(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong đại gia đình các dân tộc xứ Thanh, đồng bào dân tộc Mường chiếm dân số đông, chỉ đứng sau người Kinh. Có nguồn gốc từ người Việt cổ, đời sống văn hóa tinh thần của người Mường phong phú và đặc sắc với nhiều lễ tục đặc biệt thể hiện triết lý, nhân sinh quan được lưu giữ trong hoạt động hàng ngày.

Ngày xuân của người Mường

Trong đại gia đình các dân tộc xứ Thanh, đồng bào dân tộc Mường chiếm dân số đông, chỉ đứng sau người Kinh. Có nguồn gốc từ người Việt cổ, đời sống văn hóa tinh thần của người Mường phong phú và đặc sắc với nhiều lễ tục đặc biệt thể hiện triết lý, nhân sinh quan được lưu giữ trong hoạt động hàng ngày.

Ngày xuân của người MườngPhường Chúc của đồng bào Mường (Ngọc Lặc) đi chúc tết các gia đình trong thôn, bản ngày tết đến xuân về.

Khác với người Mông thường chọn núi cao, địa bàn sinh sống của người Mường xứ Thanh tập trung ở các huyện miền núi thấp, như: Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy... Khi sắc hồng của hoa đào điểm tô núi rừng cũng là lúc người Mường gấp rút hoàn tất công việc năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới. Không phải đợi đến ngày 30 tết, từ 25 tháng Chạp, đàn ông Mường bắt đầu tảo mộ, dọn dẹp “nhà cửa” cho người đã khuất; các chị, các mẹ í ới rủ nhau vào rừng hái lá dong, lá chuối rừng về gói bánh. Từng vật dụng trong gia đình (nồi niêu, bát đũa...) đến nông cụ phục vụ sản xuất (cày, bừa, cuốc, xẻng...) đều được làm sạch. Tuy vậy, Tết - một năm mới với người Mường chỉ thực sự bắt đầu khi cây nêu được dựng lên vào sáng 30 tết.

Trước đó, người đàn ông Mường sẽ vào rừng chọn cây tre, luồng đẹp, thẳng, còn lá làm thân cây nêu. Trên ngọn cây nêu, người phụ nữ Mường sẽ may các “tua leo” bằng vải nhiều màu sắc treo lên đó. Theo truyền thuyết, cây nêu là “chỉ dấu” giữ đất của người Mường trước các loài quỷ ác. Ngày nay, khi dựng cây nêu lên, người Mường cũng gửi gắm trong đó niềm tin xua đuổi tà ma, khí độc. Nhưng cũng chính cây nêu là chỉ dấu để “ma” nhà mình - tổ tiên, ông bà biết đường để về ăn tết, vui xuân cùng con cháu.

Khi cây nêu trong ngày tết được dựng lên, cũng là lúc những “kiêng kị” trong lời ăn tiếng nói được mỗi người ý thức. Kiêng nói to, quát mắng, chửi bới, nói lời tục tĩu mà chỉ nói lời hay, ý đẹp và điều may mắn. Bởi quan niệm, những lời nói không hay sẽ ảnh hưởng đến cả năm mới.

Với người Mường, “thiếu 30 không thể thiếu mùng 1”. Điều này được hiểu, mâm lễ cúng thần linh, gia tiên vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán được cực kỳ coi trọng. Mâm lễ cúng có đầy đủ thịt, cá và nhiều loại bánh, trái được người phụ nữ Mường tự tay làm nên. Bên cạnh bánh chưng còn có bánh uôi, bánh rán, bánh lá, bánh tét... tất cả đều được làm từ nguyên liệu gạo (gạo tẻ, gạo nếp). Sau khi đã hoàn tất nghi lễ cúng trong nhà, người ta sẽ “mời” con trâu, cái cuốc, cái cày... cùng ăn tết. Bánh chưng, thịt, cá được “bôi” lên cán cuốc, lưỡi cày... thay lời cảm ơn của chủ nhân và cả lời thì thầm cùng cố gắng lao động cho một năm mới no đủ hơn. Người Mường quan niệm, từ cỏ cây, hoa lá đến con trâu, cái cuốc đều mang trong mình “linh hồn”, hiểu được sự đối đãi của chủ nhân.

