(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm cách trung tâm huyện Vĩnh Lộc khoảng hơn 8km, nghè Cẩm Hoàng ở xã Vĩnh Quang là di tích kiến trúc nghệ thuật lưu giữ nhiều giá trị, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong xã.

Nét đẹp kiến trúc gỗ Nghè Cẩm Hoàng

Nằm cách trung tâm huyện Vĩnh Lộc khoảng hơn 8km, nghè Cẩm Hoàng ở xã Vĩnh Quang là di tích kiến trúc nghệ thuật lưu giữ nhiều giá trị, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong xã.

Nét đẹp kiến trúc gỗ Nghè Cẩm HoàngNghè Cẩm Hoàng nổi bật bởi các mảng chạm khắc gỗ tinh xảo.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến di tích nghè Cẩm Hoàng ở làng Cẩm Hoàng, xã Vĩnh Quang. Công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, trong không gian tĩnh lặng dễ mang đến cho người ghé thăm cảm giác bình yên, lắng đọng xúc cảm.

Nghè Cẩm Hoàng tọa lạc trên khu đất rộng rãi, bằng phẳng. Theo ghi chép, nghè khi xưa vốn nằm nơi đầu làng, nhưng trải qua thời gian, sự quần cư đông đúc, nhà nhà mọc lên, khiến cho vị trí của nghè dần ở trôi vào giữa làng. Từ cổng đi vào, sân nghè rộng rãi thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động hội họp, văn hóa - văn nghệ của làng từ bao đời nay. Nghè Cẩm Hoàng được xây dựng với kiến trúc nghè - đình truyền thống của người Việt xưa. Tiền đường năm gian hai vẫy (hai chái) với toàn bộ hệ thống 30 cây cột chắc chắn. Ngoài cùng mái hiên là hệ thống sáu cột đá vuông xanh vẫn giữ màu tươi sáng và hai mươi bốn cột gỗ lớn, vòng tay người lớn ôm không xuể.

Điều đặc biệt là phần nhiều hệ thống cột gỗ trong nghè, theo người dân địa phương được làm từ gỗ mít - một loại gỗ trước giờ chỉ chuyên làm đồ thờ cúng. Cây mít thường có đặc điểm là ngắn lại bị cong vẹo khá nhiều, bởi thế để có những chiếc cột gỗ thẳng, dài trên 3m và to như số lượng cột gỗ trong nghè thì người xưa chắc hẳn đã phải mất rất nhiều công sức. Gỗ mít vốn có màu vàng đặc trưng, trải qua thời gian hàng trăm năm, đến nay đã ngả màu nâu bạc. Mỗi cột đều được đặt trên chân tảng đá lớn chắc chắn.

Hệ thống vì kèo của nghè là các cặp đối xứng hài hòa. Trên các vì kèo được chạm trỗ công phu hình hổ phù, rồng uốn lượn với đường nét cầu kỳ, tinh xảo. Nếu hình hổ phù là những nét chạm trổ khỏe mạnh, uy nghiêm đầy sức mạnh thì hình rồng chạm lại toát lên nét mềm mại, tinh tế sống động. Chiêm ngắm từng mảng chạm khắc, ta cảm nhận được tài năng, khối óc và tâm huyết của người nghệ nhân xưa thổi hồn vào từng thớ gỗ. Ngoài tứ linh (long, ly, quy, phượng), còn có tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) cũng tạo nên sự tinh tế, hài hòa, đạt trình độ điêu luyện, bậc thầy về kỹ thuật chạm khắc.

Đi sâu vào bên trong đình là gian hậu cung. Tại đây, vẫn còn nguyên vẹn bức chạm lưỡng long chầu nguyệt bằng đá, hai bên bức chạm có khắc những Hán tự cổ. Tương truyền rằng, bức chạm đá được người dân ở một làng lân cận tặng cho nghè Cẩm Hoàng cách đây cả trăm năm. Cùng với đó, ở hậu cung còn có một sập đá nguyên khối màu xanh thẫm.

