(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu nhìn vào triển lãm tranh “Tình biên viễn” người xem sẽ nghĩ đây là họa sĩ có nghề, có kinh nghiệm, biết nuôi dưỡng cảm xúc. Nhưng với họa sĩ “trẻ” Đỗ Quyên Hoa thì chỉ vì 2 năm phòng, chống COVID-19 mà chị đã có một triển lãm cá nhân và sự ái mộ của người yêu tranh.

Đỗ Quyên Hoa và “Tình biên viễn”

Nếu nhìn vào triển lãm tranh “Tình biên viễn” người xem sẽ nghĩ đây là họa sĩ có nghề, có kinh nghiệm, biết nuôi dưỡng cảm xúc. Nhưng với họa sĩ “trẻ” Đỗ Quyên Hoa thì chỉ vì 2 năm phòng, chống COVID-19 mà chị đã có một triển lãm cá nhân và sự ái mộ của người yêu tranh.

Đỗ Quyên Hoa và “Tình biên viễn”Tác phẩm “Dặm về” (chất liệu sơn dầu) tại triển lãm nhóm Gặp gỡ Hà Nội gây ấn tượng ngay lần đầu Đỗ Quyên Hoa xuất hiện.

Gọi họa sĩ “trẻ” để nói thời gian chị xuất hiện với tư cách họa sĩ thôi, chứ chị tên thật là Phan Thị Hoa, sinh năm 1967, ở TP Thanh Hóa, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Khoa Sinh, Đại học Sư phạm Vinh và có nhiều năm gắn bó với bục giảng.

Rồi cái máu yêu nghệ thuật, cái duyên với kim chỉ, rồi cả những giằng níu về sự thay đổi mà giữa năm 2017, Đỗ Quyên Hoa bắt đầu làm thời trang thêu tay. Chị chia sẻ: “Tôi có hứng thú với kim chỉ từ khi còn nhỏ. Lên 5 tuổi, tôi đã biết thùa khuyết, lớn hơn một chút thì theo mẹ học cắt may quần áo. Nhờ có mẹ chỉ dạy mà tôi đã có những kiến thức cơ bản về nghề may, đó cũng có thể xem như nền tảng để tôi phát triển công việc thiết kế thời trang như hiện tại”. Sau 5 năm, đến nay, thương hiệu thời trang thêu tay cao cấp Azalea của Đỗ Quyên Hoa phục vụ đối tượng khách hàng trung niên từ 40 tuổi trở lên định hình trong lòng người yêu thời trang với những nét thêu độc nhất trong mỗi tác phẩm. Tôi lấy chính hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người mà mình đã ghi được trên mọi nẻo đường đất nước để đưa lên những tà áo dài, vạt váy phụ nữ Việt Nam theo cách của mình. Ví dụ, những bông dẻ rừng, mộc miên, hoa dại cũng như những mảnh rừng lá vàng... đều có thể trở thành họa tiết cho trang phục.

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, chị là gương mặt được truyền thông quốc tế nhắc đến rất nhiều với sản phẩm khẩu trang thêu tay. Với hơn 300 mẫu khẩu trang thiết kế được trong 2 năm 2020-2021, các sản phẩm khẩu trang thêu tay của Đỗ Quyên Hoa đã được các hãng truyền thông lớn của thế giới như AP, AFP, ABC... đưa tin như một hiện tượng thời trang ứng dụng của Việt Nam. Mặc dù giá thành mỗi chiếc khẩu trang tương đối cao, dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/chiếc nhưng lại nhận được sự đón nhận của nhiều người tiêu dùng vì tính tiện dụng và thời trang đẹp mắt. Vì thế, sản phẩm khẩu trang thêu hoa đã vinh dự được UBND Hà Nội trao tặng giải Nhì “Cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020”.

Cũng trong 2 năm đó, Đỗ Quyên Hoa đã cho ra đời 40 bức tranh. Không ngẫu nhiên để có sự say mê ấy. Bởi, chị vốn là người say mê nhiếp ảnh. Chị từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước để thu lại cảnh đẹp vào ống kính, đặc biệt là nét đẹp phong cảnh, cuộc sống lao động và văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

“Nhiếp ảnh cho tôi cơ hội giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất, sống động nhất của núi rừng Tây Bắc sau mỗi chuyến đi. Tôi từng luồn bản nhiều ngày để thu nhận những khoảnh khắc đẹp, độc đáo, “không đụng hàng”, kết quả là hàng vạn bức ảnh ra đời”.

Trong 2 năm đại dịch COVID-19 mọi thứ như đóng băng với toàn xã hội thì chính là lúc chị quyết định vừa học vừa vẽ, mà lại là học trực tuyến. Chị chia sẻ: “Nếu chỉ chụp ảnh thôi thì chưa đủ để tôi đi đến tột cùng với niềm đam mê màu sắc. Tôi quyết định học vẽ và học hỏi quên ngày quên đêm”. Và chị dần đưa Tây Bắc trong trí nhớ của mình và cả nguồn tư liệu đồ sộ lấy từ các bức ảnh để sáng tạo trong tranh.

