(vhds.baothanhhoa.vn) - Lệ nộp cheo rất quan trọng trong hôn nhân truyền thống của người Việt: Có cưới mà chẳng có cheo/ Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố xã hội, lịch sử... lệ nộp cheo cùng những đặc trưng của nó hiện chỉ còn vang bóng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lệ nộp cheo trong hôn nhân cổ truyền người Việt

Lệ nộp cheo rất quan trọng trong hôn nhân truyền thống của người Việt: Có cưới mà chẳng có cheo/ Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố xã hội, lịch sử... lệ nộp cheo cùng những đặc trưng của nó hiện chỉ còn vang bóng.

Cũng như các dân tộc thiểu số khác, hôn nhân truyền thống của người Việt là hình thức dựng vợ gả chồng, mang tính chất “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và phải trải qua một số bước cơ bản: Kén dâu, rể; lễ dạm ngõ; lễ ăn hỏi; lễ cưới; lễ lại mặt. Ngoài ra, hôn nhân cổ truyền của người Việt còn có lệ nộp cheo. Nộp cheo là thủ tục không thể thiếu trong bất kỳ hôn lễ nào.

Tiền cheo được hiểu nôm na là lễ vật mà gia đình nhà trai (cũng có thể hai gia đình cùng góp) phải nộp cho “làng” công nhận cô gái đã chính thức xuất giá. Lệ nộp cheo rất quan trọng: Có cưới mà chẳng có cheo/ Nhân duyên trắc trở như kèo không đinh; Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng... Song lệ cheo được quy định bởi từng làng: Có làng phải nộp cheo nhẹ, chỉ một quan tiền, một chai rượu, một cơi trầu cau là đủ, nhưng cũng có làng yêu cầu nộp cheo rất nặng. Lễ vật nộp cheo được quy định trong hương ước. Nhiều nơi quy định không nhất thiết phải nộp cheo bằng tiền mặt hoặc cau trầu mà có thể là nộp gạch lát đường hay đóng góp xây dựng một công trình phúc lợi xã hội. Trong hôn nhân cổ truyền của người Việt, lệ cheo được phân cấp, trai gái cùng làng lấy nhau phải nộp cheo theo đơn vị 1, nếu lấy gái làng khác thì số lễ nộp cheo được tính theo đơn vị 2.

Sau khi nộp cheo, người giữ ngôi tiên chỉ trong làng (có thể là lý trưởng) sẽ cấp cho chàng trai tờ phải cheo, chứng nhận chàng trai đã nộp cheo trong việc cưới vợ. Về sau chàng trai chỉ cần xuất trình tờ phải cheo, làng sẽ căn cứ vào đấy để cấp giấy hôn thú.

Tiền cheo không chỉ là lễ vật trong hôn nhân chính thức mà còn được thực thi với một số trường hợp khác, điển hình như hình thức “tiền cheo ngọn cỏ”: Nếu trước khi kết hôn mà người con gái chửa hoang, làng bắt nhà gái phải nộp một số tiền nhất định. “Tiền cheo ngọn cỏ” là thông điệp chứng minh người con gái bị cưỡng hiếp, tránh bị làng phạt vạ.

Theo tác giả Vũ Văn Mẫu, tại hai làng Phù Khê và Hoàng Nghĩa thuộc tỉnh Thanh Hóa có tục “cheo ngọn cỏ” cho con gái làng vào tuổi 17-18 như sau: “Hai làng nói trên là làng buôn bán, con gái làng thường phải đi xa dăm ba ngày mới trở về làng. Để ngăn ngừa sự chửa hoang, lệ hai làng nói trên đã ngả vạ rất nặng, nhưng trừ cho những cô gái chót lỡ dại dột. Từ khi đã cheo như thế người con gái được dân làng coi như một người đàn bà đã có chồng, tuy rằng thực tế chưa lấy ai. Cũng kể từ ngày đó, người con gái làng đi buôn bán xa không ai dị nghị nữa, và có quyền lấy chồng ở một nơi xa thuận tiện cho sự buôn bán của mình, không cần phải nộp cheo một lần nữa. Và có chót dại làng nước cũng không ngả vạ gì cả".

Các nhà nghiên cứu gần như đã thống nhất ở nhận định: Nộp cheo khởi nguồn từ tục chăng dây. Trong lễ cưới của người Việt xưa, khi bà con xóm làng đến chúc mừng hạnh phúc đôi trẻ, gia đình hai họ hoặc đôi tân lang - tân nương sẽ mời mọi người ăn trầu cau, tặng quà hoặc một ít tiền mặt để đáp lễ. Tuy nhiên, càng về sau thì tục giăng dây càng biến tướng. Khi thấy một đám cưới chuẩn bị đi qua, người ta lại chăng dây ngang đường để “vòi tiền” gia chủ. Việc nhà trai trên hành trình rước dâu phải liên tục chi những khoản tiền mãi lộ không nhỏ khiến triều đình rất tức giận và bị cấm triệt để. Từ đó, tục nộp cheo được hình thành và tồn tại đến thế kỷ XX mới chấm dứt.

Trần Thị Liên


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]