(vhds.baothanhhoa.vn) - Kể từ sau khi thành lập, CLB Thanh Hoa (ban đầu có tên là Xuân Hoa) đã là nơi gắn kết các nhà thư pháp xứ Thanh. Một thời kỳ dài, tục xin chữ đầu xuân và viết chữ Nho bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên người biết chữ Nho không ai dám viết và người dân cũng không dám xin chữ. Những năm gần đây, tục xin chữ được nhiều người xem là hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng, khởi đầu một năm. Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Thanh Hoa (ảnh trên) đã có cuộc trò chuyện về việc giữ gìn nét đẹp truyền thống này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm sao để giữ nét đẹp truyền thống?

Kể từ sau khi thành lập, CLB Thanh Hoa (ban đầu có tên là Xuân Hoa) đã là nơi gắn kết các nhà thư pháp xứ Thanh. Một thời kỳ dài, tục xin chữ đầu xuân và viết chữ Nho bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên người biết chữ Nho không ai dám viết và người dân cũng không dám xin chữ. Những năm gần đây, tục xin chữ được nhiều người xem là hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng, khởi đầu một năm. Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Thanh Hoa (ảnh trên) đã có cuộc trò chuyện về việc giữ gìn nét đẹp truyền thống này.

Làm sao để giữ nét đẹp truyền thống?

Thư pháp ngày xuân tổ chức ở Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Ảnh: Trần Đàm

Phóng viên (PV): Thưa ông, xin chữ và cho chữ nhiều năm gần đây đã trở thành trào lưu. Vậy, theo ông tại sao có trào lưu này và cái hay, cái đẹp của nó?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: Phải khẳng định đây là tín hiệu vui trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt nói chung và người xứ Thanh nói riêng. Người xin thì bộc lộ niềm mong mỏi trong năm, thậm chí trong cuộc đời mình; còn người cho chữ ngoài giấy, bút, mực, nghiên phải là người, sẵn sàng truyền tâm hồn, tư tưởng vào con chữ. Sự gặp nhau của kẻ xin – người cho tạo nên sự thăng hoa, kết nối. Để đánh giá chữ đẹp, hoàn toàn là chủ quan và cũng do nhận thức của người xin chữ. Người này bảo đẹp người kia bảo không, đó là chuyện thường. Ví dụ như Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, một trong “tứ trụ” thư pháp Việt Nam, với cá nhân tôi, nét chữ của ông ấy thực sự kỳ lạ, lại thêm bộ râu, tóc nên thần thái đáng nể. Hay như họa sĩ Phan Bảo, tôi không bàn đến con chữ đẹp chưa, nhưng, những “bức tranh chữ” của ông luôn có bố cục đẹp. Điều này cho thấy, thư pháp cũng là bức tranh chứ không phải chỉ là con chữ, con chữ đẹp nhưng phải có bố cục đẹp.

Tôi cho rằng, đã là trào lưu thì có hai mặt, cả hay và không hay. Song, cho chữ đầu năm là nét đẹp cần phải giữ gìn, bởi nó nhắc nhở mọi người về truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học, yêu cái đẹp của người Việt ta.

PV: Vậy ông nghĩ gì khi có người cho rằng hoạt động xin chữ đơn thuần để lấy vui hoặc là cầu may?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: Lấy vui hay cầu may cũng là chuyện rất bình thường và cần thiết. Đầu năm đến xin chữ gặp ông thầy hồ hởi, là sự may mắn ban đầu, sau đó được ông thầy giải thích cho chữ, hiểu được chữ, sẽ vui hơn. Tôi còn nhớ, có một cậu thanh niên đến xin cho bố mẹ già chữ Thọ, tôi viết lạc khoản hai chữ: Cung chúc và giải thích đó là cái chắp tay, cúi đầu thành tâm mà lạy. Tôi nghĩ cầu may trong sự thành khẩn, tốt chứ sao? Tuy vậy, khi các bạn trẻ đến xin chữ Tài, Trí, Thành, Đạt, Đăng Khoa... tôi vẫn thường giải thích, dù bác có cho cháu rất nhiều chữ hay, chữ đẹp không có nghĩa là cháu sẽ chắc chắn đỗ đại học, hay đạt được ý nguyện. Khi đem chữ về treo trong phòng học là để cháu nhớ rằng phải cố gắng phấn đấu để cho đạt mục tiêu và ý nguyện của mình. Xin chữ là để học tập, tu dưỡng, chứ không phải xin về để treo cho thời trang hay đèm đẹp trong nhà. Nếu không hiểu đúng về tục xin chữ, dễ biến từ xin chữ về treo thành xin một bức tranh có chữ. Do đó, khi người ta xin chữ phải hiểu tận tường, đó là hướng tới một giá trị truyền thống ngàn đời, trân trọng tri thức, cầu mong mọi điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình, bản thân và xã hội. Còn với người cho chữ, mỗi một chữ cho đi, phải kèm theo cả một câu chuyện dẫn giải về chữ và nghĩa...

