(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, làng Phủ Lý, Đông Sơn, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Ông là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng nổi tiếng ở đất Ái Châu dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Theo Lê thị gia phả, Lê Văn Hưu là người "khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh", khi lên 5-6 tuổi, tiếng tăm “thần đồng Hưu” đã được nhiều người biết đến.

Lê Văn Hưu - Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, làng Phủ Lý, Đông Sơn, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Ông là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng nổi tiếng ở đất Ái Châu dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Theo Lê thị gia phả, Lê Văn Hưu là người “khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh”, khi lên 5-6 tuổi, tiếng tăm “thần đồng Hưu” đã được nhiều người biết đến.

Lê Văn Hưu - Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt

Tượng Lê Văn Hưu đã yên vị trong đền thờ.

Trong chương viết về nhà Trần (thời kỳ thứ nhất), sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, có ghi: Năm 1247, Lê Văn Hưu khăn gói lên kinh kỳ dự thi Thái học sinh do vua Trần Thái Tông mở vào đầu mùa xuân. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta lấy Tam khôi. Đỗ Bảng nhãn (chỉ xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền và xếp trước Thám hoa Đặng Ma La) tên tuổi của Lê Văn Hưu đã vang danh khắp nơi. Bởi trước ông, ở vùng đất Đông Sơn (bao gồm cả hai huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa ngày nay) và trấn Thanh Hóa mà nhà Trần còn gọi là “trại” (miền đất xa kinh kỳ Thăng Long) chưa có ai đỗ Thái học sinh (sau này gọi là Tiến sĩ) chứ đừng nói đến “Tam khôi”. Trong đền thờ Lê Văn Hưu, có ghi câu đối: “Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đẩu vọng/ Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương” (Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trông về Thái Sơn Sao Đẩu/ Vững đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương). Thật lạ là cả ba danh hiệu Tam khôi khoa này đều là những người vị thành niên: Trạng nguyên Nguyễn Hiền lúc ấy mới 13 tuổi; Bảng nhãn Lê Văn Hưu, 17 tuổi; Thám hoa Đặng Ma La, 14 tuổi.

Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi rõ các mốc thời gian trong cuộc đời và sự nghiệp của Lê Văn Hưu. Theo đó, Lê Văn Hưu đã kinh qua các vị trí: Hàn lâm viện thị độc, giữ việc giảng kinh sách cho Vua; Phó quan giúp việc Thái úy; Kiểm pháp quan của Viện Đăng Văn giữ việc tra xét hình ngục; Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc Sử giám tu; và cuối cùng là Thượng thư bộ Binh.

Ngày nay, nhắc đến Lê Văn Hưu, ngoài sự trung thành phụng sự nhà Trần, hơn hết, ông chính là người đặt nền móng cho nền Quốc sử Việt Nam. Thời điểm Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký, quốc gia Đại Việt đang đứng trước nguy cơ xâm lược lần thứ hai của đế chế Nguyên - Mông. Trần Thái Tông, vị vua giao trọng trách viết sử cho đại thủ bút Lê Văn Hưu hẳn là muốn tìm trong lịch sử những bài học kinh nghiệm để củng cố quyền lực, giữ vững ổn định vương triều và động viên sức mạnh của cả quốc gia cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà 207 - 136 trước Công nguyên) cho tới Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), hoàn thành năm 1272 thì năm 1285 kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai bùng nổ. Chắc hẳn những bài học lịch sử mà Lê Văn Hưu đúc rút trong Đại Việt sử ký đã góp phần làm cho vương triều Trần có được “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, lập nên kỳ tích chống ngoại xâm có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Dù có khá nhiều suy đoán về việc Đại Việt sử ký không được lưu lại trong nước, hoặc cũng có thể không còn. Tuy vậy, từ bộ Quốc sử đầu tiên này, các sử quan ở các triều đại sau đã biên soạn lại và bổ sung những giai đoạn lịch sử tiếp theo. Lê Văn Hưu đã được các sử quan đời sau đánh giá là “Đại thủ bút đời Trần” (Ngô Sỹ Liên, bài tựa “Đại Việt sử ký toàn thư”, 1479) “nghĩa lớn khen chê rành rành như công luận” (bài tựa sách “Đại Việt sử ký tục biên” của Phạm Công Trứ, 1665). Đặc biệt, đánh giá công lao to lớn của Lê Văn Hưu trong việc hoàn thành bộ Quốc sử “Đại Việt sử ký”, vua Trần Thánh Tông đã xuống chiếu ban khen và thưởng ông tước Nhân Uyên hầu.

