(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong hệ thống bảo tàng của cả nước, tôi được biết, có hai huyện có bảo tàng, đó là huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là hai vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có bề dày lịch sử lâu đời với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và nhiều địa chỉ đỏ gắn bó với lịch sử hai cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng Dư Khánh - địa chỉ đỏ cách mạng

(VH&ĐS) Trong hệ thống bảo tàng của cả nước, tôi được biết, có hai huyện có bảo tàng, đó là huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là hai vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có bề dày lịch sử lâu đời với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và nhiều địa chỉ đỏ gắn bó với lịch sử hai cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc.

Bảo tàng Hoằng Hóa tọa lạc ngay tại khu trung tâm huyện, được đầu tư từ ngân sách huyện và sự đóng góp của đông đảo nhân dân địa phương. Đây là bảo tàng tổng hợp, thể hiện một cách tương đối toàn vẹn và sinh động lịch sử văn hiến của huyện. Điểm nhấn của Bảo tàng Hoằng Hóa là phòng trưng bày: Công cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Đây cũng là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của huyện Hoằng Hóa - nơi giành chính quyền sớm nhất trong cả tỉnh vào ngày 24/7/1945, được nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá “như là phát súng lệnh đầu tiên” thể hiện tinh thần “sáng tạo và táo bạo”. Phòng trưng bày này chính là hồn cốt của Bảo tàng Hoằng Hóa, không chỉ thuyết phục người xem ở sự kiện nổi trội mà còn ở hiện vật sống hết sức giá trị và ý nghĩa.

Trở lại tìm hiểu lịch sử huyện Hoằng Hóa càng thấy rõ điều đó. Những ngày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở huyện Hoằng Hóa hết sức sôi động không khí chuẩn bị. Ngày 1/9/1930 Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hoằng Hóa được thành lập tại gia đình ông Phồn, thôn Cự Đà, xã Hoằng Minh. Do sự khủng bố, truy bức, lùng sục ráo riết của kẻ thù nên phải tạm dừng hoạt động. Tháng 6 năm 1944 tại thôn Đằng Trung xã Hoằng Đạo, Chi bộ Đảng cộng sản Hoằng Hóa được tái lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng phong trào Việt Minh được dấy lên thành cao trào, thôn Dư Khánh, xã Hoằng Đạo trở thành địa chỉ đỏ của cách mạng.

Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Đạo (1930 - 2005) ghi rõ: Người có công đấu mối liên lạc, đứng mũi chịu sào và duy trì phong trào là ông Nguyễn Huy Soạn, người thôn Đằng Trung xã Hoằng Đạo - Ông vốn là hội viên sáng lập Hội đọc sách báo của Đảng. Nhà ở của gia đình ông cũng chính là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ của Đảng. Người nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng đó là chiến sĩ cộng sản Tố Hữu. Năm 1942 sau khi vượt ngục, ông đã chọn Hoằng Hóa là nơi tổ chức hoạt động cách mạng. Cùng với gia đình bà Lê Thị Đào (xã Hoằng Phúc), gia đình ông Nguyễn Huy Soạn chính là địa chỉ đi về an toàn của đồng chí Tố Hữu. Sau này, các gia đình bà Lê Thị Đào, ông Nguyễn Huy Soạn đều đã được công nhận là gia đình có công với nước. Tố Hữu và Chi bộ Đảng Hoằng Hóa đã tổ chức được đường dây chuyển tải, tài liệu báo chí, truyền đơn mở rộng Mặt trận Việt Minh và các nội dung tuyên truyền chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa đi các cơ sở trong huyện và trong tỉnh. Tham gia tích cực các hoạt động này có các đồng chí: Nguyễn Huy Soạn, Lê Khắc Du, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Thông, Lê Khắc Khuê, Lê Khắc Loát, Lê Khắc Toản. Ông Lê Thế Sơn (người thôn Bút Cương, xã Hoằng Phúc) đảm trách chỉ huy công việc gian nan nguy hiểm này.