Trong tranh của Đỗ Quyên Hoa, núi rừng và nhất là con người Tây Bắc hiện ra rực sáng. Khi đem 2 bức tranh “Em vẫn tìm con chữ” và “Dặm về” đến tham dự triển lãm nhóm các nghệ sĩ xứ Thanh sống và làm việc tại thủ đô mang tên “Gặp gỡ Hà Nội”, Đỗ Quyên Hoa ngay lập tức nhận được những lời khen ngợi, động viên của các nhà chuyên môn. Với lối tư duy riêng về màu sắc, cách đặt vấn đề, tạo dựng bố cục, chị đã tạo nên một Tây Bắc rất Đỗ Quyên Hoa.

Sau những ngập ngừng ban đầu và không ít những háo hức, chị đã quyết định ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên có tên “Tình biên viễn” vào tháng 7-2022. Triển lãm “Tình biên viễn” với 39 bức tranh nhiều khổ, chất liệu sơn dầu và acrylic tập trung vào đề tài con người và thiên nhiên Tây Bắc. Trong đó nổi bật có thể kể tới các tác phẩm Đêm đông, Mùa hoa sở, Nắng ấm, Rét Tây Bắc, Bát cơm mùa mới, Dặm về, Mùa hoa cúc đá, Em vẫn tìm con chữ… Xem tranh của chị, người ta nhận ra tính cách nữ với sự ấm áp, nhân hậu qua hình ảnh lam lũ của người phụ nữ Tây Bắc, sự hồn nhiên đáng yêu của những đứa trẻ dù cuộc sống còn khắc nghiệt và khó khăn.

Đỗ Quyên Hoa và “Tình biên viễn”Họa sĩ Đỗ Quyên Hoa.

“Ánh mắt của những đứa trẻ, nhà sàn, mùa hoa sở, đường về và những con nắng say ngủ luôn làm tôi bồn chồn, rạo rực và đầy cảm hứng sáng tạo”. Tôi thích cách hòa sắc của chị, những gam màu nóng nhưng lại rất dễ chịu, lại khiến người ta cứ muốn ngắm nhìn mãi. Ngắm nhìn để nhớ về những cung đường Tây Bắc mình đã đi qua, nơi có những hàng rào uốn lượn ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ, những nương ngô, nương rau với những viên đá vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh. Những đứa trẻ trong trang phục người Mông sặc sỡ với chiếc khăn thổ cẩm. Nét mặt, hay không gian xung quanh đủ để nói lên những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao, nhưng nó vẫn khiến người ta thấy xúc động, thấy yêu, thấy thương…

Rõ ràng, xem tranh của chị, người ta nhận ngay ra cái khó khăn gian khổ của con người miền núi, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng người ta lại không thấy sự bi lụy, sự sầu thương. Ở đó là một tính lạc quan, là vẻ đẹp nguyên sơ và trong trẻo, nó khiến người ta suy ngẫm sâu sắc hơn về cái đẹp trong cuộc sống này.

Tay ngang mà ngang ngửa với những họa sĩ có nghề, có lẽ vì thế mà triển lãm “Tình biên viễn” được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao và thậm chí đã được đặt mua. Chị bảo, cùng với sự quyết tâm đi đến cùng của bản thân, sự công nhận của mọi người đã và đang giúp chị thêm tự tin bước đi trên con đường hội họa mình đã lựa chọn. Cũng chính triển lãm này, chị đã dành tặng 5.000 suất ăn cho học sinh nghèo bậc tiểu học Tây Bắc qua Quỹ Cơm có thịt.

Từ niềm đam mê thời trang dẫn dắt chị đến với hội họa, nhưng rồi chính hội họa lại bổ trợ làm phong phú, làm đẹp hơn cho những mẫu thiết kế thời trang của chị. Chị nói: “Khi tôi chưa đến với hội họa thì tôi làm thời trang, tôi design sắc màu không bằng bây giờ. Sau khi đến với hội họa thì những design về sắc màu của những mẫu thêu váy áo phong phú, hấp dẫn hơn nhiều. Khi đến với hội họa, hỏi thời trang có bổ trợ cho tôi không? Cũng có luôn! Đấy là những cái cơ bản khi tôi tiếp xúc với màu sắc”.

Đúng là chính cảnh sắc và con người các dân tộc miền biên viễn Tây Bắc đã là niềm cảm hứng để chị cầm cọ nhưng nếu không có tình yêu thực sự, không có niềm say mê với hội họa, chắc chắn sẽ chẳng thể có Đỗ Quyên Hoa với Tình biên viễn.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]