(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Lai người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ông có 3 người con trai là Lê Lô, Lê Lộ, Lê Lâm đã cùng ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo từ những ngày đầu. Năm 1428, Lê Lai được xếp vào hạng thứ 3 trong số 18 công thần dự Hội thề Lũng Nhai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn (7/2/1418 - 7/2/2018): Lê Lai quên mình cứu chúa

Lê Lai người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ông có 3 người con trai là Lê Lô, Lê Lộ, Lê Lâm đã cùng ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo từ những ngày đầu. Năm 1428, Lê Lai được xếp vào hạng thứ 3 trong số 18 công thần dự Hội thề Lũng Nhai.

Đền thờ Trung túc vương Lê Lai.

Theo sử sách: Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí lẫm liệt, lo việc hầu cận cho Lê Lợi rất chu đáo. Năm Bính Thân (1416), tại Lũng Nhai (Thường Xuân), Lê Lai cùng với Lê Lợi và 17 vị tướng lĩnh tâm phúc thề cùng nhau sống chết đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Nghĩa quân lấy vùng rừng núi Lam Sơn xây dựng căn cứ để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau hội thề, do có nhiều công lao trong việc chuẩn bị quân lương, ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan Nội hầu.

Năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước. Ban đầu, lực lượng quân khởi nghĩa còn mỏng, nghĩa quân đã dùng lối đánh du kích nhằm đánh lại các đợt vây quét của kẻ thù. Do quân Minh binh hùng, tướng mạnh, nên nhiều lần nghĩa quân bị vây hãm ở núi Chí Linh (Thanh Hóa) và Khôi Huyện (Ninh Bình) rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, được Nguyễn Trãi thể hiện trong “Đại cáo bình ngô”: Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi Huyện quân không một đội.

Để tiêu diệt nghĩa quân, Tổng binh Lý Bân đã cử đô đốc Chu Quảng đem quân từ thành Tây Đô đi vây quét vùng Lam Sơn. Thấy không thể chống lại được, nghĩa quân đã rút lên Mường Một (nay là vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Quân Minh tiếp tục truy sát, Lê Lợi phải chạy lên núi Chí Linh để tạm lánh sự tấn công của kẻ thù, nhưng vẫn bị quân Minh bao vây. Vòng vây của quân địch ngày càng khép chặt, tình thế vô cùng khó khăn, lực lượng ngày một hao mòn, lương thực của nghĩa quân thì cạn kiệt “Hơn 10 ngày chỉ ăn củ nâu và mật ong, người ngựa đều khốn đốn...”

Trong tình thế nghĩa quân có thể bị tiêu diệt, Lê Lợi họp bộ tham mưu tìm kế giải nguy và hỏi các tướng “Bây giờ ai có thể làm Kỷ Tín đời xưa để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau”. Thấu hiểu được ý đồ chiến lược của chủ tướng, Lê Lai đã không ngần ngại đứng lên khẳng khái nói “Tôi xin đi, sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhớ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi vậy”. Thấy tinh thần quả cảm của Lê Lai, Lê Lợi nói “Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích, nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì”. Lê Lợi nói xong liền vái trời mà khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu các tướng tá công thần, nếu không nhớ công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”. Liền sau đó, Lê Lai cải trang làm Lê Lợi, đem 500 quân và 2 con voi chiến tới trại giặc khiêu chiến. Quân Minh tập trung lực lượng ra đánh nghĩa quân. Lê Lai cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận, hô lên “Chúa Lam Sơn chính là ta đây”, rồi đánh giết được rất nhiều giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình. Sau đó, chúng rút quân về thành Tây Đô vì cho rằng đã bắt và giết được thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn. Nhờ đó, mà nghĩa quân thoát được nạn, có thời gian, điều kiện củng cố, xây dựng lực lượng tiếp tục kháng chiến và giành thắng lợi, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Trước tinh thần nghĩa liệt quên mình cứu chúa của Lê Lai, Bình Định vương Lê Lợi đã sai người đi tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khi xét công lao các tướng trong chiến trận đã phong ông là công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa. Tháng 12 năm Kỷ Dậu (1429), giao cho Nguyễn Trãi thảo hai đạo: “Tiên ước thệ từ”, “Lai Công thệ từ” cất giấu trong tủ vàng để mãi mãi ghi nhớ công trạng của Lê Lai, lại gia phong cho ông hàm Thái úy. Năm Thái Hòa thứ nhất (1443) dưới đời vua Lê Nhân Tông ban tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước huyện thượng hầu. Đầu niên hiệu Hồng Đức (1470), dưới triều vua Lê Thánh Tông tặng là Diên Phúc hầu; đến năm thứ 15 (1484) truy tặng là Thái úy Thái quốc công, về sau gia phong là Trung Túc vương.

Sự hy sinh lớn lao của Lê Lai là đóng góp quan trọng để nghĩa quân thoát được hiểm nghèo và trở thành bất tử. Nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao của vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê, triều đình đã xây dựng đền thờ Lê Lai để nhân dân đến thăm viếng và dâng hương. Đền thờ Lê Lai (đền Tép) được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng mát ở làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Đền thờ Lê Lai được gắn liền với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, năm 1962 được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là cụm di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đến năm 2012 được Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Lê Trí Duẩn


Lê Trí Duẩn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]