(vhds.baothanhhoa.vn) - 29 năm làm quan cho 4 đời vua Lê chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng, ông luôn là vị quan mẫn cán tiêu biểu và làm đến chức Thượng thư bộ binh, Thiếu bảo, tước Viễn gia hầu, đó là Lê Bật Tứ người đất Cổ Định xưa, nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn.

Lê Bật Tứ và tư tưởng trung quân ái quốc của kẻ sĩ Cổ Định

29 năm làm quan cho 4 đời vua Lê chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng, ông luôn là vị quan mẫn cán tiêu biểu và làm đến chức Thượng thư bộ binh, Thiếu bảo, tước Viễn gia hầu, đó là Lê Bật Tứ người đất Cổ Định xưa, nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn.

Lê Bật Tứ và tư tưởng trung quân ái quốc của kẻ sĩ Cổ ĐịnhDi tích quốc gia đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ ở làng Cổ Định xưa, nay là thị trấn Nưa (Triệu Sơn).

Lê Bật Tứ sinh năm 1562 trong một dòng họ khoa bảng, nhiều người thành đạt. Từ cụ thủy tổ Lê Duy Đàn đến ông là 11 đời thì có 8 đời đỗ tiến sĩ, và rất nhiều đời làm đại quan. Vốn học rộng tài cao, nhưng mồ côi cha mẹ từ khi lên 8 tuổi, nên ông quyết tham gia các kỳ thi để vinh quy bái tổ. Và ở hai kỳ thi hương năm 1584 ở Sơn Tây; Lỗ Hiền, Thanh Hóa năm 1592 ông đều đỗ nhất nhì. Đến năm Mậu Tuất 1598, Vua Lê Thế tông mở khoa thi hội ở Cẩm Vân Đình (thành phố Nam Định ngày nay), ông tham gia và đỗ thứ 2 trong số 5 tiến sĩ vào thi Đình. Sau gần 30 năm lưu lạc, khi này ông mới trở về làng vinh quy bái tổ.

Khi Lê Kính tông lên ngôi (1600), ông được nhận tước Diễn Gia hầu, rồi sau đó làm chánh sứ sang Trung Quốc triều kiến nhà Minh (1606); và trở về nước năm 1608, được phong làm Tả thị lang bộ Hộ. Sách “Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng ở Tân Ninh” có ghi: Tể tướng Quận công Lê Bật Tứ là một nhà ngoại giao có tài, từng được làm chánh sứ đi sứ nhà Minh. Trên xứ người, Lê Bật Tứ đã xuất sắc trong việc thi tài, thể hiện tài hùng biện, mưu lược uyên thâm, hoàn thành tốt sứ mệnh ngoại giao đưược vua khen thưởng.

Nhắc đến Lê Bật Tứ, sử sách ghi tên một vị quan học rộng biết nhiều, dũng cảm nhiều lần dâng khải lên chúa, hết lòng lo lắng cho vận mệnh quốc gia, vì dân, vì nước. Đầu năm 1610, ông dâng khải lên chúa Trịnh Tùng đề nghị hai việc: Xin định ngôi thế tử và giao cho giữ binh quyền để cố kết lòng dân; Xin xử trí các cường phiên - các tù trưởng vùng xa được hưởng thế tập cha truyền con nối – chuyên quyền một trấn để thống nhất chế độ. Mặc dù hết lời ca ngợi nhưng chúa Trịnh Tùng lại không thể tiến hành theo.

Năm 1618, ông lại dâng khải điều trần 6 việc: Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp; Xin đè nén kẻ quyền hào địa phương để nuôi sức dân; Xin cấm phu dịch phiền hà để đời sống của dân được đầy đủ; Xin bớt xa xỉ để của cải trong dân được thừa thãi; Xin dẹp trộm cướp để dân được yên; Xin sửa sang quân chính để bảo vệ dân. Những điều trần này được chúa Trịnh Tùng khen ngợi và cho thực hiện.

Với mong muốn “đẹp lòng dân, được ý trời, khí hòa đem đến điềm lành, Nhân dân no đủ, thế nước vững yên” cho thấy tư tưởng trung quân ái quốc của kẻ sĩ Cổ Định - Tân Ninh đã rất tiến bộ, tất cả vì dân, lấy dân làm gốc. Vì thế ông được chúa yêu dân kính là chuyện dễ hiểu

Là người có chữ, ông đề cao vai trò của văn hóa trong gia đình, làng xã. Vì thế việc canh tân làng xã, xây dựng một nếp gia phong trong họ tộc được ông chú ý, đặc biệt là chú ý tới việc học của con em. Rất tiếc là đến nay không còn nhiều tư liệu chính sử ghi chép về thân thế sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, Lê tướng công từ bi kí, tấm bia hiện còn trong đền thờ ông ở thị trấn Nưa (Triệu Sơn) đã thể hiện khá đầy đủ hành trạng của ông.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, ông được Nhân dân kính trọng bởi tính cách mẫn tiệp, hết lòng lo lắng cho dân, cho vận mệnh quốc gia. Đối với người dân làng Cổ Định, Hoàng giáp Lê Bật Tứ đã dành một tình cảm đặc biệt, năm 1609 ông cho xây dựng chùa Lam Sơn cho làng gọi là Phúc Hương Tự (sau này gọi là chùa Cả).

