(vhds.baothanhhoa.vn) - Dòng sông Mã có ngọn nguồn từ tỉnh Sơn La chảy qua đất Lào, rồi quay về Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Tén Tằn huyện Mường Lát, xuôi về đất Mường Cẩm Thủy, thong dong chảy vào Vĩnh Lộc, nơi có Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đến giữa huyện, sông Mã hợp lưu với sông Bưởi, chảy đến cuối huyện thì chia tách thành 2 nhánh, một nhánh là sông Cầu Chày, còn gọi là Trùy Giang, chảy về phía Yên Định, một nhánh là sông Lèn, chảy trên địa phận huyện Hà Trung. Nhờ sự chia tách ấy mà tạo nên một ngã ba sông, người dân quen gọi là Ngã Ba Bông. Đây là vùng “sơn quần thủy tụ”, là một vụng nước tiếp giáp với các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. “Một con gà gáy dân 6 huyện cùng nghe, người 6 làng cùng thức” là như vậy.

Ngã Ba Bông nơi sơn quần thủy tụ

Dòng sông Mã có ngọn nguồn từ tỉnh Sơn La chảy qua đất Lào, rồi quay về Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Tén Tằn huyện Mường Lát, xuôi về đất Mường Cẩm Thủy, thong dong chảy vào Vĩnh Lộc, nơi có Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đến giữa huyện, sông Mã hợp lưu với sông Bưởi, chảy đến cuối huyện thì chia tách thành 2 nhánh, một nhánh là sông Cầu Chày, còn gọi là Trùy Giang, chảy về phía Yên Định, một nhánh là sông Lèn, chảy trên địa phận huyện Hà Trung. Nhờ sự chia tách ấy mà tạo nên một ngã ba sông, người dân quen gọi là Ngã Ba Bông. Đây là vùng “sơn quần thủy tụ”, là một vụng nước tiếp giáp với các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. “Một con gà gáy dân 6 huyện cùng nghe, người 6 làng cùng thức” là như vậy.

Ngã Ba Bông nơi sơn quần thủy tụMột góc đền Cô Bơ, nơi ngã ba sông.

Vùng đất này đậm đặc văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, với một hệ thống đền phủ linh thiêng. Chỉ quanh khu vực ngã ba sông này trong bán kính khoảng 1 km đã có tới 3 ngôi đền lớn thờ Mẫu. Đền Cô Bơ nằm ở xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, giáp với xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc. Cách đền Cô Bơ chỉ khoảng 1 km là đền Hàn Sơn, cũng là đền thờ Mẫu. Bên hữu nhánh sông Lèn thuộc địa phận xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, có đền Phong Mục với cả một hệ thống thờ tứ phủ và đền Cô Tám, vốn được dân gian xem là vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên chữa bệnh giúp dân làng. Tín ngưỡng thờ Mẫu in đậm trong đời sống tâm linh của các làng quê thuộc lưu vực sông Mã.

Đền Cô Bơ còn gọi là cô Ba Bông, cô Ba Thoải nằm ngay bên bờ tả cạnh ngã ba sông thuộc đất Hà Trung, là địa danh nổi tiếng thờ hóa thân của thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một trong những ngôi đền đặc trưng của tục thờ Đạo Mẫu ở xứ Thanh. “Cô” cũng chính là hiện thân của bà Chúa Nước mà dân gian vẫn thường gọi bằng cái tên Mẫu Thoải - tức Mẹ Nước. Du khách đến đây dâng hương, vãn cảnh thường được thưởng thức các giá đồng, là một trong những sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Hoạt động này vừa mang yếu tố tâm linh vừa mang màu sắc nghệ thuật dân gian, bởi khi nhập bóng, các thanh đồng múa hát dưới hình tượng hóa thân của các vị Thánh. Thánh nam là quan Hoàng Mười, quan Hoàng Bảy, thánh cậu bé; thánh nữ là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải...

