(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nảy lộc. Thuận theo dòng chảy tự nhiên, con người nương theo mưu cầu ước vọng tốt đẹp, hiển hiện dưới những lễ tục, trò chơi, trò diễn, lễ hội... được duy trì, vun đắp tạo thành những bộ phận cấu thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa truyền thống đó là câu chuyện trách nhiệm không của riêng ai.

Giữ gìn văn hóa truyền thống ngày xuân

Mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nảy lộc. Thuận theo dòng chảy tự nhiên, con người nương theo mưu cầu ước vọng tốt đẹp, hiển hiện dưới những lễ tục, trò chơi, trò diễn, lễ hội... được duy trì, vun đắp tạo thành những bộ phận cấu thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa truyền thống đó là câu chuyện trách nhiệm không của riêng ai.

Giữ gìn văn hóa truyền thống ngày xuânDuy trì những lễ tục truyền thống trong những ngày đầu xuân cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội.

Xuân xưa và nay

Gắn liền với tết - ngày xuân là những nghi lễ - lễ tục được lưu truyền. Tuy nhiên, có một thực tế, theo “nhịp” chảy trôi của thời gian và cuộc sống hiện đại khiến những giá trị văn hóa truyền thống qua sự tiếp biến có phần bị mai một, ảnh hưởng. Dễ hiểu vì sao, mỗi dịp tết đến - xuân về, vẫn thường có những ý kiến luận bàn. Người nói tết xưa vui, đầm ấm, linh thiêng hơn; người cho rằng ngày tết phải là dịp để nghỉ ngơi, không nên nặng nề các nghi lễ.

Trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải (87 tuổi) hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa về những phong tục, nghi lễ ngày xuân của người Việt xưa và nay, ông cho rằng: “Trong quan niệm truyền thống của người Việt, tết là dịp để gia đình sum họp, con cháu dâng hương cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất; cùng trò chuyện thân tình, đầm ấm. Ngôi nhà với ban thờ gia tiên luôn ấm khói hương trong những ngày này trở thành không gian thiêng. Ngày nay, có một bộ phận đặc biệt là các bạn trẻ có xu hướng “giản đơn” các nghi lễ. Thay vào đó, họ hướng đến việc nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn vào ngày lễ, tết... Việc thay đổi nhìn chung phù hợp với xu thế cũng như sự phát triển của xã hội, bởi tuân theo quy luật vận động và phát triển, ở mỗi thời gian - thời đại, sự tiếp biến là không sai. Tuy nhiên, mọi sự “giản đơn”, thay đổi đều nên phải dựa trên nền - giữ lấy yếu tố “gốc” của văn hóa dân tộc. Chúng ta có thể lễ gần, lễ xa, nhưng nhất định không được quên lễ gia tiên, vui chơi “quên” ông bà, cha mẹ; quên nghĩa thầy cô... Sẽ không thể có sự phát triển của hiện tại và tương lai thịnh vượng nếu con người quên đi quá khứ”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, việc đi lễ ngày xuân cần chú ý đến sự tôn kính. Người xưa khi đi lễ bái đền, chùa thường mong cầu sức khỏe, bình an, quốc thái dân an. Ngày nay, không ít bạn trẻ đến chốn tâm linh như nơi vui chơi giải trí, trang phục ăn mặc thiếu sự tôn nghiêm. Khi người ta thiếu đi “nền tảng” văn hóa thì dễ dẫn đến hành vi lệch lạc; rồi cả những mưu cầu khấn vái, nào tiền bạc lợi danh, buôn năm bán mười... Những điều đó dù vô tình hay cố ý đều sẽ khiến cho chốn linh thiêng trở nên tầm thường. Như vậy, thử hỏi còn đâu sự tôn kính cần phải có? Tuy nhiên, trong câu chuyện “ý thức văn hóa” của một bộ phận người dân hiện nay, lỗi không hoàn toàn thuộc về cá nhân, cần nhìn nhận về trách nhiệm của ngành chức năng, các ban quản lý di tích và việc giáo dục của gia đình, xã hội.

Bảo tồn, gìn giữ giá trị - “ước vọng” tốt đẹp

Ngọc Lặc là một trong những địa phương có số lượng người Mường tập trung sinh sống đông đảo. Đánh giá về những nét đẹp văn hóa ngày xuân của người Mường còn được lưu giữ đến ngày nay, bà Bùi Thị Quyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, nhìn nhận: “Người Mường vốn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, tuy nhiên vì nhiều lý do dẫn đến sự mai một, phai mờ. Bằng nhiều nỗ lực tích cực, đã có những giá trị văn hóa, tập tục được cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp khuyến khích, từng bước khôi phục thành công. Song, thực tế khi khôi phục phải giản đơn đi khá nhiều, trong đó việc bảo tồn chú trọng giữ lấy những nét riêng đặc sắc. Như việc tổ chức các trò chơi, trò diễn, lễ tục (Phường Chúc - Sắc Bùa; ném còn; hát Xường giao duyên...) của người Mường. Để có thể bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Mường nói chung, văn hóa ngày xuân nói riêng, vấn đề tuyên truyền - truyền dạy đến thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Chỉ khi những "chủ nhân” của văn hóa hiểu và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của cha ông thì sẽ có động lực tự thân mong muốn nắm giữ, bảo tồn bền vững”.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra khiến mọi mặt của đời sống bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều lễ hội dịp đầu xuân ở các địa phương không thể tổ chức. Tuy nhiên, có phải vì thế mà người dân để “mất” đi niềm tin tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức? Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, chia sẻ quan điểm: “Dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn, nhưng cũng chính dịch bệnh giống như một “phép thử” để loại bỏ những thứ không cần thiết. Còn những giá trị cốt lõi, về cơ bản vẫn được duy trì, phát huy. Thay vì đi lễ theo đoàn tấp nập, mỗi người vẫn tìm về chốn thiêng di tích theo cách lặng lẽ để thỏa những mong cầu; hay một số địa phương trước đây tổ chức lễ hội tốn kém, nặng về hình thức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thì đây cũng là dịp để “nhìn lại”, điều chỉnh cho phù hợp. Bản chất của nghi lễ - lễ hội đầu xuân là vui tươi, an toàn, lành mạnh và mong cầu điều tốt đẹp, đó là nhu cầu chính đáng. Nhưng không phải vì thế mà tổ chức lãng phí, kéo theo hệ lụy, làm mất giá trị văn hóa vốn có”.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu khi nhắc đến ý nghĩa của mùa xuân, Người từng viết: “Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm nên tục ngữ có câu “Nhất niên chi kế thủy ư xuân”. Cũng vì thế cho nên năm mới thì người ta có những cuộc vui vẻ, sung sướng cho xứng đáng với xuân và để mừng xuân. Chẳng những kẻ giàu sang tiếp xuân với sự hồ hởi mà kẻ nghèo khó thấy xuân cũng vui mừng”. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3).

Tuân theo quy luật của đất trời, mùa xuân là khởi đầu của bao điều tốt đẹp. Con người, “nương” theo quy luật đó mà khát vọng sáng tạo nên những giá trị, qua thời gian từng bước vun đắp, tạo thành lớp lớp văn hóa Việt đậm đà bản sắc - bức tường thành tinh thần vững chắc, chống lại mọi dã tâm nô dịch. Mỗi người dân, bằng sự hiểu biết văn hóa, lòng tự hào dân tộc, chính là “chiến sĩ” bảo vệ “thành quả văn hóa” của cha ông và góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt đến bạn bè năm châu.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]