(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu kể tên những ngôi đình cổ bề thế ở xứ Thanh, không thể không nhắc đến đình Động Bồng ở xã Hà Tiến (Hà Trung). Đặc biệt, tại di tích còn duy trì tục “đốt đình liệu” - mỹ tục độc đáo của Nhân dân địa phương diễn ra vào thời khắc giao thừa, đón chào năm mới.

Đình Động Bồng và mỹ tục “Đốt đình liệu”

Nếu kể tên những ngôi đình cổ bề thế ở xứ Thanh, không thể không nhắc đến đình Động Bồng ở xã Hà Tiến (Hà Trung). Đặc biệt, tại di tích còn duy trì tục “đốt đình liệu” - mỹ tục độc đáo của Nhân dân địa phương diễn ra vào thời khắc giao thừa, đón chào năm mới.

Đình Động Bồng và mỹ tục “Đốt đình liệu”Giữa khung cảnh làng quê thanh bình, đình Động Bồng như một điểm nhấn văn hóa giàu giá trị.

Bề thế ngôi đình cổ

Làng Động Bồng, xã Hà Tiến có núi Chung Sơn - Tượng Sơn che chắn ở phía trước, lại có dòng Tống Giang chảy quanh... tạo nên khung cảnh như chốn bồng lai. Và người dân tin rằng, bởi từ cảnh sắc sơn kỳ thủy tú mà cha ông xưa đã đặt tên cho làng là Động Bồng.

Từ thời Lý, Động Bồng đã là vùng đất trù mật, tốt tươi. Theo Lịch sử Thanh Hóa tập 2 (NXB Khoa học xã hội, năm 1994), truyền thuyết về thần tích ở đền “Chính Từ” xã Hà Giang ngày nay (xưa thuộc Động Bồng), đều chép rằng: “Quãng đời niên thiếu, Tô Hiến Thành sống ở Thanh Hóa và cha ông làm quan nhà Lý, được cử vào vùng Hà Trung. Trên vùng đất Hà Giang ngày nay cha mẹ Tô Hiến Thành chọn làm nơi ở và sinh ra ông”.

Đến thời Trần, vua Trần Anh Tông khi đi “kinh lý” phương Nam đã từng dừng chân tại đây. Vào thời Lê, vua Lê Thánh Tông - vị vua nổi tiếng với tài thơ phú khi qua đất Động Bồng cũng để lại bài thơ ca ngợi cảnh đẹp núi sông trên vách núi Chung Sơn. Trong cuộc tiến công thần tốc ra phía Bắc, Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng đoàn binh hùng tướng mạnh đã vượt qua vùng đất Động Bồng để lập nên “phòng tuyến Tam Điệp” đi vào lịch sử. Vào thời Nguyễn, Động Bồng lại trở thành hậu phương vững chắc cho phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa... Năm tháng qua đi, trở về Động Bồng hôm nay, còn đó những dấu tích văn hóa - lịch sử đã được tiền nhân tạo dựng. Trong đó, đình Động Bồng là một di tích tiêu biểu cho đôi bàn tay, khối óc và sự tài hoa của người xưa.

Căn cứ tài liệu khắc trên thượng lương, đình Động Bồng được khởi dựng vào thời Nguyễn, năm Gia Long thứ 10 (1812) với cấu trúc theo kiểu chuôi vồ (tiền đường, hậu cung), nhưng đến nay chỉ còn nhà tiền đường. Nhà tiền đường 5 gian, 2 chái, diện tích sử dụng lên đến 480m2, phía trước còn là sân đình rộng lớn... Với quy mô cấu trúc này, đình Động Bồng là một trong những ngôi đình có diện tích lớn bậc nhất còn hiện hữu ở xứ Thanh.

Nhà tiền đường có 36 cột lớn, nhỏ, cùng với một số cột đá... Kiến trúc đình theo kiểu mái cong lợp ngói mũi hài mềm mại và thanh thoát. Trên bờ nóc, bờ giải, đầu kìm của mái cong được trang trí các con vật (sấu, đầu rồng...) vừa đẹp đẽ, lại uy nghiêm.

So với nhiều di tích cùng thời, đình Động Bồng không nổi bật bởi những mảng chạm khắc gỗ, nhưng với lối liên kết “chồng rường kẻ bẩy” với “con rường” được tạo tác giống nhau, “ăn mộng” vào những trụ đứng hình chiếc “độc bình”, không chỉ tạo sự đăng đối mà còn khỏe khoắn, chắc chắn. Kỹ thuật tạo dáng và quy mô kiến trúc bề thế của đình Động Bồng được các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một trong những công trình tiêu biểu về “kiến trúc địa phương” thời Nguyễn ở Thanh Hóa.