Hai trăm năm mươi năm sau, trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử quan Ngô Sĩ Liên có chép lại 30 đoạn ghi rõ “Lê Văn Hưu viết”. Qua những trích đoạn đó, có thể thấy được phần nào khuynh hướng cũng như sắc thái ngọn bút chép sử của Lê Văn Hưu. Trong đó, ông đề cao các bài học về chữ “Lễ”; cách dùng người của quân vương và về lòng tự tôn dân tộc. Nhiều lời bình sử của ông thấm đẫm tinh thần tự tôn, tự hào về sự trường tồn của dân tộc Việt, là sự đề cao khí phách các anh hùng dân tộc Việt, là cách đặt vị trí dân tộc sánh ngang với các đế chế Trung Hoa hùng mạnh.

GS Hà Văn Tấn trong bài viết: “Hệ thống giá trị của Lê Văn Hưu và bối cảnh văn hóa - xã hội”, khẳng định: “Ngoài ý thức dân tộc, sẽ không đầy đủ khi nói về hệ thống giá trị của Lê Văn Hưu mà không đề cập đến lòng thương dân của ông. Ông đã phẫn nộ trước sự xa xỉ và tiêu phí sức dân của các vua chúa thì Lê Văn Hưu còn có tư tưởng thân dân”.

Với động cơ viết sử là đề cao dân tộc, lấy dân làm gốc, lấy cổ chế kim; coi sử là tấm gương cảnh giới trước hết là cho vua và các công khanh, Lê Văn Hưu đã để lại cho dân tộc một bộ Quốc sử quý giá, là cơ sở quan trọng cho các sử gia sau này.

Hiện nay, trên mộ Lê Văn Hưu còn sừng sững tấm bia mộ. “Bảng nhãn Lê Tiên sinh Thần bi”, ghi sự nghiệp, thân thế Lê Văn Hưu dựng từ năm 1867, niên hiệu Tự Đức thứ 20. Trong bia mộ, danh vị của ông được ghi là “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh Hàn lâm viện Thị Độc, Trưởng sử quan tu Đại Việt sử ký, Binh bộ thượng thư, tước Nhân Uyên hầu Lê tướng công”. Điều này cho thấy Lê Văn Hưu là một nhà đại khoa, một quan văn (Hàn lâm viện Thị Độc); một nhà khoa học (tu Đại Việt sử ký); một quan võ (Binh bộ Thượng thư); một người được xếp hàng thứ hai có công lớn đối với đất nước (tước Nhân Uyên hầu). Ngoài ra, trong sách “Lịch triều đăng khoa bị khảo”, Tiến sĩ Phan Huy Ôn viết: “Ông là người am hiểu địa lý. Cuối đời, thôi làm quan, ông đi xem phong thủy bốn phương. Phàm những lời phê trong các cuốn sách phong thủy của Cao Biền, Hoàng Phúc đều là tự tay ông cả. Năm 1274, Lê Văn Hưu đã từ quan sau một thời gian giữ chức Thượng thư bộ Binh, trở về Kẻ Rỵ quê cũ, dạy học trò và khảo cứu phong thủy, sống trọn vẹn với người vợ hiền từ thuở hàn sinh.

Đã 700 năm trôi qua, không chỉ dòng họ Lê ở vùng đất Kẻ Rỵ này mà người Thanh Hóa, đất xứ Thanh luôn biết ơn và tôn kính đối với nhà sử học Lê Văn Hưu, người đã có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là nhân tài lỗi lạc của kỷ nguyên độc lập và hưng thịnh Lý - Trần, là danh nhân văn hóa dân tộc, là tiến sĩ khai khoa của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1990, sau khi đền được Nhân dân quê nhà Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đóng góp, trùng tu gian hậu cung và ba gian tiền đường, lập hồ sơ và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Theo thời gian, kể từ năm 2007 đền bị hư hỏng và xuống cấp nặng, chỉ còn giữ được 2 cột, tòa cửu long, chân tảng...

Dẫn chúng tôi vào gian trong cùng, nơi đặt tượng thờ Lê Văn Hưu, bà Trần Thị Hiên, công chức Văn hóa- Xã hội xã Thiệu Trung, cho biết: Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương tu bổ, tôn tạo đền thờ Lê Văn Hưu. Tượng thờ Lê Văn Hưu này được đúc đồng nguyên khối do nghệ nhân trong làng thực hiện. Ngày 28 tháng Chạp năm 2021, tượng ngài đã được rước vào đền.

Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, chia sẻ: “Huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Trung cũng như các đơn vị thi công đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để các công trình hoàn thiện đúng tiến độ và để lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu 23 tháng 3 năm Nhâm Dần được diễn ra trang nghiêm và thành kính”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]