(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại (15-3), thì việc nắm bắt thời cơ, bắt kịp nhu cầu để phục hồi hoạt động lữ hành, dịch vụ khách sạn, nhà hàng sau những tổn thất do đại dịch gây ra đang là vấn đề đặt ra với ngành chuyên môn, chính quyền các cấp và bản thân mỗi doanh nghiệp.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Nỗ lực phục hồi

Ngay sau khi du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại (15-3), thì việc nắm bắt thời cơ, bắt kịp nhu cầu để phục hồi hoạt động lữ hành, dịch vụ khách sạn, nhà hàng sau những tổn thất do đại dịch gây ra đang là vấn đề đặt ra với ngành chuyên môn, chính quyền các cấp và bản thân mỗi doanh nghiệp.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Nỗ lực phục hồi

Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) chuẩn bị điều kiện bước vào “đường đua” phục hồi sau đại dịch.

Kỳ vọng du lịch “bùng nổ” trở lại

Sau 2 năm tạm lắng vì chịu tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19, du lịch Sầm Sơn đang nhanh chóng bước vào “đường đua” phục hồi, đánh dấu bằng sự kiện Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái, thu hút hàng vạn lượt du khách về tham dự. Trong chuỗi 19 hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao năm 2022 trên địa bàn TP Sầm Sơn đã và sẽ được tổ chức, có nhiều sự kiện được kỳ vọng đẩy nhanh đà phục hồi của ngành công nghiệp không khói, như: Chương trình lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2022; lễ hội Carnival đường phố;...

Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Sầm Sơn, nhìn nhận: “Trong khi nhiều địa phương trong tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch thì hệ thống hạ tầng, giao thông, cơ sở lưu trú,... trên địa bàn TP Sầm Sơn đã cơ bản được hoàn thiện, hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch. Đặc biệt, từ những tháng đầu năm, người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ tại Sầm Sơn đã chủ động chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm sẵn sàng đón khách. Du lịch Sầm Sơn đang hứa hẹn một năm bùng nổ”.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), trong những ngày nghỉ dịp Giỗ tổ Hùng Vương, ngành du lịch Thanh Hóa đón hơn 460.000 lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 520 tỷ đồng. Đây thực sự là tín hiệu khởi sắc báo hiệu một năm du lịch sôi động. Với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn và hấp dẫn”, năm 2022 tỉnh phấn đấu đón hơn 10 triệu lượt khách.

Giải "bài toán" về nhân lực

Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch mà có lẽ hệ lụy dai dẳng nhất chính là “khoảng trống” về nguồn nhân lực. Trong thời điểm dịch bùng phát, để mưu sinh, hàng chục nghìn lao động buộc phải chuyển nghề, tìm kiếm công việc mới. Và ở thời điểm hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi du lịch, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực.

Có số lượng trên 500 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao và hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống vào những dịp cao điểm của du lịch biển Hải Tiến, Công ty TNHH đầu tư và du lịch Hải Tiến cần đến trên 300 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài khiến cho nhiều người lao động đã phải chuyển nghề. Giám đốc công ty, ông Lê Xuân Thảo lo lắng: “Với dấu hiệu khởi sắc của du lịch những ngày gần đây là tín hiệu vui với người làm nghề. Tuy nhiên, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất thì vấn đề đau đầu nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là tuyển được nguồn lao động (buồng, bàn, lễ tân...) rồi sau đó phải tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp. Để tuyển cùng lúc hàng trăm nhân sự là điều không đơn giản, trong khi đó thời điểm khai trương du lịch biển Hải Tiến đã đến rất gần”.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Nỗ lực phục hồi

Tìm kiếm nguồn nhân lực du lịch chất lượng đang là “bài toán” với nhiều doanh nghiệp du lịch - dịch vụ hiện nay.

Cùng mối bận tâm, ông Tống Phúc Văn, Giám đốc Trung tâm nghỉ dưỡng khách sạn Bộ Xây dựng cho hay: “Để sẵn sàng cho mùa cao điểm du lịch Sầm Sơn, doanh nghiệp chúng tôi đang cần tuyển thêm 20 lao động (buồng, bàn). Nhưng trong thời điểm này, để tuyển được người là không dễ. Trong khi, dù là lao động đã qua đào tạo hay chưa thì sau thời gian nghỉ dài vì đại dịch, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng cho nhân viên phục vụ vẫn là điều bắt buộc”.

Về vấn đề này, theo thông tin từ Sở VH,TT&DL: Sở đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đào tạo, đào tạo lại lao động phục vụ hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên; tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19; định hướng cho doanh nghiệp du lịch có chính sách thu hút và giữ nhân lực chất lượng cao. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh nhằm giảm tải nguồn nhân lực...

Xu hướng sau đại dịch

Anh Lý Tuấn Khải, Giám đốc Công ty du lịch Hành trình xanh Thanh Hóa nhìn nhận xu hướng du lịch trong thời gian tới: “Du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày sẽ lên ngôi. Tại Thanh Hóa, ngoài du lịch biển, một số điểm đến hấp dẫn đang được nhiều du khách tìm kiếm như du lịch Pù Luông (Bá Thước); du lịch Bản Mạ (Thường Xuân)”.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hoàng Hữu, Giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế Hữu Nghị, cho biết: “Mỗi loại hình du lịch sẽ có những phân khúc, đối tượng khách hàng riêng. Tuy nhiên, căn cứ vào lượng tour mà khách đặt tại công ty chúng tôi thời gian qua có thể thấy, sắp tới du lịch nghỉ dưỡng gần, ngắn ngày sẽ chiếm ưu thế”.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, đánh giá: “Do yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, vì vậy thời gian tới ngành du lịch - dịch vụ Thanh Hóa tập trung xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện; hướng đến sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch gần, ngắn ngày, theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, tới các vùng nông thôn, miền núi, du lịch sinh thái cộng đồng, khu vực ít người... Đặc biệt, ngành du lịch - dịch vụ Thanh Hóa phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh trong quản lý và điều hành, nhằm tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp - nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án tổ hợp du lịch để hình thành sản phẩm du lịch cao cấp có tính cạnh tranh cao gắn với phát huy thế mạnh, đặc trưng của tỉnh nhà... Đặc biệt, bước qua đại dịch, câu chuyện xây dựng quỹ dự phòng và phương án xử lý khủng hoảng là vấn đề mà mỗi doanh nghiệp phải nghiêm túc nhìn nhận”.

Bài và ảnh: Trang Bùi


Bài và ảnh: Trang Bùi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]