(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn học là biểu hiện của văn hóa, là tấm gương văn hóa. Đọc một tác phẩm văn học ta tìm thấy hình ảnh văn hóa sở tại, địa phương, đất nước, dân tộc nơi khơi nguồn cho những sáng tác đó, qua ngòi bút nhà văn. Văn học Thanh Hóa với văn hóa Thanh Hóa cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đôi nét về văn hóa trong văn học xứ Thanh

Văn học là biểu hiện của văn hóa, là tấm gương văn hóa. Đọc một tác phẩm văn học ta tìm thấy hình ảnh văn hóa sở tại, địa phương, đất nước, dân tộc nơi khơi nguồn cho những sáng tác đó, qua ngòi bút nhà văn. Văn học Thanh Hóa với văn hóa Thanh Hóa cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Một hồn Mường của Hà Thị Cẩm Anh với ngút ngát núi rừng trong “Một nửa của người đàn bà”, một Sông Mã của Huy Trụ với “Một câu nói cũng nửa rừng, nửa biển/ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến”, một Lê Quang Sinh với khúc bi tráng Xin làng trồng lại cây đa vẫn hoang dã, vắt trong “Sông Mã ơi tạc giữa trời xanh/ Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng”, một Văn Đắc tha thiết, tự hào với quê hương “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”, một Vương Anh tha thẩn với Mường đêm mà buông hết theo tiếng cồng, câu xường giã bạn “Bộ Cồng, giàn Chiêng chao cánh nắng/ Ai tìm ai bìu ríu vạt trăng non”, một Vũ Thị Khương đa đoan với Viếng Bình Khương mà trước thành đá ngàn năm cứ hỏi những gì không hỏi nữa “Bình Khương hỡi, sáu trăm năm trước?/ Tiếng oan khiến đá cũng mềm lòng...”... Tác phẩm văn học dẫn ta đi đến mọi cung bậc, mạch nguồn của văn hóa, lý giải những bi kịch, những vận động đồng thời cũng phát lộ bí mật, những trầm tích kết tinh của văn hóa.

Văn học chẳng những là một bộ phận cấu thành của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và lưu giữ văn hóa. Tính cách, văn hóa con người xứ Thanh vì thế cũng mang đậm dấu ấn qua các hình tượng văn học của các nhà văn Việt Nam nói chung và nhà văn xứ Thanh nói riêng như tính bộc trực, cứng cỏi, hào sảng, tự tin mang dấu ấn của lòng tự tôn, của cách “nói trạng”. Họ không những không ngần ngại va đụng, giấu diếm mà còn biết cách làm cho nó sáng lên, mang tính phổ quát tính cách quê mình: “Yêu thích nói đùa ghét ưa nói thật/ Răng, rứa, mô, tê, cũng vào dân ca” (Dô tả dô tà - Mạnh Lê).

Ở đâu có cuộc sống con người ở đó có văn hóa. Giá trị thẩm mỹ được đo bằng khát vọng về một cuộc sống văn hoá, trong đó chân, thiện, mỹ được thể hiện. Với ý nghĩa đó văn học xây dựng những mô hình văn hóa hoàn chỉnh nhất, tinh vi nhất trong cuộc sống chung cũng như trong cuộc sống riêng. Hình ảnh người bà trong Đò Lèn của Nguyễn Duy hiện lên với đầy đủ các yếu tố mang giá trị nhân văn của văn hóa “Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực/Giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần”; CâyRau mácủa Trịnh Anh Đạt là sắc thái con người xứ Thanh “ Cứ xanh rười rượi với đời/Cứ chia sẻ tất cho người cháo rau”, rồi dấu ấn trầm tích của văn hóa trong Trường ca Tây Đô củaVăn Đắc, Cánh đồng nhiều hướng gió, hay Giải mã của Nguyễn Minh Khiêm là những nốt trầm, nốt bổng về văn hóa, con người xứ Thanh mà ngôn ngữ dựng nên vóc dáng hình hài xứ sở, một Lâm Bằng với Trường ca Đò Lèn, Mưa dắt ngang chiều mà thấm lịch sử, mà len lỏi vào từng nết ăn, nết ở, cách ứng xử mà nâng niu gìn giữ cái nồng đượm của vôi, cái cay ấm của trầu... Ngoài ra văn học với chức năng là mặt trận, bảo vệ văn hóa, đấu tranh với các loại văn hóa phi văn hóa, văn hóa ngược với truyền thống đó cũng là hành trình đi đến với văn hóa. Ví như một Cõi người, hay mới nhất là Tuyển tập (gồm 5 tập) của Từ Nguyên Tĩnh với bao số phận, đi qua những thăng trầm với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống hiện tại, chiến tranh và hòa bình, số phận và bản lĩnh con người, cách mạng xã hội và quan hệ cá nhân, nông thôn và thành thị, truyền thống và hiện đại, vật chất và tâm linh... những chạm khắc lấp lánh của văn học với văn hóa.

