(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịp đầu xuân, miền núi xứ Thanh như đắm mình trong các lễ hội với những trò chơi dân gian sôi động, không chỉ mang đậm sắc thái văn hóa, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lên ngàn xem trò chơi dân gian ngày xuân

Dịp đầu xuân, miền núi xứ Thanh như đắm mình trong các lễ hội với những trò chơi dân gian sôi động, không chỉ mang đậm sắc thái văn hóa, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trò chơi dân gian là di sản văn hóa quý báu được lưu truyền, gìn giữ và đang có sức sống mãnh liệt trong đời sống hằng ngày. Một số trò chơi thường xuyên được bà con dân làng tổ chức vào mỗi độ xuân về, như: Đánh đu, đánh mảng, chọi cù, kéo co... Đó là các trò chơi dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên.

Có dịp về Thường Xuân, trong không khí của những ngày đầu năm mới, được tham gia trò ném còn cùng đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi cảm nhận rõ sự gắn kết cộng đồng được gửi gắm vào trò chơi này. Không chỉ là trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Thái, ném còn còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, mang đậm tính cộng đồng. Đây cũng là dịp để trai tài, gái sắc tìm hiểu nhau, thể hiện tình yêu lứa đôi và kết duyên vợ chồng. Dù không phải là ở nhà thi đấu hoành tráng, cũng không có khán đài, mà chỉ trên những khu bãi đất rộng lớn, giữa mênh mông non nước núi rừng, những chàng trai, cô gái Thái vẫn đang say xưa tung còn một cách mềm mại, uyển chuyển mà không kém phần duyên dáng.

Trò chuyện với một số người tham gia chơi, được biết: Có hai cách chơi ném còn: Thứ nhất ném còn qua vòng, nếu ai mà ném qua được vòng treo trên cột thì thắng cuộc, tài giỏi và may mắn cả một năm. Cách thứ hai chia làm hai tốp nam, nữ hoặc cả nam nữ tuỳ thuộc vào từng hội chơi. Nếu ai bắt trượt còn thì sẽ phải có vật để trao cho người thắng. Thanh niên trai gái thường trao cho nhau khăn, mũ, áo, vòng tay, như vật làm tin.

Vừa dừng cuộc chơi, khi quả còn đã bay xa, chị Vi Thị Hạnh, người dân ở huyện Thường Xuân, cho biết: “Năm nào cũng vậy mỗi khi tết đến xuân về chúng tôi lại làm còn để chơi tết. Đây là nét văn hoá truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, một dân tộc luôn gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước”.

Thu hút trò chơi, già có, trẻ có, không phân biệt lứa tuổi. Ngày xưa trai, gái dân tộc Thái khi đi lên nương, cấy cày, họ thường tung các bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn. Tiếng Thái, “quả còn” gọi là “cón cuống”, mang niềm tin, đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc. Quả còn to bằng quả cam lớn, có hình tròn, được khâu theo múi với hoa văn nhiều màu sắc ghép nối vào nhau có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi các loại hạt như: thóc, bông, vừng, cải, đỗ... thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vượt lên trên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau.

Các trò chơi dân gian không chỉ là “linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh mà còn góp phần giữ gìn sắc thái văn hóa, gắn kết cộng đồng.

Nếu như ném còn được coi là trò chơi “linh hồn” của đồng bào dân tộc Thái, thì với người phụ nữ Mường ở Thạch Thành trò chơi đánh mảng cho đến nay vẫn được nhiều người ưa thích bởi nó không giới hạn độ tuổi, không gian, thời gian. Chẳng thế, mà chúng tôi cũng như bị lôi cuốn vào trò chơi này của người Mường ở xã Thành Mỹ (Thạch Thành).

Mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi, thế nhưng bà Hoa, người dân ở xã ThànhMỹ (Thạch Thành), trông vẫn rất nhanh nhẹn cùng bà con bên những đồng mảng đang xoay. Đôi chân của bà thoăn thoắt lúc kẹp lúc nhảy được phối hợp nhịp nhàng với những ngón tay ra lực dứt khoát khiến những người phụ nữ ấy không còn khoảng cách về tuổi tác.

Từ bao đời này, trò chơi đánh mảng không đơn thuần là một hoạt động chơi giải trí, mà ẩn chứa trong đó là cả một nét văn hóa độc đáo, giàu sắc thái văn hóa. Vì vậy, bằng những việc làm thiết thực trò chơi này đã và đang góp phần tích cực trong việcbảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần từ các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Anh Trịnh Văn Công, cán bộ văn hóa huyện Thạch Thành, cho biết: đánh mảng không chỉ là trò chơi gắn liền với đời sống của người phụ nữ Mường ở Thạch Thành mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không giới hạn độ tuổi thường diễn ra ở ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên. Hiện nay, không chỉ đánh mảng mà hầu hết trò chơi dân gian thường gắn liền với các lễ hội truyền thống nên có vai trò như một sợi dây vô hình kết nối cộng đồng. Bởi vậy, trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa rất cần các cấp, ngành, địa phương quan tâm khôi phục, tổ chức thường xuyên trò chơi dân gian trong các lễ hội truyền thống.

Những ngày đầu xuân, các trò chơi dân gian của người Thái, người Mường... là nét đặc trưng của các lễ hội vùng cao.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]