân; phía Nam và Tây Nam giáp các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn; phía Đông - Đông Nam giáp huyện Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa. Huyện Thiệu Hóa hiện có 28 xã và 1 thị trấn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nghè Đại BáiNghè Đại Bái. Ảnh: Trần Đàm

Địa bàn xã Thiệu Giao hiện nay gồm 2 làng Đại Bái và Bái Giao. Từ TP Thanh Hóa đi theo hướng Tây trên trục Quốc lộ 45 khoảng 11 km đến địa phận xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, rẽ phải theo tuyến đường liên xã chừng 3 km là đến UBND xã Thiệu Giao. Nghè Đại Bái nằm ở trung tâm xã.

Sách Thanh Hóa chư thần lục, biên tập niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903), bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội cho biết: Làng Đại Bái (Đại Bối xưa) thờ 5 nhân vật là Cao Các Thượng Đẳng thần, Long Uyên tôn thần, Tiến sĩ Hoàng phủ quân tôn thần (tên thật Hoàng Doãn Vũ, người làng sinh năm 1475, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn - 1508 đời vua Lê Uy Mục), Hình bộ Thượng thư Lê phủ quân tôn thần (tên thật Lê Văn Hiển, người làng, cũng đỗ tiến sĩ năm 1508) và Tuấn Lương thần quân tôn thần.

Qua khảo sát trực tiếp tại địa phương, căn cứ theo bài vị, bát hương, nhân vật chính được thờ ở nghè là Cao Các Thượng Đẳng thần; ba nhân vật: Long Uyên tôn thần, Tiến sĩ Hoàng phủ quân tôn thần, Hình bộ Thượng thư Lê phủ quân tôn thần được dân làng lập một bát hương thờ ban phía dưới thần Cao Các (gọi là bát hương hội đồng)… còn nhân vật Tuấn Lương tôn thần đang được thờ tại dòng họ (không thờ ở nghè).

Về nhân vật Cao Các Thượng Đẳng thần, sách Thanh Hóa chư thần lục ghi chép như sau: Từ xưa truyền lại rằng ở xứ Hàm Long Nguyên tại xã Đại Trung thường có đám mây đỏ hiện ra. Người ta nhìn thấy trong đám mây có một người mặc áo vàng, tay cầm một cái nỏ nói rằng: Ta là Cao Các làm đại tướng của Thục An Dương Vương. Ta thường dùng nỏ này để đánh giặc thành công. Thượng đế cho ta làm đế thống tướng cai quản núi sông. Các đời đều có phong tặng làng Đại Bái là làng duy nhất của huyện Thụy Nguyên xưa thờ thần.

Căn cứ vào thượng lương ở nghè, chúng ta biết: nghè được dựng vào năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái (1895), được tu bổ lại vào những ngày tháng cuối cùng của đời vua Bảo Đại (1945).

Nghè được cấu trúc theo thứ tự sau: cổng, bình phong, nghinh môn, sân, nhà tiền đường. Tổng thể nhà tiền đường có 28 cột gỗ, gồm 10 cột cái, 12 cột quân, 6 cột hiên, vì 3 và vì 4 trốn 2 cột cái trước. Nghè gồm 5 gian, 6 vì kèo gỗ, mỗi vì có 5 cột có kết cấu cân đối, được liên kết với nhau theo kiểu giá chiêng, chồng rường, kẻ hiên, bẩy sau.

Nghè Đại Bái được nghệ nhân chạm khắc các mảng trang trí ở tất cả các cấu kiện trong công trình nhưng chú trọng hơn là các mảng chạm ở hệ thống bức cốn, kẻ hiên. Đề tài trang trí chủ yếu hoa, lá cúc cách điệu… Ngoài ra, còn thể hiện tả thực ở các bức chạm mộc mạc, sinh động như hình chim phượng; cảnh chim, thú, cá, cua, rùa bơi lội tung tăng trong hồ nước.