Văn hóa tác động đến văn học không chỉ ở đề tài hay cách sắp đặt của ý thức mà là toàn bộ hoạt động sáng tạo của nhà văn và sự tiếp nhận của bạn đọc. Bản thân nhà văn với thế giới sáng tạo nghệ thuật của mình là một sản phẩm văn hóa. Người đọc chờ đợi một chân trời giá trị thẩm mỹ khi hướng về tác phẩm được đào luyện, bồi đắp thị hiếu vượt trội trong một môi trường văn hóa nhất định. Chính không gian văn hóa đó giúp nhà văn tạo dựng, thể hiện chủ đề, kết cấu câu chuyện, xây dựng nhân vật, cân nhắc các thủ pháp nghệ thuật để đạt đến giá trị mang tính phổ quát. Văn hóa chính là thước đo, là thang bậc phản ánh trình độ văn hóa của nhà văn trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Lấy việc sáng tạo, biểu hiện của con người làm trung tâm, văn học đảm nhận vai trò sáng tạo những mô hình nhân cách con người. Đây chính là tính cách nêu gương của văn học. Bám sát hiện thực cuộc sống tại địa phương, các cây bút xứ Thanh đã tái hiện một xứ Thanh kiên cường trong kháng chiến vệ quốc, một xứ Thanh trong hòa bình cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, một xứ Thanh đổi mới với bao xung lực và những bộn bề. Đó là Đi bước nữacủa Nguyễn Thế Phương; Con dao bầu của Nguyễn Ngọc Liễn; Mặt trận đường sôngcủa Trần Hiệp, Những ngôi sao xa xôi, Nhiệt đới gió mùacủa Lê Minh Khuê...

Văn hóa là một hiện tượng lịch sử có yếu tố tạm thời, nằm ở bề mặt, ở phương diện tĩnh văn hóa là hệ thống các kiến thức sinh tồn mà lịch sử đã sáng tạo làm cho cuộc sống trật tự, ổn định. Ở phương diện động, văn hóa cũng không bao giờ chấp nhận sự ngưng đọng, đó là quá trình “người hóa” tự nhiên, “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”.

Ở phương diện động của văn hoá, văn học là nhân tố tiêu biểu. Trung, hiếu, lễ, nghĩa là những phạm trù văn hóa lâu đời. Như vậy, ngay trong các giá trị văn hóa vốn đã tồn tại nhiều mặt trái, mà mọi hoạt động của văn học có vai trò thẩm định, phê phán,điều chỉnh văn hóa, giúp nhận diện cái cũ, cái thái quá, cái bất cập, cái méo mó của đời sống văn hóa. Với Cái đêm hôm ấy... đêm gì?,Chìm thuyền trên cạncủa Phùng Gia Lộc; Kiều Vượng với Ngã tư nhức nhối, Bão không có gió; Nguyễn Văn Đệ với Vàng dưới biển xanh, Một chuyến đi biển, Đảng viên làng tôi, Khúc sông chảy xiếtv.v... mang hàm nghĩa đó.Và không thể không kể đến các cây viết mà tác phẩm đang nở rộ trên văn đàn cả nước và xứ Thanh đương đại: Lâm Bằng, Đinh Ngọc Diệp, Trịnh Anh Đạt, Hải Minh, Trịnh Ngọc Dự, Hoàng Quốc Cảnh, Nguyễn Xuân Nha, Phạm Khang, Phạm Thị Kim Khánh, Mai Hương, Quách Lan Anh, Đinh Thị Hường... Có thể nói văn học xứ Thanh đã đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa xã hội tại địa phương.