Văn hóa của người Mường đặc biệt coi trọng lời chúc tụng đầu năm. Bởi vậy, trong niềm hân hoan của ngày tết đến xuân về, khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc lễ tục Sắc Bùa với những đội Phường Chúc đến từng nhà mang theo lời chúc tốt đẹp cho gia chủ. Đàn ông, phụ nữ Mường chọn cho mình sắc phục đẹp nhất, mang theo cồng chiêng tập trung tại nhà văn hóa thôn cùng đi chúc tết các gia đình. Phường Chúc được dẫn đầu bởi “cái bùa” - Trưởng Phường. Cái bùa phải là người giỏi đánh cồng chiêng và hát chúc hay (hát xường Khoát Rát). Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) - một trong những người hát xường hay nức tiếng trong cộng đồng người Mường ở Ngọc Lặc chia sẻ: “Trong các làn điệu xường thì hát xường Khoát Rát là khó nhất. Nó đòi hỏi người hát phải có trí nhớ tốt và khả năng ứng biến. Hát xường được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho cháu con. Hát xường không khó, nhưng để hát hay thì mỗi người đều phải chú tâm tập luyện”.

Âm điệu của những bài xường (Khoát Rát) vui tươi, phấn khởi. Dù có nội dung khác nhau song tựu chung đều mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp. Phường Chúc đi chúc mừng từ nhà này sang nhà khác, làng này sang làng khác và xã này sang xã khác. Khi nào gia chủ còn mời, còn chào đón thì Phường Chúc còn đi và hát chúc. Đáp lại những lời chúc tốt đẹp của Phường Chúc, tùy điều kiện mà gia chủ sẽ mời cơm rượu, tặng quà cho Phường Chúc như một cách đáp lễ.

Lễ tục Sắc Bùa được hiểu đơn giản chính là xách cồng chiêng đi hát chúc. Mỗi Phường Chúc sẽ có từ 15 - 20 người không phân biệt đàn ông, phụ nữ, chỉ cần biết đánh cồng chiêng, biết hát xường và đam mê gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Sau thời gian mai một, lễ tục Sắc Bùa - Phường Chúc của người Mường được khôi phục vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Đến nay, ngoài dịp tết đến xuân về, Phường Chúc còn xuất hiện ở nhiều sự kiện: mừng nhà mới, mừng đám cưới, mừng lễ hội... Và người Mường, dù trong lao động sản xuất hay sinh hoạt văn hóa thì tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết đều được đề cao, coi trọng. Điều đó được thể hiện không chỉ ở lời mời nhau đến nhà chơi tết, mà ngay trong trò diễn truyền thống, lễ hội đầu xuân, trò chơi như: đánh đu, đánh mảng, chơi cù...

Sau những ngày tết vui chơi thỏa thích, con trâu cũng đã nhớ đồng, cái cuốc, cái cày nhớ đất và bước chân người đã nhớ ruộng, người Mường tại mỗi bản làng cùng nhau “khép” lại Tết Nguyên đán bằng tết Khai Hạ - xuống đồng vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Mâm cỗ cúng được chuẩn bị tinh tươm từ sáng sớm dâng lên thần linh, gia tiên cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, bình an... Và cũng vào ngày tết Khai Hạ, cây nêu được hạ xuống. Một năm mới hăng say lao động, sản xuất bắt đầu với niềm phấn khởi và nhiều ước vọng.

Chia sẻ về văn hóa ngày tết đến xuân về của người Mường, ông Bùi Hồng Nhi, Chi hội phó Chi hội Dân tộc học huyện Ngọc Lặc, cho biết: Người Mường sống rải rác ở nhiều huyện miền núi, trong đó ở Ngọc Lặc, đồng bào Mường chiếm hơn 75% dân số. Cũng như nhiều dân tộc sinh sống trên vùng đất xứ Thanh, trong một năm người Mường có nhiều lễ, tết. Trong đó, Tết Nguyên đán là quan trọng nhất. Văn hóa của người Mường đề cao yếu tố giao lưu, cộng cảm, từ đó hình thành nên sức mạnh cộng đồng, tinh thần dân tộc.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]