(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2023, Lễ hội Bà Triệu được tổ chức long trọng gắn với lễ kỷ niệm 1775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2 năm Mậu Thìn 248 - 22-2 năm Quý Mão 2023) và đón nhận quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu là Di sản phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1843/QĐ-BVHTTDL ngày 4-8-2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ hội đền Bà Triệu - giữ gìn di sản văn hóa dân tộc

Năm 2023, Lễ hội Bà Triệu được tổ chức long trọng gắn với lễ kỷ niệm 1775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2 năm Mậu Thìn 248 - 22-2 năm Quý Mão 2023) và đón nhận quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu là Di sản phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1843/QĐ-BVHTTDL ngày 4-8-2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ hội đền Bà Triệu - giữ gìn di sản văn hóa dân tộcRước kiệu trong Lễ hội đền Bà Triệu năm 2018. Ảnh tư liệu Ngọc Huấn.

Từ làng cổ Phú Điền

Làng Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) là một làng Việt cổ, xưa thường được gọi là Kẻ Bồ, sau gọi là trang Bồ Điền, lại có tên gọi khác là Bần Điền. Với địa thế hiểm yếu nằm giữa núi Bần và núi Tùng với rừng cây rậm rạp và nhiều quả đồi thấp, nên khi Bà Triệu tiến hành cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô thì nơi đây trở thành căn cứ quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Sinh thời, Bà Triệu đã lập đàn thề với chí khí: “sinh vi tướng, tử vi thần” nghĩa là: “sống làm tướng, chết làm thần”. Sau khi Bà mất, Nhân dân đã xây dựng lăng mộ của Bà trên đỉnh núi Tùng và dựng đền thờ dưới chân núi Gai. Nhân dân làng Phú Điền tôn bà là Thần hoàng làng. Hàng năm, vào ngày 22 tháng 2 âm lịch, nhằm ngày mất của bà, người dân trong làng tập trung cùng nhau tổ chức lễ tưởng niệm bà (vị nữ thần được triều đình phong kiến phong sắc “Thượng đẳng thần”). Trong lễ ấy, cộng đồng tiến hành các nghi lễ, hèm tục, sau này là các cuộc tế lễ long trọng nhằm bày tỏ lòng biết ơn đến vị thần đã che chở cho dân làng trong năm qua. Người dân dâng lên những thức ăn, những sản vật tốt nhất, ngon nhất mà họ thu hoạch được trong năm như một sự báo công và tạ ơn thần, đồng thời để cầu xin thần tiếp tục phù hộ cho dân làng trong năm tới phát đạt hơn.

Cùng với nghi lễ ăn uống, bà con còn tổ chức các trò vui chơi, những trò vui ấy xuất phát từ chính cuộc sống lao động hàng ngày. Những năm được mùa, người dân trong làng còn tổ chức đám rước (rước kiệu thần). Cứ như vậy năm này qua năm khác, đời này qua đời khác những nghi lễ, trò vui chơi giải trí được bồi đắp dần thành ngày hội có quy mô lớn, truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội đền Bà Triệu được diễn ra trong toàn bộ không gian liên quan đến việc thờ cúng và hoạt động của Bà Triệu cũng như nghĩa quân của Bà ở làng Phú Điền, đó là đền Bà Triệu (đền thờ chính) ở dưới chân núi Gai - đình làng Phú Điền (nơi Nhân dân làng Phú Điền thờ Bà Triệu làm Thành hoàng của làng) - Đền Linh Quang (thờ thần Linh Quang – nơi Bà Triệu thường đến đây làm lễ trước khi xuất trận) - miếu Bàn Thề (nơi vị chủ tướng Bà Triệu cùng với các nghĩa sĩ thề quyết sống mái với quân thù) - Mộ ba ông tướng họ Lý là tướng của Bà Triệu) và Lăng mộ Bà Triệu (ở trên đỉnh núi Tùng).

Những ngày này, tại đình làng Phú Điền, người dân đang rộn rã công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Bà Triệu năm 2023. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lễ hội tạm hoãn các hoạt động lớn. Năm 2003, lễ hội được tổ chức long trọng gắn với lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội đền Bà Triệu. Tại đình làng, 5 loại kiệu rước được ông Thủ từ Đặng Xuân Cường và đội rước kiệu xã Triệu Lộc vệ sinh, sơn, sửa lại đẹp đẽ, cẩn thận. Nghi thức rước kiệu là bước quan trọng trong Lễ hội đền Bà Triệu nên công tác kiểm tra, chuẩn bị kiệu được ban tổ chức, người dân thực hiện chu đáo, trang trọng. Đội tế nữ quan là chị em phụ nữ trong làng Phú Điền, các thôn, cũng đang tập lại các bước trong tế lễ. Cờ hội cũng được kiểm tra, sơn, bổ sung thay mới những chiếc hư hỏng… Với người dân nơi đây, lễ hội là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với Vua Bà, cũng là dịp gặp gỡ, gắn kết tình đoàn kết làng xã.