Từ khi khởi dựng, đình làng Động Bồng là nơi thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành - bậc đại quan văn võ toàn tài thời Lý. Bởi Nhân dân địa phương tin rằng, xưa kia thân sinh Tô Hiến Thành đã chọn vùng đất này làm nơi ở và sinh dưỡng ông trở thành một nhân vật lịch sử. Để rồi khi trưởng thành, làm quan trong triều, Tô Hiến Thành không chỉ nổi tiếng là người văn võ toàn tài, trung thành với triều đình, dốc lòng vì giang sơn, đất nước, không vì bạc vàng, danh lợi mà đánh mất tấm lòng trung. Nhận xét về Tô Hiến Thành, sách Đại Việt Sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội, năm 1972) còn ghi: Năm 1175, vua Lý lập Long Cán làm Thái tử, cho ông chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó, bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp Thái tử. Khi nhà vua ốm, sai ông ẵm Thái tử ra coi triều chính. Đến khi bệnh nặng, nhà vua có để lại tờ chiếu dặn ông giúp Thái tử, mọi công việc quốc gia đại sự đều giao cho ông xử đoán. Thái Hậu họ Lê muốn dựng Thái tử cũ là Long Xưởng, mới đem vàng bạc, ngọc ngà cho vợ ông. Ông nói rằng: “Ta là bậc đại thần, chịu mệnh kí thác giúp ấu chúa, nay nhận hối lộ mà bỏ người nọ, nhận người kia, còn mặt mũi nào mà trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng... Làm việc bất nghĩa mà được giầu sang, người trung thần nghĩa sĩ đâu lại muốn thế”. Khi vua Lý Cao Tông lên ngôi, thăng ông chức Thái úy, coi cấm việc binh, ông nghiêm hiệu lệnh, rõ thưởng phạt, trong nước đều mến phục.

Độc đáo mỹ tục “đốt đình liệu”

Không chỉ bề thế, đình Động Bồng còn là nơi Nhân dân địa phương duy trì mỹ tục đốt đình liệu (còn gọi là đốt đình hiệu - báo hiệu một năm mới đã đến) vô cùng độc đáo trong hàng trăm năm qua.

Hàng năm, vào độ tháng Chạp, tiết trời hanh heo, khô ráo, dân làng lại rủ nhau lên danh thắng núi Tượng Sơn lấy cây lè lè (họ tre, trúc), thân cây nhỏ, dẻo, có dầu về phơi khô. Sau ngày 23 tháng Chạp, dưới sự hướng dẫn của các cụ cao niên, trai tráng trong làng sẽ đem số cây lè lè đã phơi khô để đan tết thành hình con rồng với chiều dài 25m, đặt ở bên trong tòa đại đình, không được tùy tiện đến gần. Sau đó, vào chiều 30 tết, con rồng lại được di chuyển ra giữa sân đình, đầu vươn cao, thân hạ thấp. Vào thời khắc giao thừa, ở sân đình dân làng làm lễ kính cao trời đất, thần linh sông núi; bên trong hậu cung, các cụ cao niên làm lễ kính cáo Thành hoàng làng, xin phép rước lửa đốt đình liệu đón chào năm mới. Theo đó, lửa sẽ được lấy từ trong đình ra, châm đốt vào đầu rồng - đình liệu. Trong tiếng trống, tiếng hò reo phấn khích của dân làng, con rồng rực cháy như một bó đuốc khổng lồ mang theo ước vọng một năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Từ những bó đuốc nhỏ mang sẵn theo người từ trước, dân làng sẽ “xin lửa” từ đình liệu, mang về nhà kính cáo thổ công, gia tiên. Và lửa được mang xuống làm ấm căn bếp bằng việc nấu những món ăn đầu tiên của năm mới.

Anh Mai Văn Hòa, công chức Văn hóa xã hội xã Hà Tiến, cho biết: “Theo quan niệm của người dân địa phương, mỹ tục đốt đình liệu là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp Việt cổ. Sâu xa hơn, nó phản ánh tín ngưỡng thờ thần mặt trời - cùng niềm tin ánh sáng mặt trời sẽ xua tan đi tối tăm, u ám, giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở, cây trồng tốt tươi... Và dưới góc nhìn xã hội, mỹ tục đốt đình liệu còn giúp cho sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng được bền vững. Chính vì thế, trải qua thời gian với nhiều thay đổi, phát triển của cuộc sống song mỹ tục này vẫn được duy trì tại vùng đất Động Bồng”.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc, năm 2001, đình Động Bồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, trải qua thời gian với nhiều lần tu sửa, những năm gần đây, mái ngói có dấu hiệu bị tụt, khiến đình bị dột, ẩm ướt vào mùa mưa. Tình trạng này nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới kiến trúc gỗ của di tích. Vì vậy, di tích đang rất cần sự quan tâm, tôn tạo đúng mức của các cấp, ngành, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]