(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 8 năm đầu tư phát triển, khu du lịch Hải Tiến đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Du khách về đây không chỉ được tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn được tham quan, vãn cảnh, thắp hương tâm linh. Vì thế, huyện đang tích cực tập trung đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tạo điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoằng Hóa: Phát huy các giá trị di tích danh thắng

Sau 8 năm đầu tư phát triển, khu du lịch Hải Tiến đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Du khách về đây không chỉ được tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn được tham quan, vãn cảnh, thắp hương tâm linh. Vì thế, huyện đang tích cực tập trung đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tạo điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch.

Chùa Hồi Long - điểm dừng chân tâm linh hấp dẫn

Cách khu du lịch Hải Tiến không xa là chùa Hồi Long. Ngôi chùa nổi danh nằm ở trung tâm của tổng Ngọc Chuế, nay là xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa). Chùa tọa lạc trên một cồn cát cao, bằng phẳng thuộc thế đất “Tọa sơn hướng thủy”. Ngôi chùa cổ linh thiêng này được xây dựng thế kỉ XI dưới thời vua Lý Công Uẩn. Trải qua sự biến cố, thăng trầm của thời gian ngôi chùa đã bị tàn phá và nay được phục dựng lại trên nền đất cũ. Năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã bổ nhiệm sư thầy Thích Đàm Ngoan về trụ trì chùa.

Chùa Hồi Long có diện tích 3ha với kiến trúc đẹp và độc đáo được chia thành các khu: tâm linh, từ thiện, dưỡng lão. Sư thầy Thích Đàm Ngoan cho biết: để xây dựng hoàn thiện từng phần của công trình, nhà chùa đã huy động thợ và nghệ nhân nổi tiếng từ Nam Định, Huế về xây dựng. Ngôi Tam Bảo - công trình đầu tiên thuộc khu tâm linh được hợp thành bởi 3 gian: hậu cung, trung đường, tiền đường và 2 hành lang lan can đá với lối kiến trúc khá độc đáo. Tòa Tam Bảo được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá, sử dụng gần 400 khối gỗ thành khí với nhiều loại gỗ quý như: đinh hương, chò chỉ, lim, sến... Chùa được tôn cao 1,8m, trang trí mái đao rồng phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp, thể hiện nét văn hóa vùng miền. Bên trong chùa có nhiều tượng phật được làm bằng gỗ và đồng, nhất là pho tượng lớn Phật A Di Đà cao 3,3m... Hiện ngôi chùa này đã và đang phát huy tác dụng không chỉ phục vụ khách tham quan mà còn là chỗ dành cho những người cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi. Vì thế trong giai đoạn 2 nhà chùa tiếp tục hoàn thiện phần còn lại của dự án, nâng số phòng giành cho khu nhà tình thương khoảng 62 phòng.

Ấn tượng di tích đền thờ Lê Trung Giang

Điểm ấn tượng đầu tiên khi về khu di tích này được chứng kiến nhiều nét kiến trúc độc đáo. Ngoài lăng mộ và đền thờ Đại vương Lê Trung Giang còn có ngôi Tam Bảo, tháp Điều hòa Long mạch, tháp Địa linh - nhân kiệt, tháp Bảo Minh Quang Thắng.

Trong quần thể di tích còn có các công trình uy nghi như: Cung thờ Đức thánh Tản Viên Sơn, quần thể lăng năm đời phụ tá bốn đời vua Lê, bảo tháp thờ 6 đời vua, cung thờ phật hoàng Trần Nhân Tông, Nghinh môn đại đường, chùa Linh Ứng và thái miếu 26 đời vua... Theo đó là việc phối cảnh khu di tích đẹp và hoành tráng: khu vui chơi, hồ bán nguyệt, nhà bảo tàng, nhà văn hóa... Nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa trong các dịp lễ hội, nhất là những ngày xuân của nhân dân xã Hoằng Ngọc và các vùng lân cận...

Độc đáo lễ hội Kỳ Phúc đền thờ Tô Hiến Thành

Độc đáo lễ hội Kỳ Phúc tại đền thờ Tô Hiến Thành (vừa đi, vừa nấu cơm, vừa hát).

Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến) cùng với lễ hội Kỳ Phúc đầu xuân hàng năm là lễ hội truyền thống được diễn ra với nhiều hoạt động phong phú cả phần lễ và phần hội. Theo nghi thức lễ hội được tổ chức vào ngày 6/2 (âm lịch) hằng năm được 4 làng phân công nhau theo luật năm Tam Hợp. Phần nghi thức tế lễ được tổ chức trang trọng, có lễ rước kiệu, múa sinh tiền, hát ca công, tế nữ quan. Phần hội được tổ chức khá phong phú và đa dạng: nấu cơm, làm thịt gà, chơi cờ tướng, đánh đu, kéo co giữa các làng với nhau, văn hóa văn nghệ... Các hoạt động này thu hút hàng ngàn người tham gia. Đặc biệt các thí sinh phải vừa đi vừa nấu cơm và hát. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa khác như: đánh đu, chơi cờ...

Được biết Hoằng Hóa là huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Vùng biển Hải Tiến, ngoài các di tích trên còn có tượng đài "Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng". Đây là nơi tưởng niệm và ghi dấu ấn trên miền Bắc vào ngày 14/10/1967 quân và dân ta đã bắn rơi chiếc máy bay phản lực thứ 2400 của Mỹ. Tượng đài được xây dựng nhằm tưởng nhớ chiến công của các lão dân quân Hoằng Trường đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ và chiến công của các cụ đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi "Tuổi cao chí càng cao" nêu gương sáng cho đồng bào cả nước và trung đội lão dân quân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu...

Hồng Vân


Hồng Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]