(vhds.baothanhhoa.vn) - “Văn, báo bất phân”, bởi vậy, văn chương và báo chí vẫn thường được ví như hai anh em. Nhiều nhà báo trẻ hiện nay đã dấn sang con đường văn chương. Đường còn dài, nhưng chắc chắn đó là sự thôi thúc được viết, được sáng tác.

Khi nhà báo làm thơ, viết văn

“Văn, báo bất phân”, bởi vậy, văn chương và báo chí vẫn thường được ví như hai anh em. Nhiều nhà báo trẻ hiện nay đã dấn sang con đường văn chương. Đường còn dài, nhưng chắc chắn đó là sự thôi thúc được viết, được sáng tác.

Khi nhà báo làm thơ, viết văn

Nhà báo Phạm Thanh Phương, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Công lý tại Thanh Hóa trao sách cho các em nhỏ ở Làng trẻ SOS Thanh Hóa.

Ngày làm báo, đêm cho thơ

Đó là chia sẻ của nhà báo Phạm Thanh Phương, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Công lý tại Thanh Hóa. Chỉ trong khoảng 4 tháng, Thanh Phương dồn dập cho ra mắt 3 tập thơ, đó là Chuyện của con, Người về từ cõi nhớ, Giòn tan mùa hè...

Đọc tác phẩm của Thanh Phương, người ta dễ nhận ra, nghề báo giúp cho thơ của Thanh Phương có một cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, hiện đại; một tinh thần trẻ và năng động. Anh cho biết lý do về việc liên tiếp in sách: “Cảm xúc đến thì viết thôi”.

Bắt đầu làm phóng viên từ năm 2008 qua nhiều cơ quan báo chí, hiện nay là Báo Công lý. “Công việc làm báo hàng ngày trôi đi vội vã với những tin bài thì làm thơ là công việc của cảm xúc. Nó giống như ban ngày và ban đêm nên điều khó khăn nhất với tôi là sự chuyển đổi trạng thái. Tuy nhiên cái thuận lợi là mình đi được nhiều nơi, gặp được nhiều người, có nhiều tư liệu từ cuộc sống vì thế mà cảm xúc dễ chín hơn”.

Theo lời tác giả, trong chuyến công tác tại vùng cao Lang Chánh, thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của trẻ em nơi đây, anh đã kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ mua toàn bộ áo ấm cho các em học sinh Trường Tiểu học Yên Khương. Hoạt động này đã được tổ chức vào tháng 1-2022, hơn 600 áo ấm (trị giá hơn 40 triệu đồng) trao tặng tận tay các em nhỏ nơi vùng cao, biên giới trong những ngày đầu năm mới. Cuốn sách Chuyện của con (NXB Thanh Hóa) ra đời cũng xuất phát từ mong muốn làm từ thiện. Tính đến nay, nhà báo Thanh Phương đã trao 3.000 cuốn Chuyện của con cho các cháu học sinh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh còn trao 40 triệu để sửa bàn ghế, mua 465 bộ quần áo ấm cho học sinh Trường Tiểu học Yên Thắng (Lang Chánh) với trị giá 50 triệu đồng. Anh cho biết: “Học sinh nơi đây, ngoài việc mong được no cái bụng, các em còn ước có bộ bàn ghế phẳng để viết chữ thẳng hàng”.

Động lực ấy đã thôi thúc anh xuất bản thêm một tập thơ thiếu nhi có tiêu đề Giòn tan mùa hè. Dự định của Thanh Phương là sẽ bán sách để có tiền tài trợ cho học sinh nghèo ở các trường trên địa bàn huyện Thường Xuân và Bá Thước, và chọn một trường khó khăn nhất để sửa chữa.