Những ngày chuẩn bị cho khởi nghĩa, bên cạnh việc chuẩn bị về tư tưởng, trang bị lập trường và hiểu biết cho Hội viên Mặt trận Việt Minh, tổ chức cách mạng còn tích cực trang bị vũ khí cho lực lượng cách mạng. Sách Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Đạo (1930 - 2005) trang trọng ghi: “Để có điều kiện cho tự vệ huấn luyện, phong trào rèn sắm vũ khí thô sơ được phát động khẩn trương trong các thôn. Một lò rèn bí mật tổ chức tại gia đình ông Lê Đình Xới ở Cầu Hiền do ông Phó Sỹ phụ trách đã rèn được 7 con kiếm, cán đầu rỗng, trang bị cho 7 tự vệ ở Cầu Hiền. Tiếp theo phong trào rèn sắm vũ khí được mở rộng ra nhiều nơi trong xã, như lò rèn ông Lê Khắc Khuê (Dư Khánh) do ông Lê Khắc Loát phụ trách...”. Làng Dư Khánh tiếp tục được chọn là nơi mở lớp huấn luyện quân sự do Tỉnh ủy phụ trách huấn luyện. Đồng chí Đinh Chương Lân thay đồng chí Tố Hữu trực tiếp chỉ đạo vào tháng 6/1945. Cũng sách này viết tiếp: Chỉ thị: “Sắm sửa vũ khí đuổi thù” của Trung ương Đảng và chỉ thị “Kịp sửa soạn khởi nghĩa” của Tỉnh ủy được truyền đạt tại lớp học quân sự ở Dư Khánh do Tỉnh ủy tổ chức, đã tạo ra khí thế mạnh mẽ cho phong trào xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu địa phương”. Tại Bảo tàng Hoằng Hóa đã có bức tranh sơn dầu vẽ minh họa cho cơ sở lò rèn vũ khí ở gia đình ông Lê Khắc Khuê do ông Lê Khắc Loát phụ trách và bức ảnh chụp lưu niệm những người tham gia ở lò rèn này trở lại thăm. Ở mặt trận nóng bỏng và nguy hiểm luôn rình rập này phải kể đến vai trò của anh em dòng họ yêu nước Lê Khắc, trong đó người có hiểu biết, có tay nghề kỹ thuật là ông Lê Khắc Loát, nhờ uy tín mời được ông Phạm Văn Tướn - một thợ rèn lành nghề ở đất thợ Tiến Lộc, Hậu Lộc về thực hiện. Sau này 5 người con họ Lê Khắc là: Lê Khắc Bút, Lê Khắc Bính, Lê Khắc Khuê, Lê Khắc Loát, Lê Khắc Khản còn tích cực và là nòng cốt trong “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” của xã. Họ là những người con ưu tú kiên trung của xã đã góp của, góp công, đương đầu với hiểm nguy và họ đã được vinh danh là “Gia đình có công với nước”. Hiềm một nỗi trong số 5 người vừa là anh em vừa là đồng chí ấy có 4 người đã vinh dự được nhận “Bằng có công với nước”. Chẳng hiểu do lý do khách quan nào ông Lê Khắc Loát vẫn chưa được nhận tấm bằng xứng danh này. Cách mạng đã thành công, ngày 24/7/1945 tại Cồn Mã Nhón xã Hoằng Đạo đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng táo bạo của 13 chiến sĩ tự vệ bắt sống 13 lính bảo an và tri phủ Phạm Trung Bảo đánh dấu mốc son cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa, công sức của họ đã được đáp đền không có lý do nào lại không công nhận cho ông, để đồng chí và nhân dân trong thôn khỏi phải trăn trở nghĩ suy.

Làng Dư Khánh càng minh chứng là địa chỉ đỏ cách mạng khi sau này là nơi thành lập và diễn ra các sự kiện quan trọng của huyện: Ngày 25/7/1945 Thành lập ủy ban dân tộc giải phóng huyện; ngày 17/8/1945 thành lập Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện; ngày 18/8/1945 Hội nghị Ban khởi nghĩa và Ủy ban dân tộc giải phóng thông qua kế hoạch hành động thống nhất trong ngày khởi nghĩa toàn tỉnh.

Trở lại làng Dư Khánh, nay đã có nhiều đổi thay cùng sự đổi thay chung của toàn huyện, đời sống nhân dân ổn định, nhu cầu hưởng thụ văn hóa đã được đảm bảo, song còn ở mức trung bình. Những trăn trở nghĩ suy cho một tương lai mới sáng lạn, xứng với ông cha, xứng là làng quê cách mạng, làng quê văn hóa còn hiện hữu. Làng Dư Khánh một lòng một dạ thủy chung với cách mạng, và nay vẫn cần nhận được sự quan tâm cụ thể thiết thực của xã, của huyện và của tỉnh.

Nguyễn Hữu Ngôn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]