Đặc sắc lễ rước kiệu

Từ xa xưa, lễ hội đền Bà Triệu đều gắn liền với tục rước kiệu thần, một tục lệ không thể thiếu được trong ngày hội, vì có quy mô hoành tráng nhất và tập hợp đông đảo mọi người tham gia. Số lượng vật dụng cũng phong phú nhất bao gồm: kiệu các loại như kiệu bát cống, kiệu võng, kiệu hương…, đồ tế khí gồm cờ, quạt, tàn, lọng, trống, voi, ngựa; đội nhạc, múa rồng, múa lân. Tục rước kiệu ở lễ hội đền Bà Triệu được diễn ra vào ngày chính hội là ngày 22 tháng 2 âm lịch. Ngay từ sáng sớm, sau khi hồi trống lệnh được phát lên, ông chủ tế được ban tổ chức phân công cùng với đại diện chức sắc trong làng, đội bát âm nghi lễ chỉnh tề đi vào hậu cung, khấn vái xin thần để được rước lô nhang và các di lệnh của thần đặt vào kiệu thần để bắt đầu tiến hành cuộc rước. Cuộc rước kiệu được bắt đầu (khởi kiệu), từ sân đền chính. Theo một hiệu lệnh, cuộc rước bắt đầu. Những người trong đoàn rước kiệu Hương Án, kiệu Bát Cống, kiệu Song Loan, kiệu Long Đình đều mặc áo màu đỏ viền màu đen, phía trước và sau áo có chữ “phụng sự” bằng chữ Hán, đầu chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ, chân đi giày hạ. Đi cuối cùng là kiệu Võng gồm hoàn toàn là nữ giới có nhan sắc, được dân làng lựa chọn. Đi sau đoàn rước là quan viên, kỳ lão chức sắc, Nhân dân làng Phú Điền và những người tham dự theo kiệu đến các nơi thờ tự làm lễ. Con đường rước kiệu truyền thống bắt đầu từ đền Bà Triệu tới đình Phú Điền, sau đó đến nghè Linh Quang, miếu Bàn Thề, và kiệu rước đến núi Tùng nơi có Lăng mộ Bà Triệu và mộ ba ông tướng họ Lý. Trong suốt quá trình rước kiệu, các cỗ kiệu bỗng nhiên bắt đầu quay về bốn hướng trong một không gian rất hẹp. Các chân kiệu là những thanh niên trai tráng say sưa trong màn kiệu quay như tái hiện ngày hội trận năm nào của Vua Bà...

Cùng với nghi thức rước kiệu, tế lễ là nghi thức quan trọng và thiêng liêng nhất của hội lễ đền Bà Triệu. Người dân thực hiện những nghi lễ, dâng lễ vật để bày tỏ lòng biết ơn vào báo cáo với thần về những thành quả trong một năm làm ăn vừa qua. Đồng thời tiếp tục thực hiện những mong ước, nguyện vọng của mình cầu thần linh cứu giúp, che chở trong năm tới. Các bước tế được thực hiện một cách bài bản và gần như thống nhất trong tục lệ truyền thống ở các làng xã xưa. Tế lễ ở đền Bà Triệu gồm có Lễ Yết Cáo (còn gọi là lễ tam sanh), Lễ tế Mao huyết, tế Phụng nghinh, Đại tế và tế Nữ quan. Tại các địa điểm trong Khu Di tích Bà Triệu (đình Phú Điền, đền Đệ Tứ, miếu Bàn Thề, Lăng Bà Triệu), các thủ từ túc trực hương khói suốt ngày đêm đón du khách thập phương, các hội đồng niên và Nhân dân đến dâng hương, tiến lễ. Trong lễ hội đền Bà Triệu còn có các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống…

Đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Từ giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, Lễ hội đền Bà Triệu vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022 và được tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận từ ngày 11-3 đến 13-3 (tức ngày 20 đến 22 tháng 2 năm Quý Mão 2023). Lễ hội truyền thống đền Bà Triệu là một di sản văn hóa phi vật thể nằm trong tổng thể di tích Bà Triệu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, lễ hội đền Bà Triệu là điển hình cho nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng làng xã, thu hút tất cả các tầng lớp tham gia, phản ánh sự kết nối cộng đồng, biểu dương sức mạnh tổng thể, vì thế đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với người dân ở làng trong cộng đồng làng xã. Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển cho cả làng, sự bình yên cho từng cá nhân, niềm hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự bội thu của mùa màng, sự sinh sôi của gia súc mà từ bao đời nay đã quy tụ vào niềm mơ ước chung là “Nhân khang vật thịnh”. Lễ hội Đền Bà Triệu là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt của di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu nói riêng và giá trị lịch sử văn hóa của cả nước nói chung. Những giá trị này gắn liền với quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy Khu Di tích Bà Triệu đã có cách đây trên 1.000 năm lịch sử. Cũng từ đó, đã trở thành động lực thúc đẩy mỗi người dân và chính quyền địa phương tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, đóng góp về vật chất, tinh thần, công sức để di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn Lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Bà Triệu của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa năm 2021).

Bài và ảnh: THẢO nGUYÊN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]