Đền Hàn Sơn nằm bên tả nhánh sông Lèn. Hàn Sơn là một địa chỉ tâm linh, cũng là một thắng tích nổi tiếng nằm ngay bên bờ sông Mã. Nhiều tài liệu khảo cứu có ghi lại rằng: vùng đất Hà Sơn xưa còn có tên là Kẻ Nước và Chí Thủy. Sở dĩ gọi như vậy bởi vùng đất này nằm ngay ở Ngã Ba Bông - khu vực rốn nước trung tâm của châu thổ sông Mã - nơi con sông chia đôi dòng đổ về biển cả. Đền Hàn mà Nhân dân vẫn thường quen gọi là đền Đức Ông, thờ vị danh tướng anh hùng thời Hậu Lê có công giữ gìn và bảo vệ đất nước. Căn cứ vào các tài liệu, bia ký cũng như các huyền sử dân gian, vào khoảng những năm đầu triều Hồng Đức, tức là triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Lê Thọ Vực lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự”. Về sau ông làm đến chức Thái úy, đứng đầu hàng võ và được vua ban tước Sùng quốc công. Xưa kia đền thờ Lê Thọ Vực được đặt ở khu đền Bông bây giờ. Đền gồm 4 cung uy nghi, tráng lệ: Cung tứ thờ Sùng quốc công Lê Thọ Vực, cung nhị thờ Mẫu, cung tam thờ hội đồng. Sau này thì được đưa đến đặt ở sườn núi Hàn với cái tên đầy sự tôn kính là đền Đức Ông.

Dân gian xứ Thanh có câu ca: “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía”. Hội Gai hay còn gọi là lễ hội đền Hàn, là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất xứ Thanh, diễn ra vào tháng 6 âm lịch hằng năm. Đền Hàn và đền Cô Bơ là cụm di tích danh thắng không thể tách rời, liên quan đến một tích truyện dân gian. Trong một trận giao tranh ác liệt kéo dài không phân thắng bại mà tình thế rất nguy cấp, một đêm, Lê Thọ Vực mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống Ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu Thoải tất ứng linh”. Theo lời, ông dẫn quân xuôi về Chí Thủy tức là Thác Hàn Sơn ngày nay, dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, chờ thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không dám quấy nhiễu nữa. Để đáp lại ân đức của thánh thần, Lê Thọ Vực tâu vua cho lập đền thờ Cô Ba ở bãi bồi ven sông. Và việc thờ Mẹ Nước ngay chính ngã ba sông - nơi rốn nước cuộn chảy - lại càng làm tăng thêm tính linh thiêng, cuốn hút du khách muôn phương về hành hương, chiêm bái.

Mặc dù lễ hội đền Hàn kéo dài cả tháng 6 âm lịch, thế nhưng ngày 12 vẫn được xem là chính hội. Vào ngày này Nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở đền Ba Bông về hầu Thánh Mẫu Đệ Tam đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về. Trước những năm chưa có dịch COVID-19, lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể. Song hấp dẫn hơn cả, có lẽ vẫn là những màn diễn xướng chầu Mẫu. Trong làn khói hương mờ ảo, tiếng đàn nhịp phách của nghệ thuật hát cung văn trầm bổng, bóng thanh đồng trong sắc phục rực rỡ, cùng các điệu diễn xướng tươi vui, trong ánh đèn nến lung linh tạo nên một không gian linh thiêng, huyền ảo. Chung quanh, con nhang đệ tử phấn khích hò reo, vỗ tay theo mỗi giá đồng, mà thấy thánh thần sao quá đỗi thân quen, gần gũi với con người.

Giờ đây, khu vực thắng cảnh Ngã Ba Bông - Hàn Sơn với bề dày lịch sử, văn hóa phong phú cùng các điểm di tích phụ cận đã và đang trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh giàu tiềm năng của xứ Thanh.

Bài và ảnh: Mai Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]