Đặc biệt hơn, nghè Cẩm Hoàng còn lưu giữ hai bản thần tích về các vị thần được thờ và mười đạo sắc phong, bản sao sắc phong qua các triều vua. Theo đó, đây là nơi thờ Thành hoàng làng Quản gia Đô bác Đại vương Trịnh Phủ Quân (Trịnh Ra) và Long Uyên tôn thần (Long Tinh Chàng). Theo bản thần tích lưu giữ tại nghè, ở đất Quan Hoàng cổ xưa vẫn lưu truyền câu chuyện về Long Tinh Chàng có diện mạo uy nghiêm, trên đầu có sừng rồng, mỗi khi hiện thân đều khiến cho trời đất tối sầm. Trước sự uy linh của thần, dân làng đã lập đền thờ bên bờ sông Mã, hàng năm cầu đảo, cúng tế mong ước cuộc sống bình yên, no đủ.

Vào đầu thời Trần ở nước ta thiên hạ thái bình. Nhưng một năm, trời bỗng giáng họa xuống nhân gian trận đại hồng thủy, phá vỡ đê điều khiến mùa màng thất bát, dân tình đói khổ. Vua Trần ra sắc lệnh cho người dân dồn sức đắp đê ngăn lũ nhưng đê cứ vừa đắp xong lại vỡ, vô cùng kỳ lạ. Tương truyền, nhà vua đã đích thân đến vùng đất bên bờ sông Mã để đốc thúc việc đắp đê ngăn lũ. Khi đến đây thì trời nổi giông tố mịt mùng, vua Trần nhìn thấy bên bờ sông có ngôi đền và vị thần tay cầm gậy đồng dị thường. Sau khi hỏi chuyện người dân thì liền cho sắm lễ cầu đảo liên tục ba ngày đêm, sau đó ra lệnh đắp đê. Công việc nhanh chóng hoàn thành. Vua cho là sự linh ứng, nên đã ban bạc, tiền và bãi miễn thuế ba năm cho người dân trong vùng. Đồng thời, ban mỹ tự Thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương cho thần, tên húy gọi là Long Tinh Chàng.

Còn Quản gia Đô bác Đại vương Trịnh Phủ quân (Trịnh Ra) vốn làm quan ở đất Thiên Vực, lộ Vĩnh Ninh; sau ông được giao chức Quản gia thương khố, kiêm việc quản nội ngoại các quận. Khi mất, ông được lập đền thờ và phong là Quản gia Thần vương, sắc cho các thôn, làng bên bờ sông Mã tôn ông là Thành hoàng làng. Ngày nay, nghè Cẩm Hoàng vẫn là nơi sinh hoạt tâm linh thuần nhất, cầu xin cho mùa màng tốt tươi, thi cử đỗ đạt của người dân trong vùng.

Căn cứ trên nội dung văn bia còn lưu giữ tại di tích: Năm 1857, dưới triều vua Tự Đức, làng Tây Vệ (tức Tây Giai ngày nay) đã cung tiến cho làng Cẩm Hoàng làm ngôi nghè ba gian lợp tranh, rồi rước chân nhang từ đền Nhật Chiêu (Nhật Quang, xã Vĩnh Hòa) - nơi chôn cất Trịnh Ra về nghè để thờ và tôn làm Thành hoàng làng. Đến triều vua Khải Định (năm thứ 4), làng Cẩm Hoàng đã làm nghè mới bằng gỗ, lợp ngói như ngày nay. Dù chưa phải công trình mang nhiều dấu ấn thời gian, song nghè Cẩm Hoàng lại đặc sắc bởi nét đẹp kiến trúc gỗ thời Nguyễn. Không chỉ người dân trong làng mà với cả xã Vĩnh Quang, nghè Cẩm Hoàng tự bao đời nay vẫn là điểm đến tâm linh linh thiêng. Ông Phạm Doãn Mẫn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho biết: “Đi qua thời gian và thăng trầm lịch sử, kiến trúc gỗ của nghè Cẩm Hoàng cũng không tránh khỏi những dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp ngành và đóng góp của Nhân dân địa phương, những năm qua di tích đã được trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị hiệu quả”.

Hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, tại di tích diễn ra lễ hội Kỳ phúc, với những nghi lễ tâm linh mang đậm dấu ấn đời sống văn hóa của người dân vùng đất Cẩm Hoàng, được trao truyền, gìn giữ qua các thế hệ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]