(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ tiên phong, gương mẫu đi trước, làm trước và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế... hiện nay trưởng thôn còn có vai trò rất quan trọng trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống: Nhìn từ vai trò của trưởng thôn

Không chỉ tiên phong, gương mẫu đi trước, làm trước và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế... hiện nay trưởng thôn còn có vai trò rất quan trọng trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Với quan niệm giữ gìn các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là lưu giữ những gì cha ông ta đã dày công vun đắp, mà còn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nên trong suốt cả quá trình làm trưởng thôn, ông Trương Văn Long, Trưởng thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ (Thạch Thành), không ngừng tuyên truyền, vận động bà con lối xóm giữ gìn những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc mình. Cũng nhờ đó, mà từ nhiều đời nay, đồng bào dân tộc Mường nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo với lễ hội Mường Đòn diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm.

Ông Trương Văn Long, cho biết: “Việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại là khá gian nan và vấn đề đặt ra là làm sao tìm được hướng đi đúng, cách làm đúng để giải được bài toán ấy. Trong những năm qua, không chỉ cấp ủy, chính quyền xã mà thôn chúng tôi cũng rất quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, với vai trò là trưởng thôn, tôi cũng thường xuyên vận động bà con tham gia các hoạt động văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của đồng bào Mường như diễn tấu cồng chiêng, thi ẩm thực, trình diễn nghề dệt thổ cẩm,thi các môn thể thao truyền thống... do xã tổ chức. Từ những hoạt động thiết thực đó đã có tác động rất lớn, tạo phong trào và nhen lên “ngọn lửa” gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở nên, sống động trong đời sống hằng ngày”.

Thêm một điển hình khác, để tạo dựng được thành công của CLB Chèo Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) như ngày hôm nay, ít ai biết rằng ngoài sự cố gắng, miệt mài luyện tập của các thành viên trong đoàn còn có sự góp sức rất lớn của trưởng thôn ở đây. Được thành lập vào tháng 9/2009 với 30 thành viên, hoạt động của CLB ban đầu gặp không ít khó khăn, song với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên đã không ngừng cố gắng vươn lên. Được biểu diễn và được khán giả yêu thích là họ thấy có động lực để tiếp tục.

Ông Nguyễn Trọng Chí - Trưởng thôn 2, nơi thu hút đông nhất lực lượng tham gia vào CLB Chèo Vĩnh Gia, cho biết: “Xác định giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết, hơn nữa quê hương lại là cái nôi của hát chèo, vì vậy, tôi đã cùng các trưởng thôn trong xã bàn bạc, tham mưu lên các cấp ủy, chính quyền cần có nhiều giải pháp để duy trì cũng như thu hút, tập hợp lực lượng tham gia vào CLB. Giờ đây, không chỉ có lớp nghệ nhân trong làng mà mọi tầng lớp trong đó trẻ có, già có, ai cũng đam mê với nghệ thuật chèo của quê hương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các nghệ nhân đã cao tuổi, điều kiện sức khỏe không đảm bảo. Thế rồi nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đó hiện nay cũng đang còn hạn hẹp. Để khắc phục được tình trạng này chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ để khuyến khích những nghệ nhân phát huy và tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền giữ gìn rồi bảo tồn, phát triển các giá trị di sản”.

Để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống ở các địa phương, anh Nguyễn Văn Tiện, cán bộ văn hóa xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) cho rằng: Bên cạnh sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền; sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền; đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân thì người trưởng thôn có vai trò rất quan trọng, bởi họ là người luôn sát sao đồng hành cùng bà con, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như tuyên truyền vận động bà con tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương... qua đó, tạo điều kiện cho các hoạt động liên quan đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống thực sự phát huy được hiệu quả.

Thực tế, trong lúc hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn lúng túng trong việc tìm ra hình thức hoạt động mới được nhân dân yêu thích, cần phát huy hơn nữa các hoạt động nghệ thuật dân gian, nhất là ở những nơi có di sản văn hóa phi vật thể lâu đời. Để làm được điều đó, những năm qua không thể phủ nhận vai trò của các trưởng thôn. Điều này, có thể thấy rõ ở rất nhiều địa phương như Thạch Thành, Hoằng Hóa, Đông Sơn... khi trưởng thôn luôn tiên phong trong mọi hoạt động nhất là trong việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]