(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại Hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2015 - 2017 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả thực chất của các thiết chế văn hóa cơ sở ở các tỉnh, thành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở: Đánh giá hiệu quả hoạt động không phải từ... ‘vỏ bọc’

Tại Hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2015 - 2017 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả thực chất của các thiết chế văn hóa cơ sở ở các tỉnh, thành.

Đề cập đến thực trạng phổ biến hiện nay của các thiết chế văn hóa “có vỏ, rỗng ruột”, không ít ý kiến băn khoăn, nếu không kịp thời tìm được lời giải thì bài toán hoạt động không hiệu quả của hệ thống này sẽ vẫn tồn tại như những thách thức.

Không chỉ cần “vỏ bọc”

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, luôn khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, trong những năm qua, các địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống này nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều công trình nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tủ sách, sân vận động... được xây dựng ở khắp các tỉnh, thành. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp cũng đã có những chuyển biến tích cực, trở thành các trung tâm hoạt động văn hoá, thể thao, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở; là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, rèn luyện thể lực và tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị. “Tuy nhiên, vẫn còn đó câu chuyện hệ thống thiết chế ở cả bốn cấp hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Đây là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, truyền thông, đồng thời khiến nhiều cử tri bức xúc, đại biểu Quốc hội chất vấn. Thực tế đó cần được nhìn nhận thẳng thắn, trách nhiệm để từ đó có biện pháp khắc phục...”, Thứ trưởng yêu cầu.

Nhấn mạnh thiết chế văn hóa là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ bốn yếu tố: Cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Yếu kém ở một khâu cũng dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của mỗi thiết chế văn hóa nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Báo cáo về thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Vi Thanh Hoài thẳng thắn, ở mỗi cấp, hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở đang bộc lộ nhiều khó khăn. Đơn cử, ở cấp tỉnh, hệthống thiết chế văn hóa cơ bản đã xuống cấp, có nơi chỉ có trụ sở làm việc, hoặc phải “đi ở nhờ”, hoặc phải hoạt động chung với các thiết chế khác. Hiện vẫn còn 20 tỉnh, thành phố còn tình trạng có “nhà văn hóa nhưng không có nhà” hoặc được giao trụ sở cũ được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.

Bên cạnh đó, trang thiết bị hoạt động hầu như đã cũ, không được bổ sung; đội ngũ cán bộ quản lý đã và đang đến tuổi nghỉ hưu, thiếu hụt những nhân tố có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn tình trạng sử dụng cán bộ trái ngành nghề, dẫn đến sự “hẫng hụt” trong tiếp nối. Kinh phí hoạt động cũng thường xuyên trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn...

Ở nhiều địa phương, một số tỉnh đã sáp nhập các đơn vị du lịch, điện ảnh, quỹ văn hóa, đoàn nghệ thuật... vào chung với Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố như Gia Lai, Bình Dương, Phú Yên, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Nam Định. Tháng 10.2016, tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi Bộ xin sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Tuy nhiên, dù còn bề bộn khó khăn song không thể thiếu sự ghi nhận những kết quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp trong thời gian qua. Nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống này đã được Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với các địa phương tổ chức. Các giao ban định kỳ hằng năm đã tạo các diễn đàn để người làm công tác văn hóa cơ sở gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các mô hình hiệu quả; thông qua đó nhân rộng những mô hình, điển hình đặc thù của mỗi địa phương, vùng miền, dân tộc.

Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng

Một trong những hiệu quả rõ nét là hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống tại một số địa phương đã vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân, vừa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. “Việc sử dụng các thiết chế văn hóa truyền thống đã bước đầu phát huy được hiệu quả tích cực. Đối với những địa phương khó khăn trong việc xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã, Nhà văn hóa- khu thể thao thôn thì đây là giải pháp tình thế phù hợp...”, bà Vi Thanh Hoài nói.

Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng, đề xuất giải pháp đã được các đại biểu thẳng thắn nêu tại hội nghị. Đề cập thực trạng hệ thống nhà văn hóa cộng đồng bị lãng quên, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, cần có cơ chế hướng dẫn về nội dung hoạt động cụ thể của các thiết chế nhà văn hóa cộng đồng, tránh tình trạng xây xong rồi bỏ phí. Cũng liên quan đến vấn đề cơ chế, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu kiến nghị các Bộ, ngành chức năng cần có sự phối hợp, hướng dẫn về cơ chế hoạt động cho cán bộ hoạt động tại trung tâm văn hóa xã nhằm góp phần khắc phục thực trạng hoạt động thiếu hiệu quả ở hệ thống này.

Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở cũng nêu những giải pháp cụ thể. Trong đó nhấn mạnh giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức đối với việc phát triển của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đặc biệt là giải pháp phát huy tính chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình thiết chế văn hóa phù hợp với nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, trước thực tế các thiết chế văn hóa chưa phát huy hiệu quả, nhiều nơi còn tạo nên sự tốn kém, lãng phí, đòi hỏi tất cả phải nỗ lực để bắt nhịp với thời cuộc, thể nghiệm nhiều mô hình mới nhằm đem đến sức sống mạnh mẽ cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở các địa phương.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tập trung chỉ đạo một số nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Thứ trưởng lưu ý, các địa phương cần mở rộng chức năng hoạt động của các thiết chế, không chỉ bó hẹp trong phạm vi các hoạt động văn nghệ, thể thao mà phải đa năng, đa dạng, thiết thực nhằm phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của người dân. Về kinh phí hoạt động, mỗi địa phương cần mạnh dạn trong từng bước thực hiện cơ chế tự chủ; việc đổi mới là tất yếu khách quan nhưng cũng không thể máy móc...

(Theo baovanhoa.vn)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]