(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn một năm mới sẽ đến trong an lành, may mắn, trong những ngày đầu xuân, cùng với việc hương khói, kính lễ tổ tiên tại ban thờ của gia đình thì người Việt còn du xuân- đi lễ, nhớ về nguồn cội và gửi gắm niềm tin tâm linh, mong muốn được phù trợ, chở che...

Du xuân và niềm tin tâm linh

Với mong muốn một năm mới sẽ đến trong an lành, may mắn, trong những ngày đầu xuân, cùng với việc hương khói, kính lễ tổ tiên tại ban thờ của gia đình thì người Việt còn du xuân- đi lễ, nhớ về nguồn cội và gửi gắm niềm tin tâm linh, mong muốn được phù trợ, chở che...

Du xuân và niềm tin tâm linhĐi lễ đầu xuân cầu mong những điều tốt lành trong năm mới là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Chuyện đi lễ ở một làng quê

Vùng đất cổ Bột Đà nay là xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Không chỉ có vậy, trong không gian văn hóa làng quê đang từng ngày đổi mới khang trang là đậm đặc những dấu tích văn hóa hiển hiện ở mỗi đình, chùa, đền... với hơn 10 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Có thể kể đến các di tích tiêu biểu như: Bảng Môn Đình; Nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh); đền thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất; chùa Thiên Nhiên (chùa Nhờn)... Các di tích là địa chỉ văn hóa, niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.

Đã thành thông lệ, sau thời khắc giao thừa thiêng liêng tĩnh lặng với các nghi lễ cúng thần linh và gia tiên, con đường quanh làng Bột Đà xưa như “bừng tỉnh” bởi dòng người tản bộ dâng hương tại các di tích. Từ đường lớn đến ngõ nhỏ, không ai bảo ai, cũng chẳng có tiếng í ới, hò hét. Cứ lẳng lặng mà đi, tình cờ mà gặp mặt. Dù là người cùng thôn, cùng làng, vừa gặp nhau chiều 30 tết thì vẫn cứ tay bắt mặt mừng, chân thành chúc nhau điều tốt đẹp.

Trong chuyến du xuân - dâng hương đặc biệt này, điểm đến đầu tiên vẫn thường là nhà thờ dòng họ để mỗi người thêm một lần bày tỏ sự biết ơn của con cháu đến tổ tiên, người đã khuất. Kế đến, Bảng Môn Đình - nơi “tôn vinh” sự học và thờ vị Thành hoàng làng - tướng Nguyễn Tuyên có công đánh giặc giữ nước thời Lý. Đền thờ quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất - còn gọi là nhà thờ cụ Thượng Bùi cũng là một điểm đến đặc biệt. Bởi, đây không chỉ là nhà thờ “cụ tổ” một dòng họ lớn mà cao hơn, đó là đền thờ vị “phúc thần” của làng, đã được các đời vua trong lịch sử sắc phong. Di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh - vị trạng được dân gian tôn phong với nhiều giai thoại độc đáo gắn liền với thời kỳ Vua Lê - Chúa Trịnh. Và chùa Nhờn - Thiên Nhiên Tự, không gian thờ Phật để con người tĩnh lại lòng mình.

Bà Hoàng Thị Xuân, một người dân ở xã Hoằng Lộc tự hào cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu xuân năm mới, tôi cùng các con cháu đều đi lễ một vòng các di tích quanh làng. Không đơn thuần chỉ để cầu mong may mắn, đây còn là dịp để con cháu nhớ về tiền nhân. Nếu không có người xưa nhọc nhằn đóng góp, dựng xây thì sẽ chẳng thể có một diện mạo quê hương khang trang mang trong mình nhiều giá trị văn hóa như ngày hôm nay. Tôi phải đến dâng hương ở các di tích trong làng rồi mới tính đến chuyện đi lễ gần, lễ xa. Bởi nếu mình xa lạ với chính tổ tiên, cha ông đi trước ở nơi chôn nhau cắt rốn, thì liệu có thể thành tâm mà lễ bái nơi khác”.

Ngày xuân “lên rừng xuống biển”

Đi lễ đầu xuân đến các di tích tâm linh để cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt từ bao đời nay. Trong không gian của di tích ngày đầu xuân quấn quýt mùi hương trầm khiến cảnh vật nhuốm màu thành kính, mang nhiều suy tư, xúc cảm.

Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt (Thường Xuân) những ngày đầu năm đặc biệt đông du khách. Đây là nơi thờ tự nhân vật lịch sử Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn trong tín ngưỡng dân gian. Không chỉ hấp dẫn người dân nơi đất quế ngọc Châu Thường, di tích còn là điểm đến dâng hương của du khách muôn phương. Ông Vi Văn Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân, kiêm Phó trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt, cho biết: “Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; cùng hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Thường Xuân không tổ chức Lễ hội đền Cửa Đạt năm 2022. Đối với du khách đến di tích đi lễ dâng hương vãn cảnh được ban quản lý di tích hướng dẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Do người dân đã được tiêm phủ vắc-xin nên lượng khách đến di tích trong dịp đầu xuân Nhâm Dần so với cùng kỳ năm trước có tăng hơn. Tuy nhiên, từ những nỗ lực tuyên truyền, cộng với ý thức người dân được nâng cao nên nhìn chung đa phần du khách đã tuân thủ các biện pháp phòng dịch, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa phòng dịch an toàn”.

Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt chỉ là một trong nhiều điểm đến “không thể bỏ qua” của đông đảo người dân, du khách trên hành trình du xuân - đi lễ đầu năm dọc “miền di sản” quê Thanh. Một hành trình lên rừng - xuống biển từ đền Cửa Đạt; Đền Nưa - Am Tiên; Phủ Na và trở về đền Độc Cước nơi biển Sầm Sơn rì rào sóng vỗ, du khách thỏa thích khám phá cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời cũng là gửi gắm niềm tin tâm linh.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn, việc du xuân - đi lễ “lên rừng xuống biển” của nhiều người dân hiện nay là “sản phẩm” văn hóa của thời đại mới. Xưa kia, vì hạn chế đi lại nên cha ông thường chỉ đi lễ tại nơi mình sinh sống. Ngày nay, điều kiện giao thông đi lại thuận tiện, đời sống vật chất của người dân cao hơn nên vừa là du xuân vãn cảnh, vừa đi lễ mong ước điều tốt lành, tuy hai mà một. Không phải cứ “mới” là không tốt. Vấn đề là việc tuyên truyền để người dân nhận thức được những giá trị tốt đẹp cần phải hướng đến, đồng thời bản thân mỗi người cũng phải tự mình điều chỉnh hành vi, để góp phần vun đắp, làm dầy thêm những giá trị văn hóa Việt.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]