(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghè Yên Trung thuộc địa bàn làng Yên Trung, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, nằm trong không gian của văn hóa khảo cổ Hoa Lộc. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và thời gian, nghè Yên Trung đã trở thành phế tích. Với mong muốn khôi phục lại nghè cổ làm nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và từng bước phục hồi, tôn tạo để được công nhận xếp hạng di tích văn hóa, nhân dân trong xã và khu vực lân cận đã tự nguyện quyên góp ủng hộ với số tiền lên tới hơn 8 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoa Lộc phục dựng nghè cổ Yên Trung

Nghè Yên Trung thuộc địa bàn làng Yên Trung, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, nằm trong không gian của văn hóa khảo cổ Hoa Lộc. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và thời gian, nghè Yên Trung đã trở thành phế tích. Với mong muốn khôi phục lại nghè cổ làm nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và từng bước phục hồi, tôn tạo để được công nhận xếp hạng di tích văn hóa, nhân dân trong xã và khu vực lân cận đã tự nguyện quyên góp ủng hộ với số tiền lên tới hơn 8 tỷ đồng.

Nghè cổ Yên Trung đang được tôn tạo.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Nghè làng Yên Trung trước đây có quy mô lớn, có nghi môn nội, nghi môn ngoại, nghè chính, nhà dải vũ. Riêng nghè chính cấu trúc gồm 3 cung thờ, có mái cong, vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Đồ thờ trong nghè được bài trí theo điển lễ. Gian giữa là nơi thờ Lý triều Hoàng Thái Hậu (Ỷ Lan); các gian bên thờ các quan đại thần là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Kế Nguyên và các hoàng tử Lý Hoàng Thần, Lý Chiệu Văn; Nhị vị công chúa: Bình Dương - hiệu Bạch Hoa, Thiên Thành - hiệu Đào Hoa. Trong nghè còn có hệ thống các đồ thờ như bát biểu, ngựa thờ, hệ thống câu đối, đại tự ca ngợi Đức Hoàng Thái Hậu triều Lý...

Theo sách "Thanh Hóa chư thần lục" được biên soạn dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (năm 1903) ghi chép về các vị dương thần và âm thần được thờ ở địa hạt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xã Yên Trung, tổng Liên Cừ, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (nay là xóm Yên Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc là một trong 5 nơi thời Lý triều Hoàng Thái Hậu tôn thần, có duệ hiệu là Hoàng Cảm Linh nhân Hoàng Thái hậu tôn thần (tức nguyên phi Ỷ Lan).

Về nguyên phi Ỷ Lan, các tư liệu lịch sử (chính sử, thần phả, sắc phong, truyền thuyết dân gian...) đều thống nhất nội dung như sau: Vua Lý Thánh Tông ở ngôi 17 năm (1054 - 1072), tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông. Vào năm Quý Mão ( 1063), vua tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hậu nội nhân Nguyên Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân mang sinh Hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông. Tháng Giêng, ngày Canh Dần, vua băng ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất (1072). Bấy giờ, vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng Thái Phi, tôn Thượng Dương Thái Hậu họ Dương làm Hoàng Thái Hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Năm 1073, Dương Thái Hậu mất, bà chính thức được tôn phong là Hoàng Thái hậu. Trong thời gian nhiếp chính, bà thi hành chính sách thân dân, lưu tâm đến thân phận người nghèo, khuyến kích nghề nông. Mùa thu năm Hợi (1117), ngày 25, Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu băng, bà được nhân dân trong nước tôn làm: “Lý đại mẫu nghi”. Do công đức của bà nên nhân dân trong nước nhiều nơi ngưỡng mộ, tôn bà làm Hoàng Thành của làng mình để bà che chở.

Truyền thuyết tại làng Yên Trung còn cho biết: Ngày 25 tháng 7 năm 1117, bà Hoàng Thái Hậu đang cùng dân cày cấy ở Ba Cồn, có 3 tiên ông hiện xuống nhìn thấy trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục liền gọi: “Bà ơi, trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục, bà về mà đi làm thần”. Bà trả lời: “Tôi đi làm thần, 3 ông làm bộ hạ”. Thế là giông gió nổi lên cuồn cuộn, mưa to, sấm nổ vang rền, bà về đền Hoành, vứt chiếc giỏ đeo bên mình lập tức hóa thành cái ao to hình cái giỏ, nay gọi là Đầm Giỏ. Bà thổ 3 giọt huyết, gió rước bà về miếu Nhị (nay thuộc xã Liên Lộc), rước bà về nghè làng Quan Trung (nay là làng Yên Trung) thì hóa.

Ngày 22/12/1118 (năm Bính Tuất) vua Lý Nhân Tông về phủ Thanh Hóa, đến làng Quang Trung cho xây đền thờ bà, nhiều nơi trong nước lập đền thờ bà để ghi nhớ công lao và tỏ lòng thương tiếc đối với Hoàng Thái Hậu.

Năm 1964, nghè Yên Trung bị tháo dỡ để xây trường học, nhưng đến ngày giỗ của bà, người dân vẫn đến để dâng hương cầu nguyện, tưởng nhớ đến bà. Hiện nay, nghè Yên Trung vẫn diễn ra tế lễ. Từ ngày mùng 8 đến 12 tháng 2 âm lịch - Tế Kỳ Phúc. Ngày 8 tháng 4 âm lịch - Lễ Kỳ Yên, ngày 15 tháng 5 âm lịch - Lễ Kỳ Thần.

Ông Trịnh Quốc Phượng - Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc cho biết: Được sự quan tâm của Đảng ủy, HĐND, UBND và các ban ngành trong xã cùng nhân dân đã bàn bạc và đều có ý nguyện tôn tạo, xây dựng lại nghè để đáp ứng nguyện vọng phục vụ tín ngưỡng cho bà con và phật tử, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của tiền nhân để lại. Dự kiến việc tôn tạo, xây dựng được hoàn thiện vào cuối năm 2017.

Hà Vân


Hà Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]