(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm thế nào gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm của ông cha? Câu hỏi ấy luôn thôi thúc những con người tâm huyết, nặng lòng với giá trị truyền thống tìm tòi, nỗ lực không mệt mỏi. Và nhiều người trong số họ đã có cách làm hay, trở thành gương sáng, là hạt nhân bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Những người “giữ lửa” nghề

Làm thế nào gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm của ông cha? Câu hỏi ấy luôn thôi thúc những con người tâm huyết, nặng lòng với giá trị truyền thống tìm tòi, nỗ lực không mệt mỏi. Và nhiều người trong số họ đã có cách làm hay, trở thành gương sáng, là hạt nhân bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Những người “giữ lửa” nghềCơ sở thêu dệt thổ cẩm của bà Phạm Thị Bảo xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc).

Trong một lần đến Phố Đòn, xã Lũng Niêm (Bá Thước), chúng tôi có dịp gặp bà Hà Thị Dung (50 tuổi), người dân tộc Thái nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm. Lớn lên trong lời ru và tiếng kẽo kẹt của khung cửi dệt vải của người mẹ, khiến tình yêu dành cho nghề dệt thổ cẩm trong bà lớn dần theo năm tháng. Khi 9 tuổi bà đã dệt thông thạo các loại vật dụng trong nhà như khăn, túi vải, chăn, gối. Bà Hà Thị Dung cho biết: “Từ nhỏ, tôi được mẹ căn dặn là con gái Thái phải biết dệt thổ cẩm. Tôi đã được mẹ dạy cách se chỉ, nhuộm màu, dệt những vật dụng nhỏ như túi vải, khăn... rồi đến những tấm chăn, tấm đệm, váy, áo. Để thành thục như ngày hôm nay, tôi đã phải học hỏi rất nhiều, hễ có thời gian rảnh là lại ngồi bên khung dệt”.

Không chỉ giỏi dệt thổ cẩm, bà Dung còn là một lương y tận tụy với nghề. “Từ ngày tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Thanh Hóa (nay là Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa), được phân công công tác tại Trạm Y tế xã Lũng Niêm, ngoài công việc xã hội, tôi còn tích cực cùng với chị em trong xã gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của ông cha”, bà Dung cho biết.

Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một, năm 2016, bà đã dành dụm đồng lương ít ỏi của mình đi mua sắm khung dệt, kêu gọi các bà, các mẹ tham gia học nghề, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm. Qua 5 năm hoạt động, hiện nay xưởng sản xuất của bà Dung đã tạo việc làm cho gần 100 lao động lúc nông nhàn với thu nhập từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/ tháng và 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Hà Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm, cho biết: “Bà Hà Thị Dung không những là người thầy thuốc tận tâm với công việc, mà còn là người nặng lòng với nghề truyền thống của ông cha. Bên cạnh đó, bà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã có thu nhập thêm từ nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm của xã Lũng Niêm được gìn giữ và phát huy cho đến ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của bà Hà Thị Dung”.

Nghệ nhân Phạm Thị Bảo (67 tuổi), dân tộc Mường, ở làng Nhọi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) cũng kiên trì gìn giữ nghề dệt thổ cẩm trong “cuộc chiến” với vải vóc công nghiệp. Bà chia sẻ: “Sinh ra là con gái Mường thì phải biết dệt thổ cẩm, nên khi lên 12 tuổi, tôi bắt đầu học dệt từ bà và mẹ. Nhiều người sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể hoàn thiện được tấm thổ cẩm, nhưng bản thân cảm thấy mình như có duyên. Ngay từ ngày đầu đặt tay lên khung dệt, theo từng động tác của mẹ, tôi đã tự dệt được tấm thổ cẩm nhỏ và may, thêu cho mình một chiếc túi nhỏ”.

Nâng niu tấm thổ cẩm trên tay, bà Bảo bộc bạch: “Quan niệm từ xưa, là con gái Mường phải biết dệt, thêu, trước hết là để bản thân sử dụng, sau nữa là cả gia đình. Ngoài việc làm nên những bộ váy đẹp, các cô gái Mường còn phải tự mình dệt thổ cẩm để may chăn, gối, đệm ngồi, để khi đến tuổi xây dựng gia đình thì mang biếu cha, mẹ bên nhà chồng".

Chịu tác động của cơ chế thị trường, giới trẻ không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, khiến bà Bảo hàng ngày trăn trở tìm cách gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Đến năm 2011 bà Bảo quyết tâm xây dựng xưởng sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm. Hiện nay, xưởng sản xuất của bà đã cho thu nhập 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 40 lao động trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Ngoài việc duy trì sản xuất, kinh doanh, bà Bảo còn thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường. Không chỉ là nơi sinh hoạt của chị em hội viên yêu nghề dệt thổ cẩm, câu lạc bộ còn là nơi giáo dục, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ xã Cao Ngọc hiểu thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Hiện bà đang được huyện Ngọc Lặc làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

“Gắn bó với nghề đã nhiều năm, tôi tìm thấy niềm vui khi tự tay mình dệt những sản phẩm cho con cháu trong nhà sử dụng, càng vui hơn khi những sản phẩm đó lại được thị trường ưa chuộng. Mong rằng sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm được mở để nghề được truyền lại cho thế hệ trẻ”, bà Phạm Thị Bảo trải lòng.

Ông Phạm Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc, cho biết: “Bà Phạm Thị Bảo không chỉ là người sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong xã mà còn là người tâm huyết bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Những việc làm của bà đã được cấp ủy, chính quyền xã Cao Ngọc và huyện Ngọc Lặc ghi nhận, biểu dương”.

Cùng với bà Hà Thị Dung, Phạm Thị Bảo, nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, Mường đã và đang từng ngày tận tụy, tâm huyết, đem nghề truyền lại cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hầu hết họ đã tuổi cao, sức yếu, ảnh hưởng tới công tác truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, trong khi đời sống kinh tế của họ còn nhiều khó khăn.

Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khẳng định: "Nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề dệt thổ cẩm. Họ là “linh hồn”, là “báu vật sống”, trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu truyền và phát huy giá trị của nghề. Tuy nhiên, những người tâm huyết không thể một mình vực dậy được nghề dệt đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và ý thực tự giác của đồng bào các dân tộc Thái, Mường trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của ông cha.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]