Năm 1627 sau khi tuần thú ở phía Nam về, khi qua quê hương tạm đóng quân lại nghỉ ngơi. Nhân đó để giúp làng tránh lũ lụt hàng năm, do nước ứ đọng ở sông Lãng chảy không kịp, ông đã triển khai cho đào sông nhân tạo nối sông Lãng chảy sang sông Hón, nơi được khơi thông đó gọi là “mau” Đan lồ, chảy xuôi theo sông Nổ Hẻn rồi chảy vào sông Hoàng Giang ra biển…

Ngoài ra ông còn xây cho làng một khu văn hóa ở Cồn Chợ, có lớp học để con em có chỗ học hành, kết thúc hàng nghìn năm không có trường sở ở làng xã, trẻ lớn lên được học tại quê mà không phải đi học ở nơi khác nữa.

Ngày 15 tháng 10 âm lịch năm 1627, ông đột ngột qua đời khi đang tại nhiệm. Vua Lê Thần Tông vô cùng thương tiếc, triều đình nghỉ triều phục 3 ngày, cử triều thần nhạc quan thay mặt nhà Vua đến đọc điếu văn trong lễ truy điệu, ra chỉ dụ xây đền thờ và dựng bia đá ghi công đặt ở đền thờ, thờ cúng chu đáo và tặng phong Thái Bảo Diễn quận công, ban tên Thụy là Hòa Nghĩa.

Lê Bật Tứ và tư tưởng trung quân ái quốc của kẻ sĩ Cổ Định“Lê tướng công từ bi” (Bia ông tướng họ Lê), do vua sai khắc bài minh ghi nhận công đức của Hoàng giáp Lê Bật Tứ.

Sau Lê Bật Tứ, dòng họ Lê còn nhiều người đỗ đạt và giữ các chức vụ lớn. Phát huy truyền thống hiếu học và khuyến học, con em của dòng họ Lê Bật Cổ Định đã có nhiều người học tập thành đạt, có nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... Được biết, sau khi Hội Khuyến học xã Tân Ninh được thành lập năm 2000 thì cuối năm đó, dòng họ Lê Bật cũng thành lập Chi hội Khuyến học với các phương châm hoạt động: Xây dựng gia đình hiếu học - khuyến học, trong đó yêu cầu với học sinh phải: Học - hỏi - hiểu – hành. Tất cả con em trong dòng họ từ năm 2004 - 2005 trở đi phải ít nhất tốt nghiệp lớp 12, nếu không học lên được thì gia đình phải cho con đi học một nghề. Và mỗi gia đình đều sẵn sàng đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học của chi hội dòng họ, của xã và tham gia học tập, khuyến khích người lao động đến học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng. Thực hiện xã hội hóa giáo dục ở địa phương, ông Lê Bật Liêm - Ủy viên Hội đồng gia tộc Lê Bật đã đứng ra thành lập trường THPT dân lập đầu tiên ở huyện Triệu Sơn và tổ chức nhiều hội thảo, viết sách để giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương và dòng họ cho các thành viên trong dòng họ.

Cả cuộc đời của Hoàng giáp Lê Bật Giáp là sự cống hiến và tận tụy. Ngoài tư tưởng trung quân ái quốc, ông còn làm mọi việc vì dân, lấy dân làm gốc. “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đã xếp Hoàng giáp Lê Bật Tứ là một trong 39 vị phò tá có công lao tài đức đời Lê Trung hưng. 29 năm làm quan, ông đã thể hiện đầy đủ tư tưởng nhân văn, tinh thần dân tộc của một vị quan có tâm, có tài, một danh nhân yêu nước chân chính. Người dân Cổ Định thật tự hào khi Hoàng giáp Lê Bật Tứ được lưu danh ở bia Văn Miếu quốc tử giám Hà Nội.

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, chiến tranh tàn phá, Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Men theo con đường nhỏ, ngay từ cổng vào hoen gỉ, nhiều cột kèo trong đền thờ Lê Bật Tứ bị mối mọt, phần mái hư hỏng nặng nề.

“Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 460 năm sinh và tưởng niệm 395 năm ngày mất của danh nhân Hoàng giáp Lê Bật Tứ, thị trấn Nưa và hội đồng gia tộc họ Lê Bật đã trình đề nghị khảo sát đưa vào tôn tạo chống xuống cấp. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với nguồn ngân sách của nhà nước và xã hội hóa, đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ sẽ sớm được trùng tu”, ông Lê Văn Sơn, công chức văn hóa thị trấn Nưa (Triệu Sơn) cho biết.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng ở Tân Ninh” (NXB Thanh Hóa, 2017).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]