(vhds.baothanhhoa.vn) - Được sự quan tâm đóng góp của phật tử gần xa cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, mới đây, ngôi tổ đường của chùa Nổ (hay còn gọi là Đại Phúc tự), xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương chính thức được khánh thành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám phá nét đẹp văn hóa ở chùa cổ Đại Phúc

Được sự quan tâm đóng góp của phật tử gần xa cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, mới đây, ngôi tổ đường của chùa Nổ (hay còn gọi là Đại Phúc tự), xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương chính thức được khánh thành.

Tham dự sự kiện có sự hiện diện của rất nhiều quan khách, trong đó có nhà sử học - giáo sư Lê Văn Lan. Ông từng có thời gian nghiên cứu sâu về chùa Nổ và khẳng định: “đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử ra đời từ khoảng 800 năm trước”.

Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: “cái tên chùa Đại Phúc đã nói lên đây là một ngôi chùa cổ, bởi nó nằm trong chuỗi phạm trù ngôn ngữ của Phật học là: “Đại từ, Đại bi, Đại hỷ và Đại Phúc”.

Căn cứ vào các giả thiết khoa học của mình, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đã thể hiện những kiến giải hết sức sâu sắc và khoa học về ngôi chùa Đại Phúc tự. Theo giáo sưchùa Nổ là tên gọi tiếng địa phương và được viết tắt từ tên đầy đủ là chùa Uy Nỗ (thuộc làng Uy Nam, xã Quảng Ngọc). Ngôi chùa có vị trí nằm tựa lưng vào dãy núi Ngọc, trước mặt là đầm nước, bên cạnh là sông Lý. Sách Đại Nam nhất thống chí có câu chép đại ý rằng, ngọn núi ở phía sau ngôi chùa này có tinh của ngọc (anh linh của đá quý). Do đó mà có tên gọi là núi Ngọc, hay còn gọi là núi Văn Trinh - tên gọi này cho thấy, ngoài vị thế phong thủy đẹp, núi Ngọc còn là một danh sơn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhân vật lịch sử Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật. Ông là Hoàng tử thứ 6 của vua nhà Trần, có vợ là Trinh Túc công chúa. Trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược (1285), Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật đã chọn núi Ngọc làm phòng tuyến để bố binh bài trận.

Sau này khi tìm hiểu về lịch sử ra đời của chùa Nổ thì các tài liệu đều nhận định, ngôi chùa được xây dựng nằm dưới chân núi Ngọc cũng vào thời điểm đó. Đến tháng 11 năm Nhâm Tuất 1922, chùa được trùng tu, tôn tạo lại. Năm 1964, đế quốc Mỹ ném bom phá núi Văn Trinh thì chùa đã bị phá vỡ hoàn toàn, chỉ còn lại các di vật cổ như: chân tảng đá hình cánh sen, khánh đá, bát hương đá, đá lan giai... Đây đều là những di vật mang đậm phong cách nghệ thuật ở thế kỷ XIII và là chứng cứ cho thấy, ngôi chùa cổ này là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân Quảng Ngọc và 4 xã tiếp giáp ở phía Nam là Quảng Trường, Quảng Vọng, Quảng Văn, Quảng Hợp.

Để khôi phục lại những nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương; đồng thời thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2008, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm và phật tử gần xa, chùa Nổ được tái thiết lại với nhiều hạng mục mới như: cổng tam quan, sân chùa, nhà tiền đường, hậu cung... Tất cả đều mang giá trị nghệ thuật đương đại, giúp du khách về tham quan có thể hiểu rõ hơn về một giai đoạn phát triển nền mỹ thuật của dân tộc. Do đó, 2011, chùa Nổ đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi từ đây ngôi chùa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ; được các cấp chính quyền quan tâm phát huy, giúp cho công tác tổ chức hành lễ và trùng tu, tôn tạo những hạng mục tiếp theo (nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Tri ân...) được tiến hành thuận lợi.

Và đó là lí do mà ngày 22/5/2015, ngôi tổ đường đã được khởi công xây dựng trên diện tích 376,59m2, quy mô 2 tòa, 14 gian và nhiều hạng mục khác. Đến ngày 24/9/2018 thì công trình được hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng là 16 tỷ đồng, trong đó nhân dân, phật tử, doanh nghiệp đã ủng hộ được 9 tỷ đồng, hiện nhà chùa đang tiếp tục kêu gọi, vận động để trả nợ 7 tỷ đồng còn lại.

Đặc biệt để làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng chùa cũng như tổ chức sinh hoạt, tu học Phật đạo của đông đảo tăng ny, phật tử, góp phần xây dựng một xã hội an vui, hòa thuận. Tại lễ khánh thành nhà tổ đường (28/10/2018), Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã công bố Quyết định bổ nhiệm đại đức Thích Nguyên Hồi làm trụ trì chùa Nổ.

Thượng Tọa Thích Tâm Đức - Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Đại phúc cho Đại đức Thích Nguyên Hồi.

Vậy là xuân này, chùa Nổ đã có thêm nhà tổ đường được đưa vào sử dụng. Cũng như cổng Nghinh Môn, Tam Bảo, Đại hồng chung..., công trình được xây dựng theo kiến trúc cổ kính từ thời nhà Trần. Vì vậy, nếu du khách muốn tìm kiếm một ngôi chùa để du xuân và tham quan, chiêm bái thường niên thì chùa Nổ có thể xem là một điểm đến lý tưởng. Bởi đây không chỉ là một trong số ít ngôi chùa có phong thủy tuyệt đẹp, cảnh sắc xung quanh thơ mộng, hữu tình mà quan trọng hơn, ở đó còn được ví như “bảo tàng sống”, phản ánh sinh động văn hóa - mỹ thuật của một giai đoạn lịch sử đúng với ý nghĩa là ngôi chùa cổ.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]