(vhds.baothanhhoa.vn) - 600 năm đã trôi qua nhưng hào khí của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn in đậm trong tâm trí của bao thế hệ người dân đất Việt. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra một vương triều Hậu Lê kéo dài gần 360 năm. Để làm nên thắng lợi vĩ đại đó ngoài sự lãnh đạo tài tình của Lê Lợi còn có sự đóng góp rất lớn của các nghĩa quân, nhân dân các nơi. Lê Lâm là một trong những tấm gương tiêu biểu, đã cùng cha và hai anh tham gia cuộc khởi nghĩa, lập được nhiều công lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Lâm với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

600 năm đã trôi qua nhưng hào khí của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn in đậm trong tâm trí của bao thế hệ người dân đất Việt. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra một vương triều Hậu Lê kéo dài gần 360 năm. Để làm nên thắng lợi vĩ đại đó ngoài sự lãnh đạo tài tình của Lê Lợi còn có sự đóng góp rất lớn của các nghĩa quân, nhân dân các nơi. Lê Lâm là một trong những tấm gương tiêu biểu, đã cùng cha và hai anh tham gia cuộc khởi nghĩa, lập được nhiều công lớn.

Lê Lâm là con trai út của Lê Lai, là phụ thân của Lê Niệm. Ông là người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, lộ Thanh Hóa (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ông không rõ sinh năm nào. Năm 1430 trong trận đánh Ai Lao, ông trúng tên tẩm thuốc độc của địch và hy sinh tại động Hồng Di. Ông nội là Lê Kiều làm phụ đạo trong vùng, là người giỏi võ nghệ. Mẹ là Lê Thị Đạo.

Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, nổi tiếng vềtài năng, đức độ, lại chứng kiến những tội ác mà giặc Minh gây ra cho nhân dân, Lê Lâm đã sớm gia nhập nghĩa quân Lam Sơn ngay từ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa. Ngày 2, tháng Giêng, năm Mậu Tuất, tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi đã cùng với Nguyễn Trãi và những người thân tín dựng cờ khởi nghĩa xưng là Bình Định Vương truyền hịch kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh quân xâm lược nhà Minh. Lê Lợi đã phong cho Lê Lâm chức Đại tướng - “Hoàng đế dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, phong chức Đại tướng quân và chức Thừa tướng cho: Lê Khang, Lê Luân, Lê Sao, Lê Lễ, Lê Hiêu, Lê Nhữ Tri, Lê Cố, Trịnh Thác, Trịnh Hối, Lê Thỏ, Lê Lý, Lê Lôi, Lê Khắc Phục, Lê Định, Lê Lãng, Lê Vấn, Lê Cuống, Lê Chiêm, Lê Đệ, Lê Khiêm, Lê Trinh, Lưu Đàm, Lê Lâm, Lê Nghiệm, Lê Văn Giáo, Trần Đạt, Trần Khai, Lê Cảnh Thọ, Phạm Lung, Lê Sát, Trương Lôi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Lê Nỗ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Vũ Oai, Trịnh Vô, Lưu Hoạn, Trần Hốt, Đỗ Bí, Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Lê Thận và Lê Văn An”.

Ngày 4, tháng 4, năm Mậu Tuất (1418), Bình Định Vương Lê Lợi kéo quân về Lam Sơn, sai Trịnh Đồ, Trịnh Khả, Trương Lôi đem vàng bạc đút lót tướng lĩnh nhà Minh là Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ nhằm hoãn binh. Chúng nhận vàng bạc nhưng sau đó chúng tấn công vào Lam Sơn. Nghĩa quân phải rút lên Lạc Thủy (huyện Cẩm Thủy ngày nay), Bình Định Vương cho đặt phục binh để đợi giặc đến. Khi quân địch kéo đến quân ta nổi dậy đánh, các tướng Lê Thạch, Trịnh Đồ, Lê Ngân, Nguyễn Lý xông lên hãm trận, Lê Lâm cùng anh là Lê Lô thúc quân từ hai sườn núi đánh tràn xuống. Địch vỡ thế trận, quân ta chém đầu hơn 3 ngàn quân địch, thu được nhiều vũ khí. Sau chiến thắng ở Lạc Thủy, Lê Lâm được thăng chức Tả trung quân thần vệ, tước Chiêu nghĩa bá.

Ngày 20, tháng 11, năm Tân Sửu (1421), Lý Bân phái tướng nhà Minh là Trần Trí dẫn quân ở các vệ Giao Châu tấn công căn cứ nghĩa quân Lam Sơn ở Ba Lẫm, ải Kình Lộng. Trước tình hình đó, Bình Định Vương bàn với các tướng - “Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân hành đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng”. Lê Lợi đã sai các tướng mai phục, Lê Lâm và Lê Lô đem hai cánh quân phục binh ở đèo Ủng Ải để chờ địch, khi Trần Trí đem quân đến Ủng Ải (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) hai cánh quân mai phục từ hai sườn núi đánh tràn xuống tiêu diệt được nhiều tên địch. Bị đánh bất ngờ giữa một địa thế hiểm trở, Trần Trí thua trận phải rút quân về. Sau chiến thắng ở Ủng Ải, Lê Lâm được thăng Tả trung quân Thần vệ hiệu úy, Tham đốc phủ Chiêu nghĩa hầu.