Văn học là biểu hiện của cái tôi của nhà văn, thông qua văn học tư duy vùng miền của họ hiện lên rất rõ rệt. Một Cẩm Hươngvới Sóng lừng, Quyền làm mẹ, Nhặt vợ... ôm cả vào lòng phố thị để rồi trải lòng cùng nhân thế; một Viên Lan Anh không ngại bão giông, nắng nỏ, ngụp lặn mưu sinh trong Tiếng cuốc gọi bầy, Chuột vu quykhông phải vì bát cơm manh áo, mà vì văn hóa; một Ngân Hằng mới mẻ, sâu đằm trong Chuông chùa đồng vọngkhông chỉ để ngẫm ngợi về thế thái, nhân tình mà còn bung tỏa sự giàu có mang yếu tố nhân văn, văn hóa... Còn nhiều cây viết trẻ cũng đang cố gắng trên từng trang viết, học anh, học chị mà làm nên nét văn hóa mới.

Văn học có vai trò lựa chọn văn hóa, văn học cung cấp cho văn hóa một sự lựa chọn từ phía đời sống, từ nhu cầu làm giàu đời sống tâm hồn và trí tuệ, chứ không chỉ là từ lập trường chính trị. Hiện nay văn hóa đối thoại là rất cần thiết cho sự nhân lên những giá trị tốt đẹp, xứng đáng văn học là sự kết hợp của ba thành tố “chân, thiện, mỹ” mà nâng niu, gìn giữ, phát huy. Làm được điều đó cũng có nghĩa là văn học đã đấu tranh bảo vệ cái đẹp của văn hóa,vì văn hóa. Nhìn chung văn học Việt Nam nói chung và văn học Thanh Hóa nói riêng gần đây tính đối thoại bị chìm lấp, văn hóa bốc thơm đang có cơ hội phát triển dẫn đến tính kết nối giữa văn học và văn hóa thiếu đi tính dẫn truyền.

Chưa bao giờ vấn đề văn hóa lại được đặt ra cấp bách như hôm nay. Cũng như chưa bao giờ đòi hỏi văn học sự nhận diệnđể trả lại cho văn hóa những giá trị cốt lõi như bây giờ. Văn học vừa có chức năng thẩm mỹ lại vừa có chức năng giáo dục, rất cần có những tác phẩm lay động lòng người để nêu gương.

Lựa chọn cái gì? Đó là câu hỏi khó! Có những người đi đến tận cùng cuộc đời vẫn tiếc nuối về sự lựa chọn, nhà văn đi tận cùng sự chiêm nghiệm vẫn chưa thỏa mãn sự lựa chọn. Một hướng đi đúng bao giờ có tác dụng bung nở tư duy, phát huy sáng tạo. “Sự lựa chọn văn hóa cũng là văn hoá. Văn học có chỗ đứng riêng là sáng tạo cuộc sống theo quy luật của cái đẹp, theo nhu cầu hài hòa của cuộc sống con người. Nói cách khác, văn học luôn có một mối quan hệ với mọi lĩnh vực khác nhau của văn hóa. Tác phẩm văn học là một sản phẩm của văn hóa và như vậy, nhà văn đích thực là một nhà hoạt động văn hóa, cũng có nghĩa người đọc là người thụ hưởng văn hóa. Trong thời đại ngày nay, đa số các quốc gia đều là xã hội đa văn hóa, văn học vì vậy cũng đa dạng như văn hóa. Chính sách đối với văn học là một phần của chính sách đối với văn hóa”. Về vấn đề này, Thanh Hóa đã có những chính sách khuyến khích có phần đi trước cả nước. Ví dụ: Khi một tác giả trong tỉnh được giải thưởng Trung ương, về tỉnh sẽ được tặng Bằng khen và thêm nửa giá trị giải thưởng.

Đi đến tận cùng của văn hóa sẽ gặp dân tộc, đi tận cùng văn hóa sẽ gặp nhân loại và đi đến tận cùng của văn hóa cũng sẽ gặp quê hương, con người, văn hóa xứ mình. Cái cách lý giải ấy của nhà thơ Hữu Thỉnh cho tôi thêm một suy nghĩ rằng đã là nhà văn thì không gì căn cốt hơn là bám rễ vào quê hương, nguồn cộimà tự thấm! Đó là cách không gì tốt hơn làm cho văn hóa thật sự văn hóa.

Thy Lan


Thy Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]