Thực tế, Thanh Hóa là đất học, nhưng người thích và biết chữ Nho lại rất ít. Đất chữ, đất học mà đến nay chưa có phố ông đồ, đó là điều đáng tiếc.

PV: Hiện nay xuất hiện nhiều thầy đồ trẻ. Đó có phải là tín hiệu vui, hay cũng là sự báo động trong hoạt động xin chữ – cho chữ, thưa ông?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: Cần phải nhắc là Thanh Hóa đã có những tên tuổi về nghệ thuật thư pháp. Người cần phải nhắc đầu tiên là cụ Lê Xuân Hòa - một trong tứ trụ thư pháp của Việt Nam. Tiếp sau đó là cụ Đỗ Xuân Phong, ngoài ra còn có cụ Vũ Phi, trẻ hơn có Hoàng Tuấn Công... Còn lớp các bạn trẻ hơn nữa tham gia viết chữ, trước tiên phải đánh giá cao tinh thần. Không biết các địa phương khác thế nào chứ ở CLB Thư pháp Thanh Hoa, hầu hết mọi người đều hoạt động nghiêm túc. Xin đừng quá khắt khe khi đưa lý do kiếm tiền để đánh giá công việc. Không phải là người già không cần tiền, còn người trẻ phải kiếm tiền, người ta ai cũng cần tiền để sống. Có người nói với tôi, ông nên sửa lại mục tiêu hoạt động của CLB đi, hiện nay đang chỉ đam mê là chính, cần phải nêu rõ “có thu nhập”. Quan điểm của tôi, dù hoạt động thế nào thì vẫn phải giữ cốt cách của “ông đồ”. Người cho chữ phải trọng đạo thì mới tôn sư, bởi không trọng đạo thì chẳng thể tôn sư.

PV: Vậy, cá nhân ông có cho rằng viết chữ là một nghề?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: Nghề là có đào tạo, rèn luyện và nghề là để kiếm tiền. Nhà thư pháp phải có “hoa tay” và dày công rèn giũa. Từ viết chữ đã được nâng lên thành nghệ thuật thư pháp, đó cũng là lý do nhiều người coi chữ viết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế, một số người coi đó là nghề. Mua quả bưởi vài chục nghìn, viết thêm lên một chữ nghệ thuật bán với giá 500 nghìn, nghề có lãi quá, phải không? Song, tôi cho rằng nên coi đây là hoạt động văn hóa, một sinh hoạt văn hóa có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn là mặt vật chất.

PV: Kể từ khi CLB Thư pháp Thanh Hoa ra đời, các hoạt động xin chữ đầu xuân ở Thanh Hóa có chiều hướng phát triển. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: So với các thành phố như: Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh... hoạt động thư pháp ở Thanh Hóa muộn hơn nhiều, mãi đến năm 2000 mới thực sự được phổ biến. Trước đó, chỉ những người yêu chữ, thích chữ Hán tặng chữ cho nhau. Tôi cho rằng, tục xin chữ ngày nay vừa nhắc nhớ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, đồng thời đã dấy lên một trào lưu mới của học hành - thi cử, ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời.

Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt. Họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hoá người Việt – xin chữ đầu xuân. Tất nhiên, ngày nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như ngày xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ... đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ... đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre...; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa rồng bay” cũng vẫn là hình ảnh đẹp đẽ, rạng rỡ của ngày xuân năm mới.

Để đánh giá hoạt động xin chữ đầu xuân ở Thanh Hóa phát triển chưa thì tôi khẳng định là chưa. Nếu được quan tâm hơn thì chắc chắn các hoạt động này không chỉ dừng lại ở các điểm du lịch, đền chùa nổi tiếng, hay ở các địa điểm văn hóa trên địa bàn TP Thanh Hóa mà còn có thể lan tỏa xuống các vùng quê, các nhà thờ tổ...

PV: Năm 2021 này, nếu chuyển đổi vị trí là người đi xin chữ, ông sẽ lựa chọn chữ gì?

Nhà thư pháp Tô Xuân Bảng: Là người viết chữ, tôi tâm niệm rằng, tặng một chữ là tặng một điều tốt, định hướng phấn đấu cho người đi xin chữ. Nhiều bạn, năm trước xin chữ, sang năm sau lại đến và xuýt xoa: Năm ngoái ông cho chữ, cháu may mắn lắm ông ạ.

Nhưng nếu trong vị trí người đi xin chữ, có lẽ tôi sẽ xin chữ An. Khác với mọi năm, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nên những người xin chữ đều có ý chấp hành quy định “5K” của Bộ Y tế và đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Chúng ta đã trải qua một năm đầy biến động với dịch bệnh và thiên tai, và năm 2021 cũng sẽ còn nhiều khó khăn, chữ An không chỉ mang lại bình an cho chính mình mà còn là giữ cho những người xung quanh.

PV: Xin cảm ơn ông, chúc ông năm mới mạnh khỏe và bình an!

Kiều Huyền (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]