(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Với việc đầu tư có trọng điểm, gắn bảo tồn với phát huy giá trị, nhiều di tích trở thành sản phẩm văn hóa, điểm đến du lịch hấp dẫn thực sự của xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng tầm giá trị di tích, di sản

Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Với việc đầu tư có trọng điểm, gắn bảo tồn với phát huy giá trị, nhiều di tích trở thành sản phẩm văn hóa, điểm đến du lịch hấp dẫn thực sự của xứ Thanh.

Đầu tư có trọng điểm

Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích, danh thắng, trong đó có 822 di tích đã được xếp hạng. Đáng chú ý trong đó là di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, hang Con Moong... cùng với hàng trăm di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh ở khắp các vùng miền, đã tạo nên một không gian văn hóa, vùng di sản đậm đặc bậc nhất cả nước.

Song, thực tế nhiều di tích đang đứng trước thách thức trùng tu, tôn tạo. Bởi lẽ, ra đời cách đây hàng trăm năm, nhiều di tích đã và đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là các di tích qua thời gian giờ chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo quả thực khiến cơ quan chức năng và chính quyền không khỏi đau đầu. Ngoài một số các di tích kêu gọi được nguồn xã hội hóa thì vẫn còn không ít các di tích gặp khó khăn khi đối mặt với bài toán kinh tế này. Và tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo, phục dựng di tích.

Cụ thể, năm 2017, từ nguồn dự toán ngân sách tỉnh, Thanh Hóa đã đầu tư 37,2 tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. Theo đó, đối với các di tích cần được đầu tư bảo quản, tu bổ có trọng điểm, dứt điểm năm 2017 thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% giá trị xây lắp đối với di tích cấp quốc gia và 50% với di tích cấp tỉnh; đối với những di tích hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp năm 2017, hỗ trợ một lần: ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% giá trị xây lắp với những di tích cấp quốc gia nhưng không quá 600 triệu đồng và 50% đối với di tích cấp tỉnh nhưng không quá 500 triệu đồng.

Như vậy, thay vì đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải thì đến nay, thông qua việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, việc đầu tư, hỗ trợ nguồn kinh phí cho trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đã bước đầu có trọng điểm. Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ được tập trung nhiều cho các di tích văn hóa lịch sử (đình, đền thờ danh nhân), di tích cách mạng. Ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa cho biết: So với các địa phương khác thì Thanh Hóa là tỉnh có nguồn kinh phí đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích khá lớn.

Khu di tích Lam Kinh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh.

Nỗ lực phát huy giá trị

Cùng với việc đầu tư nguồn kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo thì bài toán gìn giữ, phát huy giá trị di tích cũng được đặt ra. Sở hữu khối lượng di sản lớn là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc phát huy giá trị gắn với hoạt động tham quan, du lịch mang lại nguồn thu.

Năm 2017, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã đón và phục vụ trên 300 nghìn lượt khách. Đặc biệt, năm 2017 cũng được xem là năm dấu mốc với khu di tích Lam Kinh khi Đại điện (Chính điện) Lam Kinh đã cơ bản được hoàn thành và đi vào phục vụ khách tham quan vào đúng dịp diễn ra lễ hội. Đại điện Lam Kinh được xem là trung tâm của khu di tích. Ngoài ra, theo giới chuyên môn thì đây cũng được đánh giá là công trình gỗ cổ có quy mô lớn bậc nhất cả nước. Bởi vậy với nguồn kinh phí đầu tư lớn, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong công tác phục dựng nên công trình đã thu hút sự chú ý của rất đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Thực tế việc phát huy giá trị di tích gắn với việc đưa du khách đến tham quan, chiêm bái cũng còn không ít hạn chế. Và quả thực là chưa tương xứng với tiềm năng. Không ít di tích sau nỗ lực trùng tu thì vẫn cửa đóng, then cài, mỗi năm mở dăm lần vào những dịp đặc biệt.

Lý giải về vấn đề này, người đứng đầu Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa - ông Phạm Văn Tuấn cho rằng: Các di tích chưa được tu bổ hoàn chỉnh, sự kết nối giữa các di sản còn khá hời hợt, lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Sự kết nối ở đây là giữa các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt... với nhau, tạo nên một vòng tròn khép kín lôi cuốn du khách. Ngoài việc tập trung đầu tư để hoàn thiện các di sản thì công tác quảng bá cần được chú trọng hơn. Có như vậy thì việc phát huy giá trị di sản xứ Thanh gắn với phát triển du lịch mới thực sự có hiệu quả.

Bên cạnh đó, có lẽ sự thụ động, ỷ lại của một số địa phương có lẽ cũng nên xem là yếu tố khiến cho nhiều di tích “ngủ quên” sau trùng tu, tôn tạo, phục dựng.

Thiết nghĩ, di tích là tài sản của tiền nhân, là dấu ấn lịch sử còn để lại. Việc gìn giữ, bảo tồn di tích là điều cần thiết. Nhưng việc trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích chỉ thực sự hiệu quả là khi trở thành những điểm đến, sản phẩm văn hóa để hậu thế tham quan, chiêm bái và ngưỡng vọng. Để di tích thực sự là những thực thể sống động và nhân văn.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]