Nghè Đại Bái có nét đặc trưng điêu khắc gỗ. Hệ thống chạm lộng, chạm bong, chạm nổi nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều chủ đề với sự cường điệu về khối, hình nét làm cho hệ thống khung gỗ trở nên sinh động, hệ thống các vì có mảng kiến trúc giống nhau với nhiều đề tài phản ánh tâm thức nông nghiệp toát lên ý tưởng của người nghệ sĩ. Các vì chia gian nghệ nhân chú ý chạm khắc ở những nơi thoáng mát kỹ thuật chạm lộng, chạm bong, chạm nổi tạo ra các hình trang trí nhiều tầng, nhiều lớp từ thân gỗ.

Các mảng chạm dày đặc trên tất cả thành phần của kiến trúc ở bên trong cũng như bên ngoài trên 6 vì kèo. Những hình rồng, phượng, ngựa, rùa, chim, sóc, cá chép nô đùa trong một không gian sinh tụ hình lá sen, chim sẻ, cây...

Như đã nói, nghè Đại Bái là nơi thờ Cao Các Thượng Đẳng thần; phối thờ Long Uyên tôn thần, Tiến sĩ Hoàng phủ quân tôn thần, Hình bộ Thượng thư Lê phủ quân tôn thần. Người dân làng Đại Bái tôn sùng thần Cao Các, đặt niềm tin vào vị thần cai quản xứ Hàm Long Xuyên vốn xuất thân là một bộ tướng của Thục Phán An Dương Vương. Sinh thời, Cao Các làm tướng đánh giặc, sau khi qua đời, hóa làm thần bảo vệ núi sông. Vì vậy, Cao Các được Nhân dân trong làng tôn thờ làm Phúc thần của làng, phù hộ cho bà con quanh năm được mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng phong đăng hòa cốc.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nghè Đại BáiCác họa tiết được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Trần Đàm

Di tích nghè Đại Bái quy mô không lớn, được chạm trổ các đề tài truyền thống như: long, ly, quy, phượng, cá, cua, chim, sóc, lân, tùng, trúc, mai…; lấy lá cúc làm đề tài chính - chúng ta vẫn thường gặp ở các công trình tín ngưỡng tôn giáo. Có điều, kỹ thuật kiến trúc, chạm khắc ở trên các cấu kiện của nghè được thể hiện một cách tinh xảo, bố cục hài hòa, hợp lý, thể hiện một cuộc sống tươi vui, thoải mái, khoáng đạt của nghệ nhân xưa ở làng quê Việt Nam.

Nằm giữa không gian của một làng quê cổ kính, có bề dày lịch sử và văn hóa hàng trăm năm, cùng với một quần thể di tích: đền thờ Hoàng giáp Thượng thư Lê Văn Hiển; đền thờ Lê Khắc Tháo; nhà thờ họ Lê Minh…, nghè Đại Bái - nơi thờ thần núi Cao Các gắn liền với những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã - có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch.

Từ xưa, hàng năm Nhân dân làng Đại Bái và khách thập phương vẫn tổ chức các kỳ tế lễ tại nghè vào ngày 10-3 và 10-9 âm lịch. Bốn vị thần này được dân làng tổ chức rước kiệu từ các nghè thờ Long Uyên tôn thần, nghè thờ Tiến sĩ Hoàng phủ quân tôn thần, nghè thờ Hình bộ Thượng thư Lê phủ quân tôn thần về nghè Đại Bái để tế lễ. Tế lễ xong một ngày một đêm, sáng hôm sau rước về nơi cũ. Làng Đại Bái có mười giáp, cứ mỗi năm hai kỳ tế lễ chia cho hai giáp đăng cai. Mỗi một giáp đăng cai phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nội dung tế lễ. Từ sau năm 1945, việc tế lễ nơi đây dần mờ nhạt, các hoạt động chỉ diễn ra ở nghè vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng.

Gần đây nhất, sau một thời gian tu bổ, tôn tạo, UBND xã Thiệu Giao đã tổ chức lễ khánh thành nghè Đại Bái vào đúng dịp tế lễ mùa thu (tháng 10-2022). Bà con trong vùng và cả những người bao năm xa quê, lập nghiệp nơi xứ người nô nức về dự hội. Theo ông Lê Đăng Cường, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao thì việc làm của địa phương không chỉ thể hiện sự tri ân công đức đối với tiền nhân mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân và góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]