(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày tiếp quản thủ đô, Ủy ban Quân quản Hà Nội cử một tổ dân vận gồm một đồng chí ở Bộ Nội thương, một cán bộ nội thành và tôi xuống các phố Vân Đồn ở bờ sông Hồng, phố Hàng Gai và phố Hàng Than để tìm hiểu đời sống nhân dân, tạo niềm phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân khi cách mạng trở về.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giao thương Thanh Hóa - Thăng Long trong kháng chiến chống Pháp

(VH&ĐS) Ngày tiếp quản thủ đô, Ủy ban Quân quản Hà Nội cử một tổ dân vận gồm một đồng chí ở Bộ Nội thương, một cán bộ nội thành và tôi xuống các phố Vân Đồn ở bờ sông Hồng, phố Hàng Gai và phố Hàng Than để tìm hiểu đời sống nhân dân, tạo niềm phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân khi cách mạng trở về.

Kỷ luật quân quản rất nghiêm. Đang tù túng trong quân quy ở Đồn Thủy để học quy tắc nhập thành lại được cử ra phố làm công tác dân vận như chim sổ lồng, ai cũng phấn khởi ra mặt.

Ngoài kia, phố sá đang náo nhiệt có lẽ có nhiều gia đình đang chờ đón người thân đi kháng chiến trở về. Hàng quán, cửa hiệu mở ra san sát, những hàng là hàng. Tiếng loa, tiếng đài dồn dập âm vang suốt cả ngày ở các ngõ phố và nơi công cộng. Nét mặt mọi người gặp nhau rạng rỡ, hồ hởi như ngày hội.

Chúng tôi lấy nhà anh Chi, cán bộ nội thành ở phố Hàng Gai làm trung tâm hội ý hàng ngày. Gia đình anh buôn bán tơ lụa lớn ở Hà Nội. Biết tôi người Thanh Hóa, bà mẹ dẫn tôi ra quầy chỉ vào tủ hàng đầy ắp những tấm nhiễu đủ màu mà nói rằng: "Quầy này đóng góp cho nhà tôi 1/3 doanh thu cả năm. Anh có biết xuất xứ từ đâu không? Nhiễu Hồng Đô ở Thiệu Hóa các anh đấy. Tôi khơi luồng hàng này từ năm 1936 do Lý Cựu làng Vồm thu gom, cứ 3 tháng một chuyến nhiễu mộc chở ra. Từ đó, tôi đem nhuộm đủ màu để đáp ứng yêu cầu thị hiếu của Hà Nội nhưng phổ biến nhất là màu boóc đô, màu cà phê và màu gụ cho các cô gái trung lưu làm khăn vấn đầu, làm yếm và cho các hội đồng kỳ mục các tổng xung quanh Hà Nội làm khăn chít khi hội hè".

Tại thôn Hương Minh, gọi nôm là thôn hàng chè (ở vào cuối phố Cầu Gỗ bây giờ) một ông cụ trạc tuổi 60 cho tôi biết: Cụ vốn là gia nhân của một thương gia chuyên buôn gỗ quý từ Thanh Hóa, sau này do kháng chiến kéo dài thương gia này lại chuyển sang nguồn Chè xanh Sánh Lược nhập về. Ông ta đã có sáng kiến thu gom chè Sánh Lược - một đặc sản xứ Thanh để nguyên lá phơi khô vò nát, loại bỏ cuống, gân lá rồi đóng bịch đem vào nội thành bán và chỉ trong thời gian ngắn đã chiếm lĩnh thị trường, át hẳn chè Ba Vì. Dân nghiện chè xanh trong thành uống một lần là “mắc giọng” ngay…

Qua chấn song nhìn ra sông Hồng, tiện tay ông chỉ: "Các anh nhìn kìa! Hàng dãy thuyền ván đậu dưới sông có ký hiệu TH là thuyền của tỉnh ta đấy. Thương nhân họ thính thật. Tiếp quản mới được một tuần mà đã có mặt. Không phải bây giờ họ mới ra mà chính là các thuyền ấy chở nông sản vừng, đậu, lạc hàng chục tấn, có mặt từ hồi tôi mới cắm chốt ở đây đến nay dễ đến hơn 20 năm rồi còn gì. Họ đem nông sản ra, lại chở thuốc bắc vào, chẳng chịu về không đâu.Còn hai cái thuyền to, cột buồm cắm cờ đỏ sao vàng là hai thuyền nước mắm ở Lạch Bạng trong ta mới cặp bến đấy. Dân Hà Nội thích nhất mực câu thân dài, dầy mình phấn trắng, đắt mấy họ cũng mua. Giải phóng hàng xong họ lại đem lưới gai về bán cho các thương lái Hậu Lộc, Tĩnh Gia".

Rồi ông chỉ sang nhà bên cùng dãy là nhà ông Phụng, người Thường Xuân: "Các anh biết trong ta có quế Trịnh Vạn - Thường Xuân có tiếng cả nước. Ông ta thử một lần đem quế Trịnh Vạn vào đây để thám thính mối hàng, hòng đổi lấy thuốc Tây đem về bán cho quân nhu ngoài ấy. Chân ướt chân ráo qua chợ giáp ranh Hói Đào, ông bị tên đồn trưởng cảnh sát Ngụy bắt, bèn đút lótmất ½ thanh quế quý, tiếc đứt ruột nhưng đổi lại, lại được nó cấp cho cái giấy nhập thành (laisser passé). Từ đó tạo nên luồng hàng quý để trao đổi hàng hóa với vùng tự do vì chính nửa thanh quế hối lộ ấy đã cứu vợ hắn thoát được căn bệnh hiểm nghèo"?

Trở lại phố Hàng Than, tôi bất ngờ gặp anh Việt, người Hải Dương, lúc sơ tán nhờ hoạt động tích cực với địa phương cư trú, được đề cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến thị xã Thanh Hóa. Vì người nội thành, anh được cử đi tập huấn để tiếp quản thủ đô và anh đã có gia đình ở Hà Nội. Gian hàng nhà anh khá khang trang, hàng dãy tủ kính có đủ loại bánh cốm, bánh đậu, xu xê… song anh phải thừa nhận bánh gai Tứ Trụ ngon hơn nên đã khơi luồng hàng Tứ Trụ nên bán rất chạy!

Anh Việt còn cho biết ở phố Lò Đúc, có anh Tâm ở làng Tân An, TX Thanh Hóa đem cả gia đình ra đây làm nem. Lúc đầu anh ta đi hàng chuyến, rót hàng ở các quán nước ngách phố, sau thấy bán chạy, anh ra hẳn đây sản xuất tại chỗ nhưng tổ quân quản ở đấy không cho định cư. Tôi mới can thiệp cho cái giấy phép kinh doanh đấy!...

Hồi còn trẻ, trọ học ở Hà Nội, trước sự sầm uất của phố phường, hàng hóa các nơi tập trung về nườm nượp nào tôi có để tâm. May nhờ có công tác dân vận mấy tuần mới biết trong ngồn ngộn hàng hóa ở đất Thăng Long sầm uất này, Thanh Hóa đã đóng góp một khối lượng hàng từ nông sản, hải sản đến lâm sản, đặc sản ẩm thực cho thủ đô yêu dấu từ rất xa xưa, nối liền giao thương giữa hai thị trường Thanh Hóa- Thăng Long.

Võ Thúc Loan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]