“Niềm vui và động lực lớn nhất để tôi làm thơ, in sách, rồi làm từ thiện là trẻ em miền núi dù khó khăn đói rét nhưng khi cầm cuốn sách của tôi, bọn nhỏ cười rất vui, hồn nhiên không một chút giả tạo. Điều đấy thì không có tiền nào mua được. Tôi nghĩ đơn giản lắm, trao đi nụ cười thì nhận nụ cười, trao đi niềm vui nhận niềm vui. Trong thời gian tới, 2 cuốn Chuyện của con và Giòn tan mùa hè sẽ tiếp tục được tái bản.

Cuốn thơ thứ 4 anh đã được 1/3 nội dung, nhưng “tôi tạm dừng vì nhận ra cảm xúc chưa đến độ”. Dù chưa biết tập thứ 4 có giữ được cảm xúc tinh khôi nữa không, nhưng chỉ qua 3 tập thơ, tôi nghĩ rằng Thanh Phương hoàn toàn xứng đáng là một nhà thơ. Đúng như lời đề từ của anh ở đầu tập thơ Người về từ cõi nhớ: “Chúng ta được sinh ra là có lý do. Hãy trân trọng từng giây phút để sống có ý nghĩa. Thơ chính là cánh cửa để ta trở về vẹn nguyên con người”.

Tôi sẵn sàng dấn thân vào con đường văn chương

Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác Lý luận và Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Ngọc Hải về công tác tại Tạp chí Xứ Thanh. Tập ký Chạy về phía mặt trời (NXB Quân đội Nhân dân, 2022) được tuyển chọn từ những tác phẩm trong suốt 10 năm làm nghề của anh.

Anh cho biết: “Chạy về phía mặt trời” là những ký sự ghi lại hành trình đông tây, là bước chân rong ruổi từ đại ngàn biên viễn phía Tây tới dọc dài miền biển phía Đông tỉnh Thanh. Mỗi con người, mỗi địa danh đều lấp lánh, lung linh bung tỏa sức sống mãnh liệt và vươn lên mạnh mẽ dưới ánh sáng mặt trời, hồn hậu, hồn nhiên như cỏ cây. Chạy về phía mặt trời mong mang đến chút tinh thần lạc quan, tin tưởng, tin yêu vào cuộc sống hiện tại vốn đầy ắp những xô bồ, vất vả và rất đỗi nhọc nhằn này.

Thế mạnh nhất của Ngọc Hải là viết ký. Những trang ký văn học giúp anh được trải nghiệm, trải lòng và suy tư. Dù đa phần các tác phẩm ký của anh là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của tạp chí, nhưng anh lại khai thác sâu ở vấn đề con người.

Chia sẻ về động lực để trình làng tập sách, anh nói: "Niềm vui lớn nhất khi cuốn sách ra đời là đã đánh dấu sự sẵn sàng dấn thân vào con đường văn chương của chính bản thân. Trước đó, tôi đã từng thiếu tự tin, thậm chí dao động. Đọc cuốn sách mọi người sẽ nhận ra sự trưởng thành của tôi về mọi mặt. Trong số 13 bài, có những bài tôi chưa ưng. Nếu ở thời điểm này thì tôi sẽ viết khác, viết hay hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn trân trọng bởi mỗi bài viết mang tính thời điểm khác nhau. Còn nhìn lại hành trình mình đã đi qua với tôi là sự thay đổi mang ý nghĩa tích cực”.

Chuyện nhà báo làm thơ có lẽ chẳng phải điều gì to tát. Bởi từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước khi những tờ báo lần đầu xuất hiện, những bậc trí thức, anh tài lúc ấy đã dấn thân làm báo, viết văn. Ngày nay, đội ngũ những người làm báo ngày càng nhiều và trưởng thành họ càng được biết đến nhiều hơn với sự dấn thân vào con đường văn chương. Trước 2 nhà báo trẻ này, ở xứ Thanh đã có rất nhiều nhà văn làm báo, và nhà báo viết văn. Quan trọng nhất đối với “phu chữ” vẫn là giữ được phẩm chất “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà...”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]