Tháng 9 năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn giải phóng đồn Đa Căng, tiến đến Bồ Lạp châu Trà Long (Nghệ An) nhằm mở chiến lược tiến công quân giặc trên địa bàn cả nước. Khi quân ta đến châu Trà Long tướng nhà Minh là Sư Hựu và Tri phủ Trà Long là Cầm Bành dẫn quân đón đánh mặt trước và Trần Trí, Lý An đem quân đuổi đánh mặt sau. Trước tình hình đó Lê Lợi đã chia quân vào rừng mai phục, tại trận này Lê Lâm cùng các tướng đem quân ra đánh, chém được tướng giặc Trần Trung và Trương Bản.

Sau những trận đánh và giành thắng lợi lớn tiêu diệt được nhiều tên giặc, năm 1428, Lê Lợi xét công phong thưởng cho quân thứ thủ, thiết đột theo vua từ buổi đầu cuộc khởi nghĩa. Lập được nhiều công lớn, Lê Lâm được đứng ở hàng thứ ba trong các công thần khai quốc, được phong Trung lương đại phu câu Kiềm vệ tướng quân, tước Thượng trí tự, Suy trung đồng đức Hiệp mưu Bảo chính công thần, ban quốc tính họ vua, tước Trung quận công.

Năm 1430, giặc Ai Lao xâm chiếm nước ta, vua Lê Thái Tổ sai Lê Lâm đem quân chinh phạt. Khi Lê Lâm đem quân truy kích giặc ở động Hồng Di, ông đã trúng phải chông độc mà chết. Vua Lê Thái Tổ vô cùng thương tiếc đã ban cho Lê Lâm chức Thiếu úy, tước Trung quốc công tên thụy là Uy Vũ.

Lê Lâm có vợ là Lê Thị Kim, hiệu là Từ Huấn, có một người con trai duy nhất là Lê Niệm. Năm Quang Thuận Thứ nhất, Canh Thìn (1460), Lê Niệm do có công dẹp loạn Nghi Dân và bè đảng phản nghịch Phạm Đồn, Phan Ban đưa Lê Tư Thành(Lê Thánh Tông) lên ngôi vua. Sau khi lên ngôi vua Lê Thánh Tông thăng chức tước cho Lê Niệm. Trong tờ sắc dụ của vua có viết: “Khi trước, đức Thái tổ ta dựng nên nghiệp lớn. Cha ngươi là Lê Lâm rong ruổi khắp đông, tây, vì nước bỏ mình. Đến khi Thái Tông nối chí trước noi nghiệp cũ, nhớ đến công cha ngươi thì bấy giờ ngươi còn tuổi trẻ chưa làm quan được. Đến Nhân tông ủy cho công việc ở tướng phủ, rồi lại cho ra trấn cõi ngoài. Bỗng đâu biến sinh từ kẽ nách, ngươi lại hết sức lo toan để phục hồi. Ngọn giáo vung lên kẻ gian tà nộp đầu; xe vua lại trở về, tôn xã được yên vững. Ngươi đã dựng nên công không ai bằng thì đáng giữ mãi sự vinh hiển to không ai bằng. Trên thì cơ nghiệp của tổ tôn ta càng thêm tỏ rạng; dưới thì công cha con ngươi ngày càng rực rỡ. Há chẳng sướng lắm ru!”). Lê Lâm được phong tặng Đô đốc. Năm Hồng Đức thứ 15, Lê Lâm được gia tặng Thái úy, tước Trung quốc công.

Đền An Lạc xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa nơi thờ Lê Lâm.

Là một võ tướng có nhiều công lao lớn làm nên chiến thắng vang dội của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao, nhân dân đã lập đền thờ ông. Tại xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa đã lập đền An Lạc hay còn gọi là Đền Lê công thần nhằm thờ dòng họ con cháu Lê Lai: Lê Lai, Lê Lâm, Lê Niệm, Lê Khủng. Năm 2001 đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tại đền hiện nay còn lưu giữ các sắc phong dòng họ Lê Lai.

Sắc phong tước vương cho Thái úy Trung quốc công Lê Lâm:

“Sắc cho bậc thần thôi Trung đồng đức, hiệp mưu bảo chính tịnh nan, tuy hữu Lũng Nhai khai quốc công thần, Thái úy Trung quốc công, tặng tên thụy là Uy Vũ, bao phong: Kiến nghĩa dực chính, phù vận hộ quốc, bảo đại định công, dốc bật tính khánh hoằng hựu tập phúc, Trung chính thông duệ, văn vũ thành thận đại vương. Là bậc chính mạnh khí phách ở Lương Giang, bậc kỳ tài ở tháng ấp, sớm ra ứng nghĩa ở hội thề Lũng Nhai, theo việc tốt, vâng dẹp lớp lao, đời thế mãi truyền trên non nước, đáng được gia tặng người đầu của tông tộc, công lao mãi về sau xưng gọi vững bền. Kế từ vua tiến phong từ vương vị ngôi vua tới phủ chính tôn giúp tông xã xây dựng cơ đồ vững trãi, lễ lớn thăng lên, thích ứng gia phong, đáng được gia phong: Thôi trung đồng đức, hiệp mưu bảo chính tịnh nạn tuy hưu, Lũng nhai khai quốc công thần, Thái úy Trung quốc công ban tên thụy Uy Vũ, bao phong là Kiến nghĩa dực chính, Phù vận hộ quốc bảo đại định công, đốc triệt tích khánh, hoằng hựu tập phúc, Trung chính thông tuệ, Văn vũ thánh thần, linh thông cảm ứng Đại vương. Cố sắc.

Ngày 8 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767)”

Lê Thị Thúy Huệ (Ban NC&BSLS)


Lê Thị Thúy Huệ (Ban NC&BSLS)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]