(vhds.baothanhhoa.vn) - Giếng làng là biểu trưng nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người. Giếng còn mang ý nghĩa tâm linh - “long mạch” của làng. Nếu trước đây, giếng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho dân làng thì ngày hôm nay, dù đã có giếng khoan, nước máy thì giếng làng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người dân...

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Giếng làng ngày mới

Giếng làng là biểu trưng nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người. Giếng còn mang ý nghĩa tâm linh - “long mạch” của làng. Nếu trước đây, giếng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho dân làng thì ngày hôm nay, dù đã có giếng khoan, nước máy thì giếng làng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người dân...

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Giếng làng ngày mới

Giếng làng Nội Tý, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa).

Theo các cụ cao niên thôn Nội Tý, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) thì 2 giếng làng Nội Tý có cách đây gần 100 năm. 2 giếng cùng đứng trên một mảnh đất, giếng nhỏ sát cạnh giếng lớn, đường kính chỉ 2m. Giếng lớn đường kính 36m, sâu 2m. Giếng được xây bằng đá ong, nước trong vắt, chưa bao giờ cạn, là nguồn nước sinh hoạt trước đây của người dân trong làng.

Trong quá trình xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu, giếng làng Nội Tý đã 2 lần được tôn tạo. Lần thứ nhất vào năm 2018, tại chiếc giếng lớn, bà con trong thôn đồng thuận xây thêm 2m tường thành. Lần thứ 2 vào tháng 9-2021, giếng lớn được đắp thêm 2 con rồng.

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Giếng làng ngày mới

Giếng làng Vân Cổn, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) đã được xây dựng thêm thành và bậc lên xuống.

Về thôn Nội Tý hôm nay, biểu tượng văn hóa làng quê nằm trong một quần thể mà ở đó có sự hiện diện của cây đa, giếng nước, sân đình... Nhắc đến giếng làng, ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Chi bộ thôn Nội Tý, phấn chấn: “Xây dựng NTM nhưng lại nói chuyện cũ bởi giếng đấy là giếng cổ, trên nền tích cũ, chúng tôi muốn tạo thêm nét mới nhưng tuyệt đối không phá vỡ kiến trúc của giếng”.

Thực tế, nhiều địa phương hiện vẫn còn lưu giữ nét văn hóa làng xưa, có sự gắn kết giữa cây đa, giếng nước, sân đình, hoặc nếu chỉ còn dấu tích thì dân làng đồng thuận để khôi phục, để đích cuối cùng là có được một không gian văn hóa làng mang giá trị về mặt tinh thần. Như câu chuyện ở làng Vân Cổn, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) là ví dụ. Đình làng Vân Cổn có từ năm 1816, tuy nhiên qua thăng trầm của lịch sử và sự bào mòn của thời gian nên chỉ còn dấu tích. Đến năm 2001, đình được Nhân dân và những người con xa quê đóng góp khôi phục, tôn tạo.

Sau khi đình làng được khôi phục thì giếng làng Vân Cổn, cách đình làng khoảng vài chục mét cũng được tôn tạo. Đình làng, giếng làng Vân Cổn là của 4 thôn chung làng, gồm thôn 5, 6, 7, 8. Giếng làng Vân Cổn được xây dựng từ năm 1816, là giếng đất với đường kính gần 10m. Ông Lê Quang Nam, Trưởng thôn 7 nhớ lại: “Có đình là có giếng. Cách đây hơn 20 năm, người dân 4 thôn bắt tay vào tôn tạo, nạo vét bùn. Vào năm 2021, 4 thôn tiếp tục khôi phục, tôn tạo lần 2 đối với giếng và đình làng. Riêng giếng làng, chúng tôi xây bậc thang xuống tận đáy giếng với độ sâu 3m, xây thêm thành cao 80cm. Dân làng Vân Cổn chúng tôi luôn quan niệm, giếng làng là linh hồn của làng. Ngày xưa, giếng duy trì nguồn nước, sự sống cho dân làng, ngày nay, dù không còn dùng nước giếng làng nhưng không thể quay lưng với quá khứ, với văn hóa làng, đặc biệt khi xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, vấn đề này càng được dân làng coi trọng”.

Người của làng vẫn thường tâm niệm, khi nước giếng làng càng trong, càng đầy thì càng cho thấy sự hưng thịnh, phát triển, là điểm tốt cho ngôi làng. Thiếu giếng làng như thiếu thành tố tâm linh, bởi đó là nguồn sống thiết yếu cho sinh hoạt của con người, là mạch nguồn thiêng liêng. Vì vậy, ở một số địa phương đã xây dựng miếu thờ thần giếng.

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Giếng làng ngày mới

Ở thôn 12, xã Xuân Du (Như Thanh) bà con đã chỉnh trang khuôn viên và xây miếu thờ thần giếng.

Trong xây dựng NTM, ở thôn 12, xã Xuân Du (Như Thanh), bà con cũng đã xây miếu thờ thần giếng. Theo người dân nơi đây, giếng đất này đã tồn tại gần 100 năm. Vào năm 1969, giếng đã được xây lại bằng gạch. Năm 2018, thôn đã chỉnh trang lại khuôn viên giếng và xây miếu thờ thần giếng. Theo Trưởng thôn 12 Bùi Văn Thiên: “Thôn 12, trước đây có 3 giếng nhưng hiện chỉ còn chiếc giếng này. Giếng nhỏ nhưng đã từng nuôi sống cả làng. Đến bây giờ, một số bà con xung quanh vẫn đặt máy bơm để hút nước về sinh hoạt. Giếng được xem như báu vật của làng. Bà con xây miếu thờ thần giếng, như một cách ứng xử của dân làng đối với giếng, thể hiện ước nguyện về sự may mắn, no đủ, bình an. Ngày rằm, mùng một, bà con vẫn ra đây để thắp hương”.

Xây dựng NTM với mục đích lớn nhất là vừa nâng cao đời sống vật chất, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là NTM với xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại thì cũng phải đảm bảo hài hòa yếu tố truyền thống, đó là phải giữ được nét văn hóa làng quê, không thể để những biểu tượng văn hóa làng chìm vào quên lãng...

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]