(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi những đào, mai bung nở, quất vàng rực rỡ, hoa tươi khoe sắc, phảng phất đâu đấy trong không gian là mùi thơm quện lẫn của hương bài, phật thủ... tạo nên một hương vị rất riêng, gọi là “mùi tết”. Lúc này, người Việt lại tất bật hoàn thành mọi công việc và xốn xang chuẩn bị để đón chào năm mới đầm ấm, an vui và đủ đầy.

Đón tết cổ truyền an vui

Khi những đào, mai bung nở, quất vàng rực rỡ, hoa tươi khoe sắc, phảng phất đâu đấy trong không gian là mùi thơm quện lẫn của hương bài, phật thủ... tạo nên một hương vị rất riêng, gọi là “mùi tết”. Lúc này, người Việt lại tất bật hoàn thành mọi công việc và xốn xang chuẩn bị để đón chào năm mới đầm ấm, an vui và đủ đầy.

Đón tết cổ truyền an vuiTết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi. Vì thế, đón tết ra sao để vẹn tròn ý nghĩa là quyền tự quyết của mỗi người.

Nếu ví vòng quay thời gian mỗi năm như một “nhịp” chảy trôi của đất trời, thì trong “nhịp” quay ấy lại có những “thanh âm” riêng. Bắt đầu bằng mùa xuân với bao khát vọng nảy lộc đâm chồi, phát triển mạnh mẽ vào mùa hạ, trưởng thành khi tiết thu sang và khi đông về, trong sự “trút lá” tưởng chừng cằn cỗi ấy là những mầm non tràn đầy sinh lực đợi xuân sang để nảy mầm... Từ thuở còn hồng hoang đến hôm nay, vạn vật luôn tuân theo quy luật của tạo hóa để tồn tại, phát triển.

Và trong một “nhịp” của thời gian ấy, mùa xuân là sự bắt đầu. Với người Việt tự ngàn xưa đến hôm nay, xuân bắt đầu về với chỉ dấu “Tết đến”. Là Tết Nguyên đán - tết cổ truyền quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của người Việt.

Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu vào ngày đầu tiên trong năm (âm lịch). Đó vẫn được xem như khoảng thời gian đánh dấu sự “giao hòa” của đất trời - thần linh - con người cùng với vạn vật. Dù cho đến hôm nay, chưa có một khẳng định chính xác nào về thời gian xuất hiện của Tết Nguyên đán. Nhưng quả thực, đời nối đời những thế hệ người Việt, điều đó cũng không thực quá quan trọng. Bởi trong tâm thức của chúng ta, Tết Nguyên đán cổ truyền đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống - góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt - cội nguồn của sức mạnh dân tộc.

Nếu nói dân tộc Việt Nam luôn đề cao và coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống, thì có lẽ Tết Nguyên đán chính là sự khẳng định chắc chắn nhất. Hết một “nhịp” của thời gian với 4 mùa là tết lại về, nhưng sự háo hức, cảm xúc thiêng liêng trong mỗi khoảnh khắc “Giao thừa” thì vẫn luôn như thế. Dẫu rằng, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người ta lại có những “tâm thế” đón tết khác nhau.

Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, điều được chờ đợi nhất với chị em tôi khi Tết Nguyên đán về chính là việc được bố mẹ may cho bộ quần áo mới, háo hức vô cùng. Ngày ấy, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhà lại đông con nên quần áo của chị em tôi vẫn thường mặc lại của nhau. Vậy nhưng, dù có khó khăn thế nào thì mỗi năm tết đến mẹ tôi vẫn dành tiền may quần áo, mua đôi dép mới cho các con. Rồi quần áo đã may xong, nhưng phải đợi đến sáng 30 tết, 3 chị em theo mẹ đi chợ tết mới dám mặc. Cảm giác được mặc bộ quần áo mới, thêm đôi dép mới nữa, chao ôi! Vui lâng lâng khó tả. Cứ như vậy, chúng tôi lớn lên với những bộ quần áo mới được may mỗi khi tết đến, nhưng lại vô tâm chưa một lần băn khoăn vì sao bố mẹ không may quần áo mới cho chính mình.

Tôi lại nhớ đến nao lòng cái không khí tết thuở ấu thơ. Từ 23 tháng Chạp, mọi thứ đã thực sự rộn ràng. Mẹ tất tưởi đi chợ mua đồ về tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, em trai cùng bố dọn dẹp ban thờ, tôi cùng em gái dọn dẹp nhà cửa, bếp núc cho thật sạch sẽ. Rồi mẹ đi chợ về, mấy mẹ con lại cùng nhau làm đồ thắp hương dâng cúng. Đồ cúng cũng không lấy làm cầu kỳ, mấy bát chè kho, bánh rán, xôi nếp đồ... ấy vậy mà đã “sực thơm mùi tết”.

Qua ngày 23 tháng Chạp, mọi công việc như “chạy đua” với thời gian, như chỉ sợ tết đến mà còn điều gì đó còn chưa kịp hoàn tất. Mà nhà nông thì có bao giờ hết việc, từ cấy lúa ngoài đồng, rồi làm cỏ ngô trên bái (bãi)... Thế rồi, ngày 30 tết mọi thứ cũng tinh tươm với mâm cơm cúng tất niên. Trong căn nhà nhỏ, mùi hương quện tỏa khiến người ta có cảm giác thật sự thiêng liêng... Để khi trưởng thành, những năm tháng phải xa quê trong những ngày tết, ta nhớ đến nao lòng cái không khí đầm ấm, linh thiêng ấy.

Trưởng thành rồi, ta lại đón tết theo cách khác. Dĩ nhiên, đó không còn là sự háo hức bởi bộ quần áo mới. Có chút lo lắng, chút hoang hoải bởi “năm hết tết đến” mà những dự định còn dang dở quá. Nhưng rồi, đêm 30 - khoảnh khắc “Giao thừa” lặng im như nghe được tiếng nhịp đập trái tim của chính mình, ta nhanh chóng quên đi muộn phiền và hân hoan về những ước vọng trong năm mới. Lại nói, khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu.

Đón tết cổ truyền an vuiTết đến gần, người Việt lại rộn ràng mua sắm.

Còn bố mẹ ta, sau những mùa “tết đến xuân về”, sau những bươn chải của cuộc đời, nuôi dạy con cái thành người, ta nhìn thấy niềm vui tết trong đôi mắt đấng sinh thành đơn giản là được nhìn con cái trưởng thành và quây quần cùng nhau ngày tết. Đó còn cả những chiêm nghiệm nhận ra, rằng thời gian vô hạn nhưng cuộc đời thì hữu hạn, nếu đất trời có 4 mùa thì cuộc đời con người rồi cũng sẽ trải qua sinh - lão - bệnh - tử, lá rụng về cội cũng là quy luật tất yếu. Mẹ tôi thường bảo, cuộc đời con người giàu sang cũng là cái số, nhưng đã may mắn được sống trong cuộc đời này, cố gắng sống sao để lúc về với ông bà tiên tổ sẽ không phải nuối tiếc. Có tuổi rồi, ngày tết chỉ mong cả gia đình được quây quần cùng nhau là điều vui nhất.

Vậy nên, nếu có ai đó hỏi tôi, tết là gì? Với tôi, tết chính là được sum vầy cùng những người thân và là dịp để nhìn lại chính mình. Tôi không thấy việc tất bật với những lá dong, gạo nếp, đậu xanh để gói bánh chưng là điều gì đó phiền phức. Cũng không thấy việc lau dọn nhà cửa là sự rắc rối, mệt mỏi. Cuộc sống hiện đại và đủ đầy, bạn có quyền mua bánh chưng ngoài hàng hay thuê người đến dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là đi chợ sắm tết hộ. Còn mình, tôi cũng có lý do cho việc cùng cả nhà tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh, trông nồi bánh cho thật “rền”, hay trang hoàng tổ ấm của chính mình sau một năm bận rộn mưu sinh. Bố mẹ tôi trong những lần cả nhà cùng nhau ngồi gói bánh vẫn thường bảo, gói bánh cũng là một phần làm nên “hương vị tết”, nếu vẫn có thể thì chiếc bánh do mình tự tay gói, luộc rồi dâng lên ban thờ gia tiên cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.

Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi cũng như “tái tạo năng lượng” cho một năm mới. Vậy nên, điều quan trọng nhất là hãy làm những gì mình yêu thích khi tết đến xuân về. Bạn có thể chọn cách quây quần bên gia đình trong những bữa cơm ngày tết, cũng có thể chọn đi chơi, du lịch đâu đó nếu cảm thấy thoải mái. Cũng như việc sắm tết ra sao là tùy nhu cầu, điều kiện của mỗi người. Đừng quá quan trọng gồng gánh mọi thứ để rồi tạo “áp lực tết” cho chính mình. Bởi suy cho cùng, nghỉ tết - sắm tết - chơi tết ra sao là quyền tự quyết của mỗi chúng ta.

Lại một năm nữa đang dần khép lại, một tết cổ truyền tươi vui đang đến thật gần. Trong “hơi thở” của những ngày xuân, chúc cho mỗi người Việt sẽ có một cái tết đầm ấm, an yên. Bỏ lại năm cũ với những muộn phiền, mệt mỏi và bắt đầu năm mới với ước vọng